Nguy hại nắng nóng và ngộ độc ánh mặt trời
Nhiều biến chứng nghiêm trọng
Từ đầu hè đến nay, nhiệt độ miền Bắc liên tục tăng cao khiến các bệnh viện quá tải do nhiều người nhập viện. Theo thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Lão khoa Trung ương, vào thời điểm nắng nóng, số người già mắc bệnh mạn tính đến khám cũng tăng từ 30% - 50%. Theo BS Nguyễn Hoàng Phương, Phụ trách Trung tâm Dị ứng, miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), chỉ riêng bệnh nhân hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã có hàng chục người đến khám mỗi ngày.
Bên cạnh người cao tuổi, nhiều trẻ nhỏ cũng phải nhập viện vì nắng nóng. Đa số trẻ nhỏ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy có xu hướng gia tăng. Nắng nóng và nhiệt độ các buổi trong ngày chênh lệch cao cũng khiến trẻ em mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy, sốt… tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương và khoa Nhi các bệnh viện khác mấy ngày qua lượng bệnh nhân đến khám tăng từ 20% trở lên.
Cần che chắn cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời khi nhiệt độ cao, phòng chống ngộ độc ánh mặt trời.
Các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, mức độ nguy hại khi làm việc, tập luyện, di chuyển lâu dưới trời nắng nóng là cơ thể con người sẽ có nguy cơ bị thương tổn. Theo PGS.TS Vũ Đức Định, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện E), có nhiều mức độ thương tổn do nắng nóng gây ra như say nắng nóng xảy khi làm việc ở môi trường có nhiệt độ trên 32,2 độ C trở lên trong 3 - 4 ngày liên tiếp. Nhiều người bị ngất xỉu, phù, chuột rút, cơn tetany do nắng nóng, bị stress cảm giác mệt mỏi, ăn uống kém, nặng nề không thoải mái do phải làm việc ở môi trường nắng nóng quá lâu.
Không ít người bị kiệt sức do nắng nóng bao gồm các mức độ từ nhẹ đến nặng với biểu hiện khát nước nhiều, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, choáng ngất. Kiệt sức do nắng nóng chủ yếu do mất nước mất muối nhiều và cuối cùng là đột qụy do nắng nóng, với tình trạng thân nhiệt trung tâm cao trên 40 độ C kèm theo da nóng, khô với các rối loạn về thần kinh trung ương như run cơ, co giật, thậm chí hôn mê.
Nắng nóng cũng khiến các bệnh nhân mắc các bệnh về da tăng cao. Theo thống kê của các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, trong mùa hè, khoảng 20% bệnh nhi đến khám là do bị sẩn ngứa côn trùng cắn. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ mắc rôm sảy, viêm da tiếp xúc do dị ứng ánh sáng… cũng gia tăng mạnh. Đáng chú ý, bệnh viện đã từng tiếp nhận một bệnh nhân nam đến khám ở viện trong tình trạng “da cháy”. Trước đó, bệnh nhân kể, anh có tắm biển vào đúng giữa trưa, lúc có cường độ ánh sáng cao nhất. Ngay khi vừa lên bờ, trên da anh xuất hiện ban đỏ, bỏng rát ranh giới rất rõ giữa vùng có và không tiếp xúc ánh sáng. Sau đó, da của bệnh nhân xuất hiện mụn nước, bọng nước trên nền da đỏ như… tôm luộc. Khi mụn nước, bọng nước vỡ, da bệnh nhân bong vảy da mỏng, khiến da bị tổn thương nặng, bị rát thâm trong thời gian dài.
Tăng nguy cơ ung thư da
Vào mùa hè, tình trạng bỏng da liên quan đến ánh nắng thực sự đáng ngại, đặc biệt là những người có nghề nghiệp bắt buộc phải ra nắng thường xuyên trong điều kiện ánh nắng cường độ mạnh như: Công nhân xây dựng, thợ điện… Trong khi đó, một số bệnh da lại có nguyên nhân do ánh nắng hoặc nặng lên khi đi ra nắng.
Khác với cháy nắng, ngộ độc ánh mặt trời là dạng cháy nắng nghiêm trọng. Điều này xảy ra khi bạn phơi mình dưới ánh nắng mặt trời cũng như tiếp xúc với tia cực tím trong một thời gian quá lâu. Không giống như cháy nắng nhẹ, ngộ độc mặt trời cần phải được điều trị có liệu trình. Ngộ độc mặt trời, bắt đầu giống như các triệu chứng thông thường của cháy nắng. Khi bạn bị cháy nắng nhẹ, vùng da tiếp xúc với ánh mặt trời sẽ có hiện tượng đau, sưng, đỏ, nhưng tình trạng này sẽ tự lành và sẽ không cần dùng thuốc, hoặc sử dụng thuốc mỡ nhiệt đới. Bên cạnh đó, để làm dịu làn da sau khi bị cháy nắng nhẹ, bạn có thể tắm nước lạnh hoặc thoa gel lô hội lên vùng da bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi bị ngộ độc mặt trời, các triệu chứng thường là mụn nước, sốt cao, đau dữ dội, nhức đầu, đỏ tấy, buồn nôn, mất nước và chóng mặt.
Các bệnh da nhạy cảm ánh sáng như bệnh Lupus ban đỏ, viêm bì cơ nặng lên vào mùa hè. Bệnh porphirin da và pellagra cũng tổn thương nặng hơn khi vào hè. Một số bệnh gây ra do phơi nhiễm nhiều với ánh sáng mặt trời như: Bệnh sẩn ngứa đa dạng do ánh sáng, viêm da ánh sáng, khô da sắc tố đều nặng hơn trong mùa hè và tổn thương da thường xuất hiện ở các vùng da hở… Tia tử ngoại từ ánh nắng gay gắt của mặt trời có thể làm hại những tế bào da, dẫn đến cháy da, thậm chí là ung thư da. BS Hoàng Văn Tâm, Khoa Điều trị bệnh da nam giới (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cảnh báo, nếu tiếp xúc với ánh sáng thường xuyên, liên tục, kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da, đặc biệt là ung thư tế bào đáy.
Theo PGS.TS Vũ Đức Định, nếu phải ra ngoài khi trời nắng nóng, chú ý mặc quần áo rộng, vải bông nhẹ dễ hấp thụ mồ hôi và cách nhiệt tốt. Màu sắc quần áo nên chọn màu trắng hoặc màu dịu, không nên mặc các màu hấp thụ nhiệt tốt như màu đen, màu sẫm, màu đỏ… Mang đủ mũ nón, kính râm, ô… khi đi ra ngoài nắng. Nếu phải làm việc hoặc đi lại nhiều ngoài trời nắng nóng, nên chủ động có những khoảng nghỉ giải lao từ 15 - 20 phút tại những nơi mát mẻ thoáng đãng, uống đủ nước cho cơ thể hồi phục.Tránh làm việc liên tục dễ bị kiệt sức, đột qụy do nắng nóng.
Vào những ngày nắng nóng, nên thay đổi thời gian làm việc cho những người phải làm việc ở ngoài trời. Làm việc sớm vào buổi sáng và muộn về buổi chiều. Không nên làm việc ngoài trời nắng nóng khi cơ thể mệt mỏi, đang bị các bệnh mạn tính, phụ nữ đang trong ngày “đèn đỏ” hoặc có thai. Người già và trẻ em là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng do nắng nóng nên càng phải được đặc biệt chú ý.
Triệu chứng nhận biết bị ngộ độc ánh mặt trời Ngứa, phồng rộp da: Da bạn sẽ trở nên ngứa ngáy hoặc xuất hiện các vết phồng rộp trên vùng bị ảnh hưởng, tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím. Đau và sưng: Vùng da bị ảnh hưởng có thể đau, xuất hiện các thương tổn, da cũng có thể đỏ hoặc bị sưng lên trên diện rộng. Da sẫm màu: Trong một số trường hợp, vùng da bị ảnh hưởng có thể trở nên tối màu hơn, đây được gọi là tăng sắc tố. Một nhóm các triệu chứng khác bao gồm: Sốt, buồn nôn, đau đầu, những triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với cúm hoặc các bệnh tương tự, nên hơi khó nhận biết. Khi ra ngoài trời nắng cần che chắn cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách đội nón, mặc áo chống nắng, đeo kính râm. Và đừng quên sử dụng kem chống nắng toàn thân. Không được ở ngoài trời nắng quá lâu trong khoảng thời gian 12-15h. Đây là thời điểm nắng nóng nhất. |
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Bệnh mùa hè có thể gia tăng trong cao điểm mùa nắng nóng
- Những sai lầm tai hại của cha mẹ khiến trẻ bị viêm đường hô hấp mùa nắng nóng
- Những ngày nắng nóng, trẻ cứ chảy mồ hôi là nên đi tắm?
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua