Dòng sự kiện:

Nguyên nhân khóc đêm ở trẻ

16:18 23/11/2015
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ hay khóc vào buổi tối nhưng chúng ta có thể chia làm hai loại chủ yếu đó là do sinh lý không tốt gây ra và do cơ thể sinh bệnh gây ra.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ hay khóc vào buổi tối nhưng chúng ta có thể chia làm hai loại chủ yếu đó là do sinh lý không tốt gây ra và do cơ thể sinh bệnh gây ra.
Nguyên nhân về sinh lý
Khóc dạ đề: có khoảng 20% trẻ sơ sinh có xu hướng bị “hội chứng quấy khóc” hay còn gọi làkhóc dạ đề. Hội chứng quấy khóc dùng để mô tả trạng thái khóc dai dẳng liên tục và không đi kèm một biểu hiện khác lạ nào khác. Hội chứng này không phải là bệnh, và không gây bất kỳ nguy hiểm nào cho bé. Tuy nhiên, vẫn chưa có “phương pháp đặc trị” cho hội chứng này, cách duy nhất là ba mẹ phải “chịu trận” mà thôi.
Trẻ mọc răng: Mọc răng gây đau nhức, sốt. Nếu quan sát thấy phần cằm, gò má, nướu bị sưng đỏ kèm theo sốt nhẹ thì chứng tỏ bé đang trong giai đoạn mọc răng. Gặp trường hợp này thì mẹ có thể ứng phó bằng cách chườm lạnh cho bé (nhiệt độ không quá thấp).


Tã bị ướt: Khi tã bị ướt sẽ làm cho bé khó chịu dẫn tới quấy khóc và thức giấc nửa đêm. Trước khi đi ngủ mẹ cần thay tã mới cho trẻ. Thông thường trong khoảng 30 phút đến 2 tiếng bé sẽ đi tiểu 3-4 lần. Nếu trẻ khóc đêm vì lý do này thì sau khi thay tã xong bé sẽ ngủ ngon lành.
Tác động ngoại cảnh (tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ): Không gian đang yên ắng bỗng dưng có tiếng ồn, phòng đang tối thì có ánh đèn lóe lên hay nhiệt độ phòng đột ngột thay đổi làm trẻ ngủ hay bị giật mình khóc thét lên. Điều này bố mẹ có thể điều chỉnh được.
Hoạt động nhiều: Do hệ thống thần kinh của bé phát triển chưa hoàn thiện, khả năng ức chế còn kém, do đó nếu ban ngày có những hoạt động quá sức có thể làm cho não bộ bé vẫn còn trong trạng thái hưng phấn làm cho trẻ đột nhiên la khóc khi đang ngủ. Vì thế, ban ngày không nên để trẻ hoạt động vui chơi quá mức làm não bộ đạt mức hưng phấn cực độ nhằm bảo đảm giấc ngủ trẻ được an lành.
Nguyên nhân bệnh lý
Bé bị cảm: Bé dễ thức đêm quấy khóc do hô hấp của bé gặp khó khăn, phải kịp thời rút ngắn thời gian của bệnh, giảm nhẹ triệu chứng bệnh… nên cho trẻ uống nhiều nước ấm, uống các loại nước ép trái cây, dùng các loại thuốc nhỏ mũi chống nghẹt mũi dưới sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, sốt cũng là triệu chứng thường đi kèm khi bé bị cảm, các bậc phụ huynh nên áp dụng các biện pháp hạ sốt an toàn, càng sớm càng tốt, tránh tình trạng để bé bị sốt quá cao gây giật rất nguy hiểm cho trẻ.
Bé bị nghẹt mũi: Trẻ nhỏ rất dễ bị nghẹt mũi, đặc biệt là khi trời lạnh. Khi không thở được bằng mũi trẻ sẽ thở bằng miệng. Lúc này, không khí bên ngoài vào làm khô rát họng khiến bé khó chịu và khóc. Mẹ cần làm vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý và điều chỉnh lại nhiệt độ phòng sao cho ấm áp.
Trẻ bị còi xương: Trẻ khóc nhiều về đêm có thể là dấu hiệu trẻ bị còi xương. Bệnh này thường làm cho trẻ mệt mỏi, khó chịu sinh ra quấy khóc trong thời gian dài. Nguyên nhân có thể là do chế độ dinh dưỡng của trẻ không đảm bảo hoặc trẻ được chăm sóc trong phòng kín, thiếu ánh sáng nên bị thiếu vitamin D.
Trẻ bị lồng ruột: Trẻ khóc dữ dội, có thể kèm theo triệu chứng như nôn, hay khóc thét lên, ưỡn người, bỏ bú và đi ngoài ra máu. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa bé đi cấp cứu ngay.
Các bậc cha mẹ cần phân biệt khóc do vấn đề sinh lý hay bệnh tật ở trẻ. Ngoài cơn khóc, trẻ vẫn khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường thì cha mẹ không cần phải quá hoảng hốt. Tuy nhiên nếu thấy trẻ có kèm theo các dấu hiệu biếng ăn, vă mồ hôi, đặc biệt là mồ hôi trộm … cha mẹ nên đưa con đi khám để phát hiện bệnh.

HỒNG HẠNH (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Clip hot

[mecloud]kuv6gKURLg[/mecloud]

 


TAG