Dòng sự kiện:

Nhà có em bé, con so sánh thái độ của mọi người với mình

16:02 18/01/2016
Đang là mối quan tâm của cả gia đình, khi có thêm em bé, nhiều trẻ sẽ trở nên lầm lì, tủi thân vì có cảm giác như bị... cho ra rìa.

[mecloud]oMRM7a9mCj[/mecloud]

Nhiều cha mẹ khi sinh thêm con phải đau đầu với tình trạng anh chị ghen tị, so bì với em nhỏ. Ghen tị và so sánh thái độ của mọi người với mình và em bé là một trạng thái hết sức tự nhiên và bình thường ở trẻ nhỏ, khi trong nhà có thêm em bé. Bởi chúng thường có suy nghĩ rằng mình mới là trung tâm của gia đình và cha mẹ là của riêng mình và không muốn chia sẻ sự quan tâm cũng như tình yêu của cha mẹ, ông bà... với người khác.

Chị Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) có hai đứa con là Sóc (5 tuổi) và Tôm (mới 7 tháng tuổi). Mỗi ngày trôi qua là một ngày chị Lan phải gồng mình lên để giải quyết sự ghen tị giữa cô chị với cậu em.

Trước khi chị Lan sinh con thứ hai, Sóc là trung tâm của cả gia đình nội ngoại, được ông bà chiều chuộng nên Sóc đòi gì là được đáp ứng ngay tức khắc. Có lẽ vì thế mà Sóc sinh hư, khó tính và hay dỗi. Có điều gì không vừa ý là lăn ra khóc ăn vạ để thu hút sự chú ý của cả nhà.

Từ khi sinh bé thứ hai, chị Lan dành phần lớn thời gian chăm sóc em bé nên không quan tâm được nhiều tới Sóc. Cộng thêm mọi mối quan tâm về vật chất và tình cảm của mọi người tập trung cho Tôm khiến chị Sóc tủi thân vì có cảm giác như bị... cho ra rìa. Tuy nhiên, đáng mừng là vì yêu em, Sóc tỏ ra "người lớn" hơn, biết nhường nhịn và dỗ dành em giúp bố mẹ.

Dù vậy, theo chia sẻ của chị Lan, mỗi khi có người đến thăm bé Sóc, cho bé nhiều quà và những lời khen, cô chị Sóc lại lặng lẽ đứng bên cạnh như thể muốn so sánh thái độ của mọi người với mình và em bé.

Nhà có em bé, con so sánh thái độ của mọi người với mình. Ảnh: Mai Nguyên

Gia đình chị Minh (TP.HCM) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi sinh cậu ấm thứ 2. Khi chị Minh mang bầu, cô con gái Su Su (4 tuổi) của chị tỏ ra rất thích có em bé bởi trước khi có kế hoạch sinh con, vợ chồng chị Minh đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng có thêm thành viên mới trong gia đình cho con. Tuy nhiên, khi em bé chào đời và trở thành "trung tâm vũ trụ" của cả gia đình, thì thái độ của bé Su Su ngay lập tức thay đổi.

Mỗi khi mẹ bế và vỗ về em bé, chị gái Su Su lại tỏ ra khó chịu và đẩy em ra để "giành" mẹ về mình. Thậm chí, khi thấy mẹ cho em bé ti sữa, Su Su lại giám sát bên cạnh chờ cho em ti xong để được mẹ âu yếm mình.

Mỗi khi có ai đến thăm em, bé Su Su lại tỏ ra rất lo lắng khi không được nhiều người quan tâm, hỏi han và khen ngợi như trước kia nữa. Những lúc như thế, chị Minh lại rất thương con khi nhìn thấy khuôn mặt của cô bé ỉu xìu và và lặng lẽ của Su Su.

Tình trạng trẻ ghen tị, so sánh mình với em nhỏ lỗi thường không xuất phát từ trẻ mà phần lớn do cách ứng xử chưa khéo léo của cha mẹ và người lớn xung quanh. 

Chưa kể đến việc khi thấy nhà có thêm em bé, nhiều người vô tình trêu đùa rằng “bây giờ mẹ chỉ thương em thôi” càng khiến trẻ hoang mang, hờn tủi. Những cảm giác này cứ nhiều lên từng ngày, nếu bố mẹ không chú ý có thể dẫn đến những thay đổi nghiêm trọng tâm lý cũng như tính cách của trẻ.

Nhiều trẻ khi nhận thấy mình bị cho "ra rìa" thì đâm ra ghen ghét em bé, thậm chí còn nhằm lúc không ai để ý mà cấu véo, hoặc làm tổn thương em là điều không tránh khỏi.

Vì vậy,  để tránh tạo ra những thay đổi không đáng có ở trẻ, người lớn nên giúp trẻ chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón em bé chào đời. Hãy tìm cách lôi kéo trẻ vào việc cùng chăm sóc em để trẻ thấy có trách nhiệm với em và không cảm thấy bị “bỏ rơi”. 

Mai Nguyên

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> MỜI ĐỘC GIẢ XEM VIDEO ĐANG HOT: 

[mecloud]bO1vkEK0ha[/mecloud]