Nhận trông trẻ, người phụ nữ bất đắc dĩ phải trông liền... 15 năm
Căn nhà trọ của bà Đặng Thị Bình, 63 tuổi nằm cạnh nhà văn hóa thôn Ngọc Loan, xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên. Thời gian này là lúc bà Bình rảnh rỗi nhất trong năm vì vừa kết thúc đợt trông trẻ trên Long Biên (Hà Nội), để về quê nhận trông một bé gần nhà trọ.
Gắn bó với nghề trông trẻ 16 năm, tài sản lớn nhất bà Bình tích luỹ được là một ... đứa trẻ - đứa con bị chủ cũ bỏ rơi. Cô bé Hoàng Huyền Thương được bà nuôi nấng 15 năm, giờ là người thân và cả niềm tự hào của bà.
Bà Bình chỉ mong Thương học hành đầy đủ và sớm ổn định gia đình, để bà yên tâm tuổi già. Ảnh: Vũ Vân.
Chồng mất sớm, bà Bình bươn chải nhiều nghề để nuôi con. Năm 2002, bà cùng hai con gái lên Hà Nội thuê trọ tại khu vực Long Biên. Hàng ngày, các con đi làm, còn bà nhận trông trẻ thuê cho những gia đình xung quanh.
Đầu năm 2004, mẹ của bé Hoàng Huyền Thương đưa con đến gửi bà trông, lúc đó em mới 5 tháng tuổi. "Bữa đầu bố mẹ Thương đưa cháu đến bằng xe ôtô loại sang và gửi tôi trông với số tiền một triệu đồng/tháng. Cô ấy nói đang phải chữa bệnh nên gửi con cả ngày lẫn đêm. Thời gian đầu cứ khoảng 3 ngày về thăm em một lần", người phụ nữ dáng vẻ hoạt bát kể.
Nhưng đến ngày 22/2 (âm lịch) năm đó thì người mẹ không quay lại nữa. Ban đầu bà còn lo cô bị bệnh tật hoặc đi làm ăn xa, nên vẫn tiếp tục nuôi hy vọng sẽ trở về. Đến lúc quá sốt ruột, bà dò hỏi thông tin tìm ra được nhà trọ của người mẹ ấy thì biết cô đã gói ghém đồ đạc đi từ lâu.
Nhiều lần khác nghe ai mách ở đâu có người giống mẹ bé là bà đạp xe đến tìm, nhưng đều không phải. Đến năm Thương 8 tuổi thì bà thôi hẳn ý định tìm. "Các con tôi sau vài năm làm trên này cũng về quê lấy chồng, còn tôi vẫn ở lại và không dám chuyển nhà trọ vì sợ cô ấy trở về không tìm được hai bà cháu", bà nói.
Thời điểm Thương bị bỏ lại là khi chưa đầy một tuổi. Gia cảnh vốn khó khăn, nay chăm thêm một bé càng chật vật hơn nữa. Bà Bình nhận trông thêm trẻ, lúc tranh thủ được thì đi thu gom phế liệu, khi lại đi giúp việc theo giờ. Nhiều người khuyên bà đưa bé Thương vào trại mồ côi hoặc gửi lên chùa nhưng bà Bình không chịu.
"Cháu bện hơi tôi, ngày nhỏ đưa đi trẻ rời tôi đã không chịu. Nhiều đêm hai bà cháu ôm nhau, nghĩ giận người mẹ ấy bao nhiêu, lại thương cháu bấy nhiêu. May trời Phật thương, cháu không mấy khi bị ốm vặt", bà kể.
15 năm nuôi Thương với bao khó khăn, bà Bình nhớ nhất là những ngày chuẩn bị cho em vào lớp một. Khi đó, bạn bè cùng trang lứa ai nấy đều nhộn nhịp chuẩn bị sách vở, quần áo mới đi học. Duy chỉ có hai bà cháu tất bật với việc xin giấy khai sinh. "Khi tôi lên chính quyền xin giấy, người ta bảo tôi phải đăng thông tin lên các báo đài, nếu sau một tháng không ai nhận bé, mới làm được giấy khai sinh. Nhưng để đăng thông tin mất mấy triệu đồng mà tôi lấy đâu ra tiền", bà nhớ lại.
Thời điểm đó không ngày nào bà không khóc. Bà khóc ở trường, khóc ở phường, ở quận để trình bày hoàn cảnh của em Thương. Có những đêm bà nằm ôm cháu khóc ướt đẫm cả gối, sáng mai tỉnh giấc lại tức tốc lên quận xin giấy tờ. May mắn vào đầu năm học mới bà cũng kịp làm thủ tục cho Thương nhập học. Tờ giấy khai sinh - bỏ trống tên cha, mẹ, chỉ có tên người đỡ đầu - vô cùng quý giá với hai bà cháu.
Tờ giấy khai sinh bà Bình rất khó khăn mới xin được cho Thương kịp đi học lớp một. Ảnh: Vũ Vân.
Năm Huyền Thương học lớp 3, lần đầu tiên câu chuyện của hai bà cháu được đăng tải trên báo. Lớp trưởng đọc bài báo to trước cả lớp như một tấm gương sáng cho các bạn noi theo. Đấy cũng là lúc Thương biết được sự thật. Tối hôm đó về nhà, em bỏ ăn, nằm quay mặt vào tường khóc. Những ngày sau đến lớp em không nói chuyện. Phải mất cả tuần, bà Bình, cô giáo và bạn bè động viên, Thương mới hòa nhập lại như cũ.
"Con bé từ đó hiểu chuyện sớm. Cũng năm ấy cháu thấy xưởng gạch thuê người bốc xếp nên trốn nhà ra làm. Lúc về tay sưng rộp, rớm máu, tôi giận lắm nhưng không đánh, chỉ trách. Cháu khóc, tôi cũng khóc", mắt đỏ hoe, bà kể.
Cả đời lam lũ, bà Bình có một niềm tự hào riêng, đó là Huyền Thương chăm ngoan, học giỏi. Hiện giờ cô bé đã học lớp 10. Cô Phan Thị Lương (giáo viên trường THCS Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Thương học rất đều các môn, trong đó nổi bật là Toán, Văn, Anh. Năm lớp 9 em đạt danh hiệu học sinh giỏi".
Năm tháng cứ thế trôi qua, mái tóc bà Bình đã có thêm nhiều sợi bạc. Sức khỏe cũng yếu dần với căn bệnh thoái hóa cột sống. Thời gian lấy đi của bà thanh xuân, sức khỏe nhưng bù lại cho Thương sự trưởng thành, chín chắn. Cô bé ngày nào đã trở thành một thiếu nữ tóc dài, đôi mắt mang đậm tâm tư.
Lớn lên trong vòng tay bà, Thương hiểu được những vất vả mà bà phải chịu đựng. Hiện em cũng về quê ở cùng bà và mỗi ngày phải đi xe bus quãng đường gần 20 km từ Văn Lâm (Hưng Yên) lên Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) đi học. Em chỉ muốn lớn thật nhanh, để có thể đi làm kiếm tiền phụng dưỡng bà. "Em không mong có ngày mẹ về với em, vì như thế em không phải suy nghĩ nên đi, hay ở. Bây giờ em chỉ cần có một mình bà thôi...", Huyền Thương nói.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Góc hoài niệm: Trung thu của tuổi thơ 8x, 9x mộc mạc nhưng thật đẹp và trong trẻo
- Lý do cửa nhà vệ sinh trống trên, thoáng dưới
- Nữ nghệ sĩ Trung Quốc 19 tuổi gặp tai nạn nghiêm trọng trên sân khấu
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua