Dòng sự kiện:

"Nhịn" về quê ngoại đón Tết vì sợ... lì xì

15:27 21/01/2017
Ai cũng nghĩ có tiền mua đất, dựng nhà ở thành phố là giàu lắm nên, đâu biết người thành phố cũng phải “giật gấu vá vai”.

Với những người con gái lấy chồng xa, sự “khổ sôi máu”, “bực sôi máu”, “cáu sôi máu”… không xuất phát từ việc bù đầu chăm chồng lớn, con bé… mà là ngày Tết “nhớ cha mẹ đến sôi máu” vẫn chẳng thể về ngoại ăn bát cơm sum vầy.

Trong số hàng ngàn lý do không thể về ngoại đón Tết, chị Hoàng Ly (28 tuổi) luôn thấy lý do của mình quá nhỏ nhặt và đáng xấu hổ.

Không phải chị bị nhà chồng cấm đoán chuyện về quê, cũng chẳng phải do vướng bận con nhỏ hay ốm yếu mà đơn giản bởi chị sợ khoản tiền quà cáp, lì xì.

Chị Ly là gái xứ Nghệ, lấy chồng Vũng Tàu nhưng lại lập nghiệp ở Sài Gòn. Cả hai vợ chồng đều làm trong ngành báo chí nên thu nhập cũng không đến nỗi. Chỉ có điều phải tự lo liệu chuyện mua đất, dựng nhà, lại thêm hai đứa con đang tuổi ăn học nên vợ chồng chị vẫn phải tiết kiệm, “giật gấu vá vai”.

Thế nhưng, thói đời vẫn thế, cứ ai đi làm ăn xa, áo lượt quần là là người ở quê lại mặc định họ giàu có, rộng rãi. Chồng chị cũng muốn giữ lại chút thể diện này nên bảo vợ gắng lo chu toàn hai bên nội ngoại, không để người khác nói ra, nói vào.

Anh chị thống nhất với nhau mừng ông bà nội 20 triệu đồng, ông bà ngoại 10 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn sắm quà Tết cho anh chị chồng và bỏ vào mỗi bao lì xì 200.000 nghìn đồng mừng tuổi cho bầy cháu đông đúc.

Định bụng như thế là ổn, nào ngờ mấy câu hỏi xã giao của anh chị, cô/dì vào sáng mùng một như: “Vợ chồng cậu N. năm nay chắc cho ông bà ăn Tết to lắm đây”, “Lần này con cháu tha hồ mà nhận tiền lì xì của cô chú” khiến chị phải thay đổi kế hoạch.

Chị lẳng lặng vào nhà trong, bỏ thêm vào mỗi bao lì xì 200.000 đồng cho các cháu ruột, còn giữ nguyên 200.000 đồng cho các họ. Tính sơ qua cũng mất gần 4 triệu tiền lì xì, chưa kể các khoản mừng thọ ông này bà nọ.

Thấy mấy đứa trẻ bóc lì xì trước mắt mọi người, nàng dâu trẻ khấp khởi mừng thầm vì đã kịp thay lõi. Nào ngờ, lúc xuống bếp sắp cơm vẫn nghe thấy hai chị dâu kháo nhau:

Đi cả năm mới về mà mừng tuổi cho mỗi cháu được nhiêu đó. Vậy mà sắp xây biệt thự trong nam cơ đấy”. Bấy giờ chị mới hiểu, nhà chồng là cái động không đáy.

Dù đón Tết bên ngoại, chi phí giảm đi ít nhiều cũng những ngốn của vợ chồng chị tiền triệu. Bởi thế mà mỗi khi nghĩ đến Tết chị lại lo ngay ngáy khoản mấy khoản này.

Năm nay, nỗi lo ấy còn lớn gấp bội vì bao nhiêu tiền tích cóp vợ chồng chị đã đổ cả vào cất đất làm nhà. Cho đến giờ, ngoài tiền thưởng Tết, vợ chồng chị không còn khoản dự trù nào khác. Nhẩm tính, số tiền ấy chẳng đủ để lo Tết cho nhà mới và Tết hai bên nội ngoại.

Tính tới, tính lui, cuối cùng chị quyết định “nhịn” về quê ngoại với lý do “nhà nội không đừng được thì đành để nhà ngoại thiệt thòi một lần. Bớt đồng nào hay đồng đó”.

Vé máy bay khứ hồi từ TP.HCM vào Nghệ An cũng tầm 6 – 7 triệu/người, mà nhà tôi có tới 4 người lận. Chưa kể còn đồng quà, tấm bánh cho cháu chắt hai bên… Thôi thì đành gửi chút tiền về biếu ông bà ngoại ăn Tết, hẹn năm sau đỡ túng bấn hơn lại về”, chị ngậm ngùi.

Không thể về sum vầy cũng bố mẹ đẻ, cô gái nào cũng phiền lòng nhưng với chị còn có cả chút dằn vặt, tự trách móc bản thân. Đến bây giờ chị mới hiểu thế nào là “nước mắt chảy xuôi”, bố mẹ sẵn sàng làm tất cả vì con cái nhưng con cái lại có quá nhiều vướng bận để không thể lo lắng chu toàn cho cha mẹ.

Tôi vẫn nghĩ mình còn may mắn chán vì trong ba năm lấy chồng đã được về quê ngoại đón Tết hai lần. Không biết những người phụ nữ lấy chồng xa hàng nghìn cây số mà kinh tế lại khó khăn nữa bao giờ mới được ăn miếng bánh chưng quê mẹ?”, chị than thở.

Dân Việt

Nguồn: Gia đình Việt Nam