“Nhớ và quên” - Đêm nhạc của người nhạc sĩ có nhiều sáng tác cho thiếu nhi
“Ước mong của tôi là một đất nước Việt Nam thanh bình, giàu có. Ước mong đó không có gì xa lạ cả, đó là ước vọng của tất cả mọi người Việt Nam. Trong những biến chuyển của lịch sử và thế giới, nhiều khi diễn ra rất phức tạp mà chúng ta phải vượt qua. Vấn đề là chúng ta giữ lại cho mình được tấm lòng trọn vẹn với đất nước, với quê hương. Đấy là vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài và là động lực để giúp cho tôi sống đến ngày hôm nay”.
Đó là những lời chia sẻ rất chân tình của nhạc sĩ Phạm Tuyên với nhà báo Lại Văn Sâm trong chương trình Cafe sáng với VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam, đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016. Trải qua bao thăng trầm cuộc sống với những định kiến một thời không dễ gì xóa bỏ, người nhạc sĩ ấy vẫn luôn như vậy, đặt tình yêu và trách nhiệm với đất nước trên tất cả.
Ngày 14/1/2017, mừng sinh nhật lần thứ 88 của ông, đêm nhạc “Phạm Tuyên - Nhớ và quên” sẽ được diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. 88 năm lặng thầm làm “người chép sử bằng âm nhạc”, đêm hôm đó, những trang sử từ chính cuộc đời nghệ thuật của nhạc sĩ Phạm Tuyên sẽ được mở ra bằng âm nhạc và những câu chuyện kể.
Có thể có những điều nhạc sĩ đã quên, nhưng có một người luôn luôn nhớ và đã miệt mài ghi từng chi tiết trong cuốn hồi ký “Chúng tôi đã sống như thế”. Đó chính là người vợ vô cùng yêu dấu của nhạc sĩ Phạm Tuyên – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết. Là nhà giáo, nhà nghiên cứu tâm lý học trẻ em, ít ai biết rằng chính bà là người đã thổi hồn vào trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhạc sĩ. Từ bà, ông đã hiểu thêm về thế giới tưởng như trắng trong mà muôn vàn màu sắc, tưởng như giản đơn mà vô cùng phong phú của con trẻ. Gia tài đồ sộ hơn 200 tác phẩm dành cho thiếu nhi với những bài hát sống mãi với bao nhiêu thế hệ đã bắt đầu bằng sự thấu hiểu con trẻ và thấu hiểu người bạn đời của nhà giáo Nguyễn Ánh Tuyết. Câu chuyện tình yêu của ông bà cũng trải qua biết bao định kiến và thăng trầm của cuộc sống, lần đầu tiên sẽ được hé lộ trên sân khấu âm nhạc qua chính ca khúc chủ đề “Nhớ và quên”.
Người yêu âm nhạc Phạm Tuyên có thể ghi nhận rằng những bài hát của ông rất đại chúng, từ trẻ con đến người lớn, ai cũng có thể hát và hát hay. Gặp lại trên sân khấu “Nhớ và quên” sẽ là những giọng ca vang bóng một thời, nhiều gắn bó với những sáng tác của ông: NSDN Trung Kiên, NSND Trần Hiếu và NSND Thanh Hoa. Không thể thiếu những giọng ca thính phòng nổi bật hiện nay trong mảng các ca khúc “Những nốt nhạc theo dòng lịch sử” như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Lan Anh. Mảng ca khúc “Những nốt nhạc từ trái tim” sẽ hé lộ những sáng tác viết về tình yêu – bí mật sâu kín trong con người nghệ sĩ của ông mà phần đông chúng ta chưa được biết. Đồng hành với đề tài tình yêu của nhạc sĩ Phạm Tuyên sẽ là những giọng ca hứa hẹn yếu tố bất ngờ: NSƯT Thanh Lam, Tùng Dương, Thắng Lợi. Không thể thiếu những ca khúc thiếu nhi đã đi vào lòng biết bao thế hệ người yêu nhạc, qua những dàn hợp xướng thiếu nhi lên tới hàng trăm em, và đại diện là hai giọng ca Việt Nam và New Zealand: Nhật Minh (Quán quân The voice kid 2016) và Jayden Trịnh (Top 4 Vietnam Idol Kid 2016).
Đến với âm nhạc Phạm Tuyên là đi lại cuộc đời một con người, từ những hồn nhiên thơ trẻ đến những lý tưởng đẹp đẽ. Những bài hát thiếu nhi, những ca khúc cách mạng, những bản tình ca sẽ được lồng ghép uyển chuyển, xâu chuỗi cảm xúc của khán giả. Phần âm nhạc với tính chất Semi Classic được thể hiện bởi dàn nhạc lớn, kết hợp giữa dàn nhạc thính phòng và nhạc cụ điện tử. Sân khấu của đêm nhạc tuy tối giản nhưng có sự biến ảo về không gian và thời gian, ẩn chứa những yếu tố bất ngờ.
Với mục đích tôn vinh sự nghiệp âm nhạc đồ sộ trên 700 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, với sự tham gia của êkip đạo diễn Phạm Hoàng Nam và nhạc sĩ Lưu Hà An, đêm nhạc chắc chắn sẽ đem đến ấn tượng khó quên cho các khán giả và khắc họa được rõ nét nhất tính chất âm nhạc cũng như con người của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Các giải thưởng tiêu biểu của nhạc sỹ Phạm Tuyên: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 Cho cụm 5 tác phẩm: Đảng đã cho ta một mùa xuân, Bám biển quê hương, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày đại thắng. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012 Ghi nhận cống hiến của nhạc sỹ Phạm Tuyên qua cụm tác phẩm: Những ngôi sao ca đêm, Từ Làng Sen, Đêm trên Cha Lo, Tiến lên Đoàn viên, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng. Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011 Kỷ lục “Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao, năm 2013 Huân chương Lao động hạng Ba cho ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”, năm 1985 Đây là bài hát duy nhất được nhận Huân chương Lao động cao quý cho tới thời điểm này. |
P.V
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Hai vợ chồng cùng thấp, Hòa Minzy sốt sắng hỏi cách phát triển chiều cao cho con để cao vượt bố mẹ
- Ở tuổi 24, Quang Hải giàu cỡ nào?
- Mẹ đảm Sài Gòn chia sẻ công thức làm hũ dinh dưỡng thay thế bất kỳ bữa ăn nào trong ngày cho con, ngon - bổ - rẻ mà lại siêu tiện lợi
- Đầu năm trò chuyện với Lương Thế Thành: Ông bố dạy khéo và chiều con nhất nhì showbiz Việt, hé lộ kế hoạch đón thêm thành viên mới
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua