Dòng sự kiện:

Nhóm Xẩm Hà thành ra mắt bài xẩm về văn hóa ẩm thực Hà Nội

Nguyên Vũ
09:51 29/03/2017
Hôm nay (29/3), nhóm Xẩm Hà Thành chính thức giới thiệu, phát hành MV Xẩm “Tứ vị Hà Thành” về 4 món ngon Hà Nội. MV được ra mắt nhân dịp giỗ tổ xẩm, là sản phẩm dâng lên tổ nghề và tri ân Hà Nội của nhóm.

Với mong muốn góp phần tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của Hà Nội, mảnh đất hấp thụ những tinh hoa của dân tộc, nhóm Xẩm Hà Thành thường sáng tác những bài xẩm mới ca ngợi nét đặc trưng của Hà Nội. Ẩm thực là đề tài được nhóm ấp ủ từ nhiều năm qua và được nhạc sĩ Nguyễn Quang Long sáng tác vào những tháng cuối năm 2016.

Toàn bộ phần thu âm được nhóm thực hiện từ trước Tết Nguyên đán vừa qua, ngay sau Tết thực hiện phần quay hình và dành hơn một tháng cho hậu kỳ để có được MV ưng ý nhất ra mắt khán giả. 

MV Xẩm “Tứ vị Hà Thành” của nhóm Xẩm Hà Thành

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ: “Nhóm Xẩm Hà Thành với những thành viên đều đã được học tập và trưởng thành tại mảnh đất ngàn năm văn hiến luôn ấp ủ dự định sẽ làm một điều gì đó để tri ân với Hà Nội. Với suy nghĩ đó Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cùng nhà báo Lương Ái Vân đã nghĩ ra 2 đề tài thú vị đó là hoa và ẩm thực Hà Nội sau đó Quang Long chắp bút và đưa cho tôi cùng Phạm Đình Dũng lồng điệu.

Năm ngoái chúng tôi đã có MV "Bốn mùa hoa Hà Nội" và năm nay hi vọng bài Xẩm nói về ẩm thực "Tứ vị Hà Thành" sẽ mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Khi sáng tạo mỗi bài Xẩm, chúng tôi luôn cố gắng tìm những yếu tố mới và cách thể hiện mới thế nên với "Tứ vị Hà Thành" cũng vậy, khán giả sẽ khá bất ngờ với những câu ngâm tưởng chừng rất nên thơ, lãng mạn tả phong cảnh hữu tình xong lại giật mình thú vị vì đó hóa ra lại là một ăn quen thuộc của người Hà Nội. Cái thú vị ở đây nó nằm cả trong ý thơ và trong cách lồng điệu Xẩm”.

Ẩm thực Hà Nội rất phong phú, trong một tác phẩm âm nhạc, không thể giới thiệu được đầy đủ, nhóm Xẩm Hà Thành chọn những món đặc trưng nhất đã có từ trong quá khứ, ngày nay vẫn còn tồn tại và được phổ biến trong các tầng lớp, từ sang trọng cho đến bình dân. Và 4 món trong bài xẩm Tứ vị Hà Thành là: Phở (gà - bò), Bún chả, Bún đậu, Bánh tôm.

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng: Với người Hà Nội, món ăn không đơn thuần chỉ là món ăn, mà phần nào đó còn mang ý nghĩa triết lý, các món ăn được sáng tạo ra phù hợp với khẩu vị cũng như nếp sống, cách nghĩ của người Hà Nội nói riêng, người dân Việt nói chung. Vì thế, món phở của Xẩm Hà Thành là “Mặn ngọt lẫn với chua cay/ Đủ cung cảm xúc dễ say lòng người”. Nó vừa là vị giác của món ăn, đồng thời cũng là lẽ sống, trong cuộc đời mỗi chúng ta đều phải trải qua đủ các cung bậc ấy. Cách ăn phở của người Hà Nội cũng có nét riêng, chẳng hạn, vị chua của chanh sẽ cho bát phở gà thêm phần hấp dẫn, trong khi ở phở bò thì vị chua của dấm ngâm tỏi ớt.

Lần lượt bốn món ăn Hà Nội hiện lên vừa hư vừa thực, thanh cao lại dân dã, gần gũi. Nếu như phở được ví như một triết lý về ẩm thực thì bún chả gần gũi, cũng không kém phần hấp dẫn: “Thịt nướng với chút mắm pha/ Thêm tỏi thêm ớt thế là thơm ngon/ Bún rối kèm đĩa rau thơm/ Than hoa hương khói khách thơ hít hà”. Món bánh tôm hiện lên đầy thi vị khi được hình tượng hóa: “Bồng bềnh như mặt trăng tròn/ Giữa thì vàng xộm lưng cong gợi hình” thì bún đậu thật dân dã: “Bún đậu phải có mắm tôm/ Phải thêm húng láng, tía tô kinh giới vào” để rồi như hối thúc: “Mỹ nhân đến các anh hào/ Mau mau ra phố bước vào quán đông”

Bài xẩm phong phú màu sắc âm nhạc, thể hiện trên điệu xẩm chính là Phồn huê, kết hợp với Tàu điện và Xẩm chợ. Dù với những lời ca lúc trữ tình, lúc dân dã nhưng Tứ vị Hà Thành không quên sự dí dỏm vốn có trong xẩm khi thi thoảng đưa vào những điểm nhấn làm tăng thêm sức hấp dẫn như: “Khi ăn chớ có nghẹn ngào/ Ăn rồi hãy nhớ hôm nào lại qua” (phở) hay “Biết rồi liệu có quên không/ Món gây thương nhớ sâu nông vơi đầy” (Bún đậu), “Ghé môi cắn miếng rùng mình/ Giòn thơm bùi ngọt tính tình đôi ta” (bánh tôm).

Thú vị là, hình ảnh thân thiện, gần gũi khi Tổng thống Obama ăn món bún chả tại phố cổ Hà Nội như bao người dân thường qua góc nhìn của xẩm cũng rất sinh động và bình dân: “Đến tận cái anh O-ba-ma/ Cứ là mê tít, món bún chả Hà Thành thôi”. Không phải ngẫu nhiên nhóm Xẩm Hà Thành lại khai thác yếu tố này, “Đây là sự kế thừa, trước kia các nghệ nhân đã khai thác tiếng, tên và ngành nghề bằng tiếng tây vào bài xẩm, như trong xẩm Vui nhất có chợ Đồng Xuân có câu Pu-lít có đến cũng thôi đi đời. Pu-lít là cảnh sát”.

MV được xây dựng dựa trên phần lời với 4 món đặc trưng, chính điều này là một khó khăn đối với phần hình ảnh khi vừa phải toát lên được nét đẹp ẩm thực, lại vẫn là một sản phẩm âm nhạc chứ không phải một phóng sự về ẩm thực. “Vì thế, ở video này tôi khá căng thẳng” - đạo diễn Vũ Lâm bày tỏ.

Đạo diễn Vũ Lâm chia sẻ: “Ẩm thực HN rất khó để làm video music, hơn nữa lại kết hợp với xẩm và dùng lời hát mới. Ở video này có 3 sự kết hợp khó: ẩm thực, nhạc xẩm, và lời hát. Nếu hình ảnh chỉ bám sát lời hát thì video trở thành hình ảnh minh hoạ, và nếu hình ảnh quá xa rời lời hát thì sự kết nối biến mất, tác phẩm biến thành một món ăn gì đó khác xa so với thông điệp của bài hát.

Vấn đề ở sản phẩm này mà tôi phải lựa chọn là: dùng chất liệu gì để kể chuyện và kể nó như thế nào. Và tôi tập trung vào việc lựa chọn chất liệu đầu tiên. Tôi đã nghĩ về nó mọi lúc mọi nơi. Và hình ảnh bức tranh thư pháp với các điểm nhấn HN có được trong một lần tôi nghĩ đến bài xẩm trong lúc đang tắm. Đầu tiên, tôi muốn 4 món ăn gắn liền với hình ảnh đặc trưng của HN. Ngay lập tức sau đó tôi nghĩ đến việc vẽ lại nó, rồi đặt món ăn vào bức tranh, biến nó thành bức tranh mới. Tôi chạy ù ra khỏi nhà tắm gọi anh Quang Long hỏi về việc này. Anh đã giúp tôi tìm được hoạ sĩ trẻ Tăng Quyền có khả năng viết thư pháp. Thế là thêm một chất liệu nữa xuất hiện: thư pháp. Cuối cùng, video được thực hiện rất nhanh và gọn gàng”.

Vì ẩm thực là sự kết hợp hài hòa giữa các vị mặn ngọt chua cay, giữa nóng và lạnh, giữa âm và dương nên đạo diễn Vũ Lâm cũng muốn phần diễn viên minh họa bên cạnh ông đồ là hình ảnh một người con gái HN. Việc chọn diễn viên nam không quá khó khăn bởi từ lâu Nguyễn Quang Long đã biết và nhắm chọn họa sĩ trẻ Tăng Quyền cho một dự án phù hợp. Tăng Quyền vừa có nét sáng của gương mặt, vừa là một ông đồ thực sự. Hàng năm trong suốt dịp Tết Nguyên Đán anh vẫn có một gian hàng cho chữ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khi vừa ngỏ ý mời tham gia dự án, Tăng Quyền cũng rất vui và gần như ngay lập tức nhận lời.

Với diễn viên nữ, lựa chọn hàng đầu của nhóm vẫn luôn là Sonya Sương Đặng, vì chị đã quá quen thuộc và được coi là một trong những thành viên của nhóm. Chị đã từng tham gia diễn xuất trong các MV quan trọng của nhóm như “Xẩm Trà đá”, “Bốn mùa hoa Hà Nội” và nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng. Nhóm xẩm thích hình ảnh của chị đồng hành cùng mình, bởi vẻ đẹp nền nã, nhẹ nhàng, mang phong thái dịu dàng của ngừoi con gái đất Bắc, dù chị sinh trưởng tại miền Nam và đã định cư ở nước ngoài từ khi còn rất trẻ.

Hoa hậu cũng cho biết, chị yêu vẻ đẹp của người con gái Hà Nội, từ tốn, mang đậm phong thái của vẻ đẹp truyền thống, nên thứ làm chị háo hức nhất chính là được hoá thân thành những người phụ nữ Hà Thành xưa, được đắm mình trong những không gian cổ kính của Hà Nội.

Nhóm xẩm Hà Thành mong muốn sự góp mặt Sương Đặng cũng là mong muốn của nhóm đưa xẩm và văn hóa Hà Nội tới gần hơn với đông đảo bà con Việt kiều đang sinh sống tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Chỉ có trở ngại duy nhất là Sương Đặng ở cách xa nửa vòng trái đất, tuy nhiên, nhóm đã chờ đợi chị sắp xếp công việc một thời gian để có thể về Hà Nội cùng tham gia dự án.

“Khi nghe nhóm xẩm Hà Thành nói muốn tôi về cùng tham gia MV với nhóm để quảng bá món ăn, vẻ đẹp Hà Nội, tôi đã lập tức sắp xếp thời gian về ngay. Bởi lẽ, tôi rất yêu Hà Nội, yêu vẻ trầm lắng, yêu nét văn hoá, yêu xẩm, đặc biệt nghiện bún đậu Hà Nội”, hoa hậu chia sẻ.

Từng tham gia vai diễn cô gái bán trà đá trong MV “Xẩm trà đá”, rồi cô gái Hà Nội mềm mại, dịu dàng trong trang phục áo dài xưa cầm trên tay cành đào cùng dạo bước với Mai Tuyết Hoa trong khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám cổ kính trong MV “Bốn mùa hoa Hà Nội”, lần này Hoa hậu quý bà châu Á tại Mỹ, Sonya Sương Đặng tiếp tục hoá thân vào cô gái Hà Nội dịu dàng, đảm đang bên cạnh ông đồ trẻ trong MV. Hoa hậu Sương Đặng được khen ngợi là mang một dáng vẻ thanh tao, quý phái rất giống những người phụ nữ Hà Nội xưa. Sau khi tham gia MV xẩm, Hoa hậu bay trở lại Mỹ ngay bởi lịch công việc tại Mỹ của chị dày đặc, chị cũng vô cùng bận rộn với mái ấm của mình, chăm lo cho người con trai.

Nhạc sĩ Giáng Son lần đầu chính thức hát xẩm, chị chia sẻ: “Tôi là bạn thân thiết với nhạc sĩ Nguyễn Quang Long và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã rất lâu rồi. Tuy hoạt động ở hai dòng âm nhạc khác nhau nhưng chúng tôi luôn sát cánh bên nhau trong các dự án riêng. Lần này hai bạn nảy ra ý rủ tôi tham gia với vai trò nghệ sĩ hát xẩm. Tôi rất vui và nhận lời ngay lập tức!

Tuy chỉ hát vài câu hát ngắn thôi nhưng tôi cũng phải nghiền ngẫm và tập dượt rất nhiều. Khi vào phòng thu các bạn tiếp tục nghe và chỉnh sửa cho tôi. Đương nhiên hát xẩm rất khác với hát nhạc nhẹ. Nhạc nhẹ thường hát thẳng nốt, không luyến láy nhiều. Còn hát xẩm cũng như hát dân gian nói chung, mỗi chữ thường được luyến rất nhiều nốt, không quen hát rất khó.

Đây quả thực là một dự án thú vị vì ẩm thực Hà Nội vốn đã quá nổi tiếng nhưng chưa xuất hiện trong xẩm. Đây cũng là những tìm tòi của Quang Long và Tuyết Hoa. Tôi và các bạn là những người Hà Nội, rất yêu những giá trị đẹp của Hà Nội nên chúng tôi muốn cùng nhau làm một điều gì đó quảng bá cho văn hoá của Hà Nội trong xẩm". Giáng Son hy vọng trong thời gian tới có nhiều thời gian tập luyện hơn để có thể hát hoàn chỉnh một bài xẩm thật là nổi tiếng đó là “Lỡ bước sang ngang” song ca với Mai Tuyết Hoa.

Nguồn: Gia đình Việt Nam