Dòng sự kiện:

Những bài tập cấp tiểu học thách thức cả tiến sĩ

15:26 08/11/2015
Những bài tập Toán, Tiếng Việt của học sinh tiểu học tưởng đơn giản nhưng lại gây tranh cãi, thách thức cả giáo sư, tiến sĩ.

 

 

 

Bài toán lớp 3 thách thức giáo sư

Tháng 5/2015, cộng đồng mạng xôn xao với bài toán lớp 3 của một trường tiểu học ở Lâm Đồng. Sau khi “gây bão” trong nước, bài toán được báo Anh đăng tải.


Bài toán lớp 3 tại Lâm Đồng.

Bài toán lớp 3 này còn thu hút sự chú ý của nhiều giáo sư Toán học. Tiến sĩ Giáp Văn Dương còn mời các nhà toán học là giáo sư Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Phùng Hồ Hải và Nguyễn Tiến Dũng giải bài toán gây sốt ở Việt Nam và báo chí quốc tế.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương đặt câu hỏi: "Thực sự muốn biết các giáo sư làm bài này hết bao nhiêu thời gian?". Ông đăng kèm chia sẻ trên báo The Guardian (Anh) về bài toán lớp 3 này, mong muốn độc giả cùng tìm kiếm đáp án.

Sau khi tiến sĩ Giáp Văn Dương mời giải toán, giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (giảng dạy tại Đại học Toulouse, Pháp) cho biết, làm xong bài trong 18 phút. Giáo sư Tiến Dũng nhận định: “Bài này dùng để dạy số học thì dở, dạy về thuật toán không đến nỗi nào”.

Cách đây hai năm, trên trang mạng Học thế nào do GS Ngô Bảo Châu sáng lập, một phụ huynh tên Pham Tuyen đăng tải một đề bài giống hệt bài toán lớp 3 tại Lâm Đồng và nhờ giáo sư giải.

Bằng nickname Thichhoctoan, GS Ngô Bảo Châu cho biết, ông không hiểu đề bài. Sau khi có một người khác diễn giải đề toán, GS Châu bình luận: “Chắc chỉ có mỗi cách là mò cua, may ra thì bắt được ốc”.

[mecloud]QdQoltXFDk[/mecloud]

PGS Ngôn ngữ học "bó tay" với bài tập Tiếng Việt lớp 1

Đầu tháng 11/2015, một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ với Zing.vn bài tập Tiếng Việt của con trai học lớp 1: Tìm và viết lại 5 từ đơn có vần ưi có nghĩa, không lặp lại từ hoặc âm.

Trao đổi về bài tập này của học sinh lớp 1, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam - cho biết, ông tìm mãi cũng chỉ được 4 từ là gửi, ngửi, chửi, cửi.

Sau đó, độc giả đã có nhiều bình luận tranh cãi về đề bài của cô giáo. Nhiều người cho rằng còn một đáp án nữa là từ "hửi" thường được sử dụng ở miền Nam thay cho "ngửi". Tuy nhiên, ông Tình đã bác bỏ đáp án này vì cho rằng, "hửi" chỉ là phương ngữ, không phải từ phổ thông.

Bài toán 5 x 3 không bằng 5 + 5 + 5 gây tranh cãi

Sau khi bài toán 5 x 3 bằng 3 + 3 + 3 + 3 +3 và không bằng 5 + 5 +5 của Mỹ xuất hiện gây tranh cãi, nhiều học giả đưa ra bình luận, nhưng chưa thống nhất được quan điểm.

"Tôi vẫn dạy học sinh cách 5 x 3 = 5 + 5 + 5, nhưng thật sự khi giảng bài vẫn có cảm giác nó không thuận lắm, và vẫn thích hiểu theo kiểu 5 lần số 3 hơn", thầy giáo Đỗ Duy Hiếu (Viện Toán học) chia sẻ.

Theo thầy giáo này, nếu học sinh làm 5 x 3 = 3 + 3 + 3 + 3 + 3, thầy sẽ không chấm điểm và yêu cầu các em sửa lại. "Tôi sẽ giải thích với học sinh rằng, mặc dù làm như vậy không sai, nhưng chúng ta sử dụng quy ước chung, và quy ước đó sẽ ảnh hưởng việc giảng dạy và tư duy chung của các bài toán liên quan vấn đề này về sau".

Trái với quan điểm của Đỗ Duy Hiếu, PGS.TS Vũ Đình Hòa, người nhiều năm đưa học sinh đi thi Olympic Toán quốc tế, cho biết: "Theo cách quy ước của Mỹ, 5 x 3 phải diễn giải ra phép tổng là 3 + 3 + 3 + 3 + 3, tức là số 3 được nhân lên 5 lần. Sở dĩ bài toán gây nhiều tranh cãi, bởi chúng ta thường không khắt khe với những quy ước nhỏ như vậy".

Thầy Hòa giải thích, phép A x B với A ở bên trái và B ở bên phải khi chuyển sang phép cộng sẽ phải bằng tổng của A lần số B (và ngược lại).

Công thức khái quát: A x B = B + B + B +...+ B (A lần số B).

Bài toán tính số gà khiến nhiều học giả phải "đăng đàn"

Đề bài: "Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con gà. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà?".
4 phương án được đưa ra:

A. 4 x 8 = 32; B. 8 x 4 = 32; C. 4 + 8 = 12; D. 8 : 4 = 2.

Học sinh chọn đáp án 4 x 8 = 32 nhưng không được điểm vì cô giáo chấm đáp án 8 x 4 = 32 mới chính xác.

PGS.TS Đỗ Đình Hoan cho biết: Khi giải bài toán trắc nghiệm trên, học sinh đã được học quy ước về viết tên đơn vị là 8 x 4 = 32 (con gà), không viết 4 x 8 = 32 (con gà), nên trong phần đáp án chưa nên nêu cách viết này.

Nếu có học sinh nào viết 4 x 8=32 (con gà) thì giáo viên hướng dẫn học sinh viết theo quy ước và nên cho điểm hoặc đánh giá bằng nhận xét để động viên học sinh học tập, không coi là làm sai.

PGS Văn Như Cương lại phân tích: Đáp án của cô giáo đưa ra 8 (gà) x 4 =32 là đúng, phải tính số gà thì lấy số con gà nhân với số chuồng. Đáp án 4 x 8 không đúng, bởi viết như thế sẽ hiểu là số chuồng là 4 gấp lên 8 lần, mặc dù kết quả cuối cùng của phép tính đều là 32. Ở đây chúng ta cần phân biệt cho học sinh hiểu được đâu là đơn vị tính, đâu là số lần được gấp lên.

Theo Zing

[mecloud]CdaiNcqVhh[/mecloud]