Dòng sự kiện:

Những câu nói gây tổn thương cha mẹ tuyệt nhiên đừng nói với con

09:40 07/02/2017
Đổ lỗi, so sánh, chê trách... là những điều cha mẹ không nên nói với con cái. Các bậc phụ huynh hãy chú ý trước khi quá muộn.

Không đổ lỗi

Không có người cha mẹ nào hoàn hảo. Cuộc sống đôi khi căng thẳng đến mức chúng ta thường đổ lỗi một phần những rắc rối lên đầu con trẻ. Nếu nhà cửa không gọn gàng, đó là do lũ trẻ bày ra. Nếu điểm học của con không tốt, đó là do con lười biếng. Nếu bạn làm hỏng một nồi canh, đó là do bọn trẻ cãi nhau khiến bạn phải mất thời gian xử lý… Lũ trẻ đương nhiên chịu một phần trách nhiệm nhưng điều đó không có nghĩa mọi sai lầm, mệt mỏi đều do chúng gây ra. Học cách xử lý các tình huống một cách hợp lý thì cuộc sống của bạn cũng nhẹ nhàng và vui vẻ hơn rất nhiều.

Không so sánh

Con bạn đã cố gắng để có được dù chỉ là một chút sự chú ý của bạn mỗi ngày. Khi bạn so sánh bằng cách sử dụng các cụm từ như "anh của con học giỏi hơn con”, “con cô làm cùng với mẹ biết điều hơn con rất nhiều”, hay “con nhìn cô bé kia xem, tại sao con không thể ăn uống gọn gàng được một phần như thế?”,… cái tôi của con bạn đang bị phá hoại. Và khi điều này xảy ra, lòng tự trọng bị giảm sút và sự nổi loạn bén rễ trong suy nghĩ của bọn trẻ. Nó không chỉ đúng với những đứa trẻ con mà còn đúng với lứa tuổi thiếu niên và cả người đã trưởng thành.

“Con chậm chạp như rùa, con ngu như bò, con phá phách như con khỉ con…”

Có bao nhiêu cách cha mẹ so sánh con mình khi bạn không hài lòng? Tất cả điều này dẫn đến một điều: trẻ em sẽ cảm thấy bối rối về chính bản thân mình, nó sẽ cảm nhận được một điều rằng mình là một món đồ chơi, và người ta có thể làm tất cả mọi điều người ta muốn với nó. Vào lúc bắt đầu của cuộc đời, con bạn sẽ tiếp nhận mọi điều người khác nói mà không có suy nghĩ riêng của mình, chúng tin cậy vào bạn 100%. Thay vì nói với con rằng nó là một kẻ ngốc, hãy nói “Để mẹ giúp con, để mẹ giải thích cho con nhé” và con sẽ vui với điều đó.

“Con rất là...”

Nhiều phụ huynh hay có kiểu nhận xét tính xấu của con mình ngay trước mặt người khác như “Bác thông cảm, con này nhà em nó nhát lắm”, “Thằng này có mà giời dạy” hay đay nghiến con “Sao con ích kỉ thế?”. Trẻ nhỏ tin tất cả những gì chúng nghe là đúng, kể cả đó là những gì nói về chúng. Tất cả những cái “mác” mà cha mẹ gắn cho chúng như “nhút nhát”, “thông minh”, “điệu” sẽ vô tình áp đặt cho trẻ quan niệm rằng “Mình đúng là như thế. Bản chất của mình là như thế, không thể thay đổi được”.

Một biện pháp tốt hơn là chỉ ra hành vi cụ thể của con và bỏ đi những tính từ chỉ tính cách bé. Ví dụ, không nên nói “Con rất là ích kỉ.” mà nói “Em Tôm rất buồn vì con không cho em chơi chung đồ chơi của con. Làm thế nào bây giờ nhỉ?”

“Đừng có bôi tro trát trấu lên mặt bố/mẹ”

Nói cách khác, bạn thông báo cho con mình: “Con là sự xấu hổ của bố/mẹ”. Trẻ em thường nghe những câu như vậy sẽ luôn muốn mọi người nhìn thấy thật ra mình là người thế nào, bên cạnh đó, nếu chúng nhận được sự chú ý của một ai đó, chúng không biết phải làm gì với điều ấy. Chúng lẩn tránh, khép kín, và lạc hướng. Đứa trẻ ấy không có sự lựa chọn, nó chỉ có thể là sự xấu hổ của người khác. Khi bạn nói như thế, bạn làm tổn thương con của bạn.

Khoevadep

Nguồn: Gia đình Việt Nam