Dòng sự kiện:

Những câu nói vô tình của cha mẹ khiến teen tổn thương

02:00 11/09/2015
Nhiều cha mẹ ‘hồn nhiên’ hỏi con những câu nực cười dễ gây tổn thương tâm hồn cho trẻ mà không hay biết.

Con tăng cân/sụt cân đấy à?

Đến tuổi dậy thì, trẻ đã bắt đầu biết chăm chút và để ý đến những lời khen – chê về ngoại hình của mình. Dù bạn nói câu này chỉ với ý vui đùa thôi nhưng cũng dễ khiến trẻ tự ti rằng mình xấu. Trẻ sẽ bắt đầu nhịn ăn để giữ dáng - một điều không tốt cho giai đoạn phát triển của con. Ngược lại, nếu bị chê gầy, trẻ dễ ăn uống ‘thả phanh’, mất kiểm soát cân nặng gây béo phì.

Sao con có thể sống như vậy?

Bạn có thể phát điên khi thấy con bừa bộn mất vệ sinh, phòng cả tuần không hề dọn, bát đĩa ăn xong không chịu rửa… Thế này nhé, cho dù con bạn lớn lên đã là đứa chăm chỉ hay lười biếng chẳng bao giờ nhúc nhích một ngón tay vào việc nhà, thì nó vẫn có quan điểm riêng về giữ gìn vệ sinh. Vì vậy tốt nhất bạn đừng mất công la mắng trẻ.

Con đang mặc thứ gì trên người thế?

Đừng bao giờ hỏi “Con mặc thứ gì thế?” hay “Cái gì trên mặt con vậy?” vì điều đó dễ khiến trẻ nghĩ “Cha/mẹ lại bắt đầu ca thán về ngoại hình của mình đây”.

Tốt nhất, hãy tôn trọng quyền cá nhân của con, trừ khi đó là thứ quái đản khiến bạn nghi ngờ có chuyện xấu gì đó xảy ra với con.

Con còn trông chờ gì ở bố/mẹ nữa?

Đứa trẻ lớn xác kia là con bạn, và mọi đứa con đều trông chờ sự hỗ trợ từ cha mẹ chúng khi mất việc, bị người yêu bỏ, cãi nhau với bạn bè hay bị ong đốt…

Hãy lo lắng nếu con không còn cầu cứu cha mẹ vì điều đó có nghĩa là con đã không còn tin tưởng cha mẹ nữa. Bởi thế, khi thấy con gặp ‘trục trặc’ trong cuộc sống, cha mẹ nên thấu hiểu và nhẹ nhàng hỏi han: “Cha/mẹ có thể làm gì để giúp con?”

Sao không gọi cho cha/mẹ?

Trong khi cha mẹ luôn mong ngóng và muốn kiểm soát con mọi lúc, mọi nơi thì con lại muốn tự do ‘bay nhảy’ hay bị hấp dẫn với những việc khác hoặc mải vui sinh nhật bạn mà chưa kịp gọi hay nhắn tin về cho cha mẹ.

Trong những trường hợp như thế, rất nhiều phụ huynh quýnh lên, nhắn tin hoặc gọi điện liên tục vào số điện thoại của con để yêu cầu giải thích lý do ‘Vì sao giờ này con chưa về’ hay ‘Sao không gọi cho cha/mẹ?’. Đây là hành động thật sai lầm.

Cách tốt nhất là kiên trì, và khi số máy của con hiện lên trên máy mẹ, hãy nghĩ rằng “thằng bé/con bé đã gọi” và đừng lên giọng phàn nàn.

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin