Dòng sự kiện:

Những hủ tục hôn nhân kinh hoàng ở Ấn Độ

15:05 19/08/2015
Bắt trẻ em kết hôn, làm đám cưới giả để trừ tà, tra tấn cô dâu, chung vợ chung chồng... là những hủ tục kinh hoàng còn tồn tại ở đất nước Ấn Độ.

Làm đám cưới giả để trừ tà

Người Ấn Độ tin vào linh hồn và bói toán, đặc biệt là bói toán dựa vào ngày tháng năm sinh. Theo đó, một số phụ nữ được cho là có “mangal dosh” (sát phu) và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người chồng.


Một cô dâu phải kết hôn với động vật để trừ tà.

 

Để giải hạn, những người phụ nữ này phải làm đám cưới với một cái cây hoặc một con vật nào đó như dê hoặc chó. Nghi lễ này cũng được áp dụng với những phụ nữ có ngoại hình bất thường như sứt môi, có răng từ lúc mới đẻ… để trừ tà ma.

Bắt trẻ em kết hôn

Độ tuổi kết hôn hợp pháp ở Ấn Độ với phụ nữ là 18, đàn ông là 21. Tuy nhiên, luật này không được áp dụng ở một số vùng nông thôn, nơi đám cưới trẻ con bắt đầu được thực hiện từ năm 1929.


Một bé gái phải kết hôn từ khi còn rất nhỏ.

 

Nhiều em chỉ mới 7 tuổi ở Rajgarh cách Bhopal, thủ phủ của bang Madhya Pradesh 104 km về phía Tây Bắc Ấn Độ đã phải kết hôn. Sau lễ cưới, các cô dâu nhí vẫn ở nhà cha mẹ đẻ và chỉ đến ở nhà chồng khi đã trưởng thành.

Tra tấn cô dâu

Của hồi môn đã trở thành một nét văn hóa ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người. Ở Ấn Độ, việc con dâu có được coi trọng ở nhà chồng hay không phụ thuộc rất nhiều vào số lượng của hồi môn cô dâu được nhà mẹ đẻ cho. Vì thế, có không ít gia đình ở Ấn Độ sẵn sàng bức con dâu tự vẫn hay thiêu sống cô dâu ngay trong ngày cưới nếu thấy không hài lòng với số của hồi môn của cô dâu.

Các cô dâu không có đủ của hồi môn sẽ bị các thành viên trong gia đình nhà chồng bắt xuống dưới bếp. Mẹ chồng hoặc một thành viên khác trong gia đình nhà chồng sẽ đổ dầu ăn lên khắp người cô dâu rồi tự tay châm lửa. Tỷ lệ sống sót của những cô dâu trong hủ tục “đốt cô dâu” là rất thấp. Một số ít các cô dâu trẻ thoát chết cũng sẽ phải chịu tra tấn, ngược đãi, mắng nhiếc của gia đình nhà chồng mà không dám đứng lên khởi tố.

Mẹ và con gái chung chồng

Theo truyền thống của bộ tộc Mandi - một bộ tộc theo chế độ mẫu hệ sống tập trung ở vùng núi cao của Bangladesh và Ấn Độ, nếu người mẹ muốn tái giá với người đàn ông khác thì cô con gái cũng phải trở thành một người vợ của người đàn ông đó. Đây không phải là vấn đề phổ biến trong thời đại ngày nay nhưng vẫn còn tồn tại trong số ít gia đình Mandi.

 Một gia đình mẹ và con gái chung chồng.

Hủ tục này cũng gây ra không ít chuyện dở khóc dở cười. Việc mẹ con cùng chung một chồng, sự lằng nhằng giữa mối quan hệ của con mẹ, con con với chung một người đàn ông chưa nói đến, rất nhiều mẹ con vì phải chung đụng cùng một người đàn ông đã dẫn đến sứt mẻ tình cảm, thậm chí quay sang thù hằn nhau.

Chung vợ để đỡ phải chia đất

Ở một số bộ tộc trên dãy Himalaya giữa Ấn Độ và Tây Tạng, đất canh tác nông nghiệp luôn là một vấn đề lớn với những người dân tộc thiểu số. Những gia đình có từ hai con trai trở lên sẽ phải đối mặt với vấn đề chia đất đai khi họ trưởng thành và có gia đình riêng.

Để giải quyết vấn đề đau đầu này, nhiều gia đình đã chọn biện pháp cho tất cả các con trai cùng lấy chung một vợ. Như vậy, họ vẫn có thể sống chung với nhau và bảo toàn được phần đất đai vốn đã ít ỏi của gia đình mình.

Hôn nhân sắp đặt

Các bậc cha mẹ ở Ấn Độ thường chọn chồng/vợ cho con, dù xu hướng hôn nhân vì tình yêu đã phát triển mạnh trong thời kỳ chuyển đổi của kinh tế Ấn Độ.

Theo một số lý giải, hôn nhân sắp đặt ở Ấn Độ bắt nguồn từ tôn giáo và chế độ đẳng cấp, của hồi môn.

Ấn Độ có một hệ thống chế độ đẳng cấp phân chia mọi người thành các tầng lớp xã hội rõ ràng. Dù việc phân chia đẳng cấp không còn chính thức nhưng nó vẫn tồn tại. Ấn Độ cũng bị phân chia về tôn giáo, với một lượng lớn là người Hindu và Hồi giáo cùng nhiều tôn giáo khác. Một cuộc hôn nhân sắp đặt luôn là những người cùng tôn giáo, cùng đẳng cấp lấy nhau.

Minh Sang (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

>> Video đang được quan tâm:

[mecloud]JOaBh21ohN[/mecloud]