Dòng sự kiện:

Những lỗi cơ bản khi chọn bạn đời khiến 'hôn nhân là nấm mồ của tình yêu'

02:30 13/11/2015
Vì sao với nhiều người "hôn nhân là nấm mồ của tình yêu"? Có lẽ đó là lỗi chọn bạn đời.

Đôi khi, bạn không hiểu vì sao cuộc hôn nhân của mình tan vỡ? Hạnh phúc gia đình quá mong manh và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng cuối cùng, yếu tố "to đùng" mà bạn thường "vin" vào là chọn sai bạn đời.

Không thực sự biết hết về nhau

Bạn không thể biết tất cả mọi điều về người bạn đời của mình, dù đã sống với nhau một khoảng thời gian dài. Lúc yêu thì càng khó, bởi bạn chưa có cơ hội hoặc chưa thực sự hiểu người đó để tìm kiếm những điều cần từ nhau. Để đến khi lấy nhau về rồi thì lúc đó mới “vỡ lẽ” và khó chấp nhận, khoan dung những lỗi lầm, hoặc tật xấu của nhau.

Chịu ảnh hưởng từ bên ngoài quá nhiều

Khi yêu hai người có thể say đắm trao cho nhau những tình cảm mãnh liệt nhất. Song chỉ cần những người xung quanh phản đối, nhất là tiếng nói của cha mẹ, mà nếu bạn không có sự kiên trì thì thì khó lòng vượt qua những sóng gió đó. Ngược lại, bố mẹ cũng hoàn toàn có thể khuyên bảo, thậm chí là ép duyên bắt lấy người này, người nọ với quan điểm “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Một cuộc hôn nhân sắp đặt sẽ khó có thể mang lại hạnh phúc bởi không còn gì thảm hại hơn khi hàng đêm phải nằm bên cạnh người mình không yêu.

Quá yêu sự lãng mạn

Tình yêu không thể thiếu đi sự lãng mạn. Hôn nhân không thể hạnh phúc bền lâu nếu thiếu đi gia vị này. Không ít các cô gái đã “đổ xiêu, đổ vẹo” trước những lời nói mật ngọt, những cử chỉ lãng mạn của những gã trai có tâm hồn thi sĩ. Nhưng khi lấy về rồi mới té ngửa hóa ra chàng “mồm miệng đỡ chân tay”, “hót hay như khướu” mà chẳng thể trở thành chỗ dựa vững chắc, trụ cột gia đình, có thể mang lại một cuộc hạnh phúc, an yên cho bạn.

Chịu chi phối quá lớn từ xã hội

Chẳng có trường lớp nào dạy cách để lựa chọn bạn đời chính xác. Chúng ta thường dựa vào “duyên phận” để hẹn hò, yêu thương và đi đến hôn nhân. Tất nhiên, khi yêu, hai bên cũng phần nào hiểu về nhau và đáp ứng các tiêu chuẩn của nhau. Song đa số những tiêu chuẩn đó đều phụ thuộc khá nhiều vào định kiến của xã hội. Thêm vào đó, người ta quan niệm tuổi kết hôn để tránh “quá già” là từ 25-35 tuổi. Vì vậy, khi đã sắp đến “hạn” nhiều người “nhắm mắt làm liều” từ đó dễ dẫn đến sai lầm.

Vội vã vì sợ hãi

Sợ hãi cảnh sống độc thân hoặc luôn bị ám ảnh với danh hiệu “ế, già”, nhiều người thường đưa ra những quyết định tồi tệ khi chọn bạn đời. Vì vậy không nên quá vội vã, độc thân cũng có những niềm vui riêng, hãy cứ tự do tận hưởng cuộc sống tới khi gặp được người có tình cảm chân thành, lúc đó đưa ra quyết định lập gia đình cũng chưa muộn.

* Dù vậy, vẫn có khá nhiều đôi vợ chồng có phạm phải một vài lỗi trên nhưng tình cảm con người khó đo lường, có thể họ vẫn sống với nhau hòa thuận. 

Linh An (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam