Dòng sự kiện:

Những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ông Công ông Táo

08:26 04/02/2018
Chỉ còn 1 tuần nữa là đến ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là nghi lễ quen thuộc không thể thiếu đối với người Việt vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, bạn cần nắm rõ một số món ăn truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ vào ngày đặc biệt này.

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm các gia đình lại sửa biện lễ vật, mâm cỗ cúng tiễn ông Công ông Táo chầu trời. Mâm cỗ cúng ông Táo trong truyền thống bao gồm các món cơ bản như: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã. Trong đó, không thể thiếu món cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để ông Táo lên trời.

So với ngày trước, mâm cúng ông Công ông Táo ngày nay đã được đơn giản hơn, không bắt buộc phải có đầy đủ các món ăn truyền thống. Ngoài ra, nó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cũng như khẩu vị của gia chủ.

Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo Quân.

Sau đây là 5 món chủ đạo trong mâm cúng ông Công ông Táo của người Việt:

Gà luộc

Dù bữa ăn hàng ngày của các gia đình hiện nay rất phong phú, tuy nhiên cúng ông Công ông Táo không thể không có gà luộc. Để tránh tình trạng gà luộc chín quá da bị rách hoặc chín không đều, chị em nên cho gà vào nồi nước lạnh sau đó bắc lên luộc.

Khi luộc gà, nên đổ nước sôi ngập đầu gà, dùng đũa bếp chèn bên trên để gà không nổi trên mặt nước. Đun 10-20 phút (tuỳ gà to hay nhỏ, non hay già) tính từ lúc nước sôi rồi tắt bếp, để nguyên gà trong nồi ngâm thêm 15 phút là được.

Xôi

Có thể nói rằng, xôi là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo. Vào ngày lễ này, chị em có thể tự mình nấu xôi hoặc mua xôi để chuẩn bị cho một mâm cúng đầy đủ nhất.

Giò

Để mâm cúng thêm đầy đủ, không tốn nhiều công sức thời gian, bạn nên chuẩn bị thêm một khoanh giò.

Miến xào lòng gà

Nguyên liệu để nấu món này bao gồm 1-2 bộ lòng gà, miến, mộc nhĩ, hành, tỏi (đồ cúng thì bỏ tỏi). Sau khi sơ chế lòng gà, miến, mộc nhĩ, hành, bạn bắt tay vào thực hiện món ăn cơ bản này theo các bước sau.

- Cho dầu ăn, hành giã nhỏ vào chảo, đến khi hành thơm thì cho lòng gà vào xào. Khi lòng gà chín, cho mộc nhĩ vào xào rồi cho cà rốt vào. Tiếp tục đảo cho đến khi lòng gà, mộc nhĩ, cà rốt chín.

- Tiếp theo cho miến vào đảo đến khi chín rồi cho gia vị vào.

Tất cả đã chín, cho ra đĩa, bày thêm rau mùi để món ăn thêm hấp dẫn.

Bánh chưng

Không phải chỉ đến Tết, dịp ông Công ông Táo chị em cũng có thể thay thế xôi bằng bánh chưng. Bánh chưng có thể tự gói, hoặc đặt mua ở ngoài hàng. Tốt nhất bạn nên mua ở nguồn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quan niệm dân gian cho rằng mâm cúng ông Công ông Táo là lễ tiễn các vị quan cai quản đất đai và bếp núc lên báo cáo với Ngọc Hoàng về việc làm tốt xấu của gia chủ. Phong tục này đã được người Việt Nam truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một nét bản sắc văn hóa độc đáo của nước ta.

Theo các chuyên gia phong thuỷ, lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.

Lễ vật cúng Táo quân chắc chắn không thể thiếu 3 chiếc mũ ông Công, ông Táo: hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Cả ba mũ đều được trang trí lóng lánh và sặc sỡ.

Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.

Theo Gia đình xã hội