Dòng sự kiện:

Những nguyên tắc an toàn cho trẻ khi ở nhà chung cư bố mẹ phải nhớ

15:33 17/07/2016
Vụ bé trai khoảng 6 tuổi tử vong khi rơi từ ban công ở chung cư Linh Đàm là lời cảnh tỉnh cho các bố mẹ về những nguyên tắc an toàn khi ở nhà chung cư.

Mới đây, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi một bé trai khoảng 6 tuổi đã bị rơi từ tầng 11 của tòa nhà Rainbow Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), xuống ban công tầng 2 và tử vong tại chỗ.

Thời điểm cháu gặp nạn, không có người lớn ở trong nhà. Trong quá trình chơi, đồ chơi của cháu bé bị rơi ra lan can khu giếng trời của tòa nhà. Cháu bé ra cố với lấy đồ chơi thì gặp nạn.


Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc này đau lòng này tại các khu chung cư hay các tòa nhà cao tầng ở Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt tại chung cư Linh Đàm đã từng xảy ra tai nạn trẻ rơi từ lan can tầng cao xuống đất.

Theo chuyên gia tâm lý Hải Anh, trẻ dưới 5 tuổi đang ở trong lứa tuổi thích đùa nghịch, hiếu động và khám phá thế giới xung quanh và chưa ý thức được việc mình làm cũng như sự nguy hiểm khi chơi ở ban công.

Trong khi đó một số phụ huynh chủ quan, dù biết là ban công thấp, có kẽ hở, trẻ hoàn toàn dễ bị rơi xuống song vẫn chủ quan, không lắp đặt thêm thiết bị để rào chắn hoặc mức rào chắn quá lỏng lẻo, dẫn đến nhưng tai nạn đau lòng cho trẻ.

Ban công chung cư phải đạt yêu cầu gì để trẻ không rơi ngã?

Để bảo vệ trẻ khỏi những hiểm nguy rình rập ngay tại nhà, ban công gia đình cần được thiết kế cẩn thận, với các yêu cầu như sau:

- Đảm bảo rằng lan can (thanh chắn) ban công đáp ứng đủ các tiêu chuẩn hiện hành: ít nhất là cao 1m, tốt nhất là cao hơn 1,3m, không có các khe hở nào rộng hơn 10-12,5cm.

- - Nếu ban công hoặc sân cao hơn 4 mét so với mặt đất, không được có phần ngang để trẻ có thể leo nằm khoảng giữa 15cm và 76cm so với mặt sàn.


- Những thứ mà trẻ em có thể trèo lên hoặc đứng lên như bàn, ghế hoặc chậu cảnh nên được đặt tránh xa rìa ban công. Cẩn trọng với các món đồ nhẹ mà trẻ có thể kéo đến rìa ban công.

- Sử dụng các bề mặt không trơn trượt trên ban công.

- Khi không sử dụng ban công hãy khóa các cửa lớn và cửa sổ sát ban công.

- Kiểm tra lan can thường xuyên để đảm bảo rằng chúng đang ở trong tình trạng tốt.

- Lắp các tấm lưới bảo vệ ngoài ban công.

Nguyên tắc dành cho cha mẹ để bảo vệ con khi sống tại chung cư cao tầng

Khi sống trong cung cư cao tầng, nguyên tắc mà cha mẹ không bao giờ được quên đó là:

- Tuyệt đối không cho trẻ dưới 6 tuổi ở một mình không có người lớn bên cạnh. Ở độ tuổi lên 4, hoặc từ 0 – 4, chúng ta hoàn toàn không thể trông đợi gì vào các kĩ năng thoát hiểm của các bé. Đây không phải là độ tuổi thích hợp cho việc ở nhà một mình. Nếu trẻ ở một mình trong phòng, các cha mẹ phải đảm bảo được mọi nguyên tắc an toàn như: không có khoảng không nguy hiểm nào lớn hơn cơ thể của trẻ. 

- Tuyệt đối không bế trẻ ra ban công đứng ngóng chơi, dù ở nhà mình hay tới thăm nhà khác. Việc cho trẻ đứng ở vị trí chênh vênh như vậy đã tạo cho trẻ cảm giác an toàn nếu như trèo lên lan can hoặc các vị trí nguy hiểm. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả mà chúng ta không thể lường trước được.

- Các căn hộ chung cư có rất nhiều khoảng không trống nguy hiểm, các cha mẹ nên lưu ý việc lắp các lưới bảo vệ như lưới chống ngã, lưới chống muỗi.

Những tấm lưới này đảm bảo giữ được an toàn cho trẻ khi trẻ nghịch ngợm nhưng lại rất dễ cắt để có thể thoát ra ngoài qua lối ban công khi có hỏa hoạn.

- Đảm bảo là trong phòng các bé không có những sợi dây nào lòng thòng gây nguy hiểm cho các bé. Cũng không có các vật thể có thể gây va chạm mạnh dẫn đến chấn thương như bàn kính, tủ kính….

Ngoài ra, các ổ điện cũng phải được lắp các thiết bị bảo vệ để tránh trường hợp trẻ đút tay vào đó khám phá và các thiết bị điện nếu có cũng phải ở xa khả năng cầm với của trẻ.

Cha mẹ cũng cần giáo dục cho trẻ biết các nguy cơ và hậu quả có thể xảy ra khi ngã, giáo dục bé tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao, thả diều trên sân thượng...

Nguồn: Gia đình Việt Nam