Dòng sự kiện:

Những nguyên tắc trả lời câu hỏi khó nhằn của trẻ

21:18 24/11/2015
Trẻ em luôn có những cách khiến cha mẹ bất ngờ, chẳng hạn như bằng một loạt các câu hỏi khó xử, mà hoàn toàn có thể khiến bạn mất cảnh giác.

Trẻ em trong quá trình lớn lên từ giai đoạn mới biết đi, có thể nói ra những lời khó xử vì chúng đã nghe thấy ai đó nói hoặc trên TV. Chúng có thể đặt ra những câu hỏi về tình dục, cuộc sống quá khứ của bạn hoặc thậm chí một số vấn đề xã hội đang "nóng".

Là cha mẹ, bạn sẽ xử lý sao trước những tình huống gây lúng túng này?

Trước tiên, đừng "e hèm" chuyển hướng câu hỏi của con hay im lặng không trả lời. Điều này chỉ làm "trầm trọng" thêm tình hình nhạy cảm. Hãy nghiêm túc trả lời câu hỏi câu hỏi của con, nhưng tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ để trả lời một cách thích hợp. Tốt nhất đó nên là một câu trả lời thành thật với con thay vì câu trả lời mơ hồ. Nếu trẻ phát hiện ra đó là câu trả lời thiếu trung thực, bạn có nguy cơ bị mất lòng tin của con.

Nếu trẻ hỏi bạn những câu hỏi về quá khứ của bạn, hãy chuẩn bị tinh thần để trả lời chúng một cách thích hợp. Sẽ tốt hơn nếu ngay từ đầu bạn nuôi dưỡng cho con cảm giác của sự cởi mở trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái. Điều này sẽ giúp tăng cường niềm tin, sự trung thực, và mở đường cho sự giao tiếp hiệu quả giữa hai bên. Ngoài ra, cần có một sự đồng thuận giữa bạn và người bạn đời của mình trong việc trả lời những câu hỏi khó của con. Sẽ tốt hơn nếu các câu trả lời được giải đáp một cách nhất quán hơn là những thông điệp mâu thuẫn. Điều này sẽ chỉ gây khó hiểu và nhầm lẫn cho con.

Có can đảm để thừa nhận sai lầm của mình. Nếu bạn đã có một quá khứ với một số sai lầm mà bạn không muốn con lặp lại, hãy biến câu hỏi của con trở thành cơ hội tuyệt vời để bạn chia sẻ kinh nghiệm với con. Bạn không thể biết được rằng sau này con bạn có lặp lại sai lầm đó hay không nhưng trẻ sẽ nhìn bạn với sự tôn trọng và gần gũi, rằng trước khi là người lớn thì bố mẹ cũng từng là trẻ con. Chúng cũng nhận ra rằng đã là con người thì không ai hoàn hảo cả.

Hãy nhớ rằng cuộc thảo luận với con nên bắt đầu một cách thẳng thắn và thân thiện. Nếu điều này được duy trì đều đặn thì bạn sẽ không còn phải lúng túng trước những câu hỏi của con nữa. Thực tế, trẻ đặt ra những câu hỏi để bạn thấy rằng chúng tin tưởng bạn và bạn có vai trò rất quan trọng với chúng!

Đinh Hương

Nguồn: Gia đình Việt Nam