Những thực phẩm nên ăn khi bị sốt xuất huyết
Dưới đây là lời khuyên của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình (BV Chợ Rẫy, TPHCM) về chế độ dinh dưỡng giúp người bệnh sốt xuất huyết đủ sức để vượt qua các cơn sốt và nhanh chóng phục hồi.
Những thực phẩm nên ăn khi bị sốt xuất huyết
Trong giai đoạn tiến triển, người bệnh cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, chọn những thức ăn bệnh nhân thích, không kiêng khem quá mức để tránh tình trạng biếng ăn, đảm bảo 4 nhóm chất cơ bản, bao gồm: tinh bột (gạo, ngô, khoai…), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa…), chất béo (dầu, mỡ), vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả, trái cây…).
Người sốt xuất huyết nên ăn cháo, súp để dễ hấp thu.
Đặc biệt, trong sốt xuất huyết sợ nhất tình trạng sốc, thoát huyết tương ra ngoài gây cô đặc máu nên quan trọng nhất là phải uống thật nhiều nước, mỗi lần vài ngụm và uống liên tục trong ngày. Nếu người bệnh bị nôn, ói nhiều thì phải dùng thuốc bù nước và chất điện giải.
Ngoài nước đun sôi để nguội, có thể sử dụng nước trái cây, nước quả ép (cam, bưởi), nước chanh, nước dừa, cà rốt, dưa chuột, nước ép rau xanh, trà gừng… để cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể. Cụ thể, trẻ nhỏ hơn 5 tuổi cần 500-1.500ml/ngày, trẻ lớn hơn 5 tuổi cần 2.000 - 2.500ml/ngày và người lớn là 2.500 - 3.000ml/ngày.
Trà gừng giúp người sốt xuất huyết giảm nôn ói. Nước trái cây tăng sức đề kháng và bổ sung vitamin cho cơ thể.
Việc bổ sung nhiều vitamin C từ các loại trái cây như dâu tây, ổi, kiwi, đu đủ cũng rất cần thiết với người bị sốt xuất huyết. Bởi vitamin C có ảnh hưởng trực tiếp lên các vi khuẩn, virus giúp tăng hệ miễn dịch, thành mạch bền tốt hơn sẽ giảm tình trạng xuất huyết.
Các loại thức ăn cần được chế biến lỏng, nhuyễn, dễ tiêu như: cháo, súp giúp người bệnh có sức mạnh để chống lại các cơn đau ở khớp. Nó cũng giúp kích thích cơn đói và cải thiện vị giác.
Đặc biệt với trẻ em bị sốt xuất huyết, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất. Nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú. Trẻ nhỏ ăn dặm thì nên chia nhỏ thành nhiều bữa, để vừa đủ chất vừa giúp ngon miệng hơn.
Các sản phẩm từ sữa, trứng giúp người sốt xuất huyết chóng phục hồi
Trong giai đoạn phục hồi, người bệnh có thể sử dụng các loại thực phẩm như bình thường nhưng chế biến ở dạng đặc để tăng độ đậm đặc năng lượng. Nếu người bệnh chưa ăn được nhiều nên bổ sung chất dinh dưỡng từ 2-3 ly sữa mỗi ngày. Tiếp tục tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi, vệ sinh nơi ở, làm việc sạch sẽ thoáng mát để đề phòng các dịch bệnh khác.
Nên kiêng thực phẩm sẫm màu, tránh gia vị chua cay
- Không nên ăn hoặc uống bất kỳ loại thực phẩm nào có màu đỏ, nâu, đen như nước xá xị, coca, nước trái cây sẫm màu, canh củ dền, dưa hấu, huyết… Mục đích của việc kiêng khem này là để tránh nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết (chảy máu) khi người bệnh có triệu chứng nôn ói trong quá trình điều trị bệnh.
Người bệnh sốt xuất huyết nên tránh xa đồ uống sẫm màu và các loại nước nhiều đường.
- Tránh xa các loại nước nhiều đường (soda hay bất kỳ loại nước ngọt đóng chai nào), không sử dụng mật ong và các loại đường tự nhiên khác. Việc tiêu thụ đường khiến các tế bào máu trắng diệt khuẩn chậm chạp hơn, từ đó bệnh càng trở nặng, lâu khỏi hơn. Tốt nhất là tránh xa rượu bia, thuốc lá và giảm lượng caffeine.
- Không nên ăn đồ cứng khó nuốt, hạn chế những loại thức ăn nhiều mỡ béo, thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay vì dễ gây tình trạng khó tiêu cho người bệnh.
- Việc uống nhiều trà và uống trà quá đậm đặc cũng không tốt cho người đang mắc bệnh. Loại đồ uống này sẽ làm cho não ở trạng thái bị kích thích, làm tăng huyết áp, dẫn đến làm tăng thêm nhiệt độ cơ thể người bệnh. Nếu bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mà uống trà sẽ làm giảm tác dụng hoặc mất hẳn tác dụng của thuốc hạ sốt. Hơn nữa, trong trà có một số chất sẽ khiến cho nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên, không tốt cho người bệnh.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu của bệnh sốt xuất huyết, khi đi khám bác sĩ có thể sẽ cho thuốc hạ sốt, thuốc bổ… Tuy nhiên không vì thế mà bệnh nhân được phép dừng thuốc và không tuân thủ lời dặn của bác sĩ. Đặc biệt, khi lên cơn sốt không tự ý mua thuốc hạ sốt ngoài đơn của bác sĩ, vì một số loại thuốc hạ sốt có khả năng ảnh hưởng xấu đến dạ dày, làm tăng nguy cơ chảy máu. Thuốc hạ sốt bác sĩ thường dùng là loại thuốc chứa paracetamol như Hapacol, sử dụng liều lượng theo hướng dẫn (trẻ em 10-15 mg/kg cân nặng, tối đa không quá 60 mg/kg/ngày; người lớn mỗi lần uống 500 mg-1.000 mg, tối đa không quá 4.000mg/ ngày). |
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Chưa hết nỗi lo sốt xuất huyết, trẻ mắc bệnh hô hấp ùn ùn nhập viện
- Phòng biến chứng nguy hiểm ở trẻ bị sốt xuất huyết
- Bị bệnh sốt xuất huyết bao nhiêu ngày thì khỏi?
- Cách phòng tránh muỗi đốt mẹ phải biết để trẻ không mắc bênh sốt xuất huyết
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua