Dòng sự kiện:

Những trường học kỳ lạ nhất hành tinh

19:17 28/08/2015
Chỉ nghe tên thôi, người ta đã thấy tò mò cực độ về những ngôi trường này.

 

 

 

1. Trường dạy... mại dâm


Mại dâm được coi là nghề hợp pháp ở Tây Ban Nha nên
các trường lớp dạy nghề này cũng ra đời từ đó.
Ở Tây Ban Nha, mại dâm được coi là một nghề hợp pháp. Thậm chí, quốc gia này còn có cả trường học dạy về "chuyên ngành" này cho các cô gái.
Mỗi khóa học sẽ kéo dài trong khoảng 1 tuần bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Học viên phải trả 120 USD (khoảng 2,7 triệu đồng) để được đào tạo "chuyên nghiệp".
2. Trường học phù thủy
 
Các học viên muốn làm phù thủy.
Những người đam mê phép thuật sẽ được thỏa nguyện khi trở thành học sinh của trường học Phù thủy tại thành phố Salem, bang Massachusetts, Mỹ. Trước khi chuyển về thành phố hiện tại, ngôi trường kỳ lạ này từng tọa lạc ở thành phố Chicago. Tuy nhiên, do bị quá nhiều người dân nơi đây chỉ trích và phản đối như biểu tình, rắc nước thánh lên xe hơi... nên trường đã phải chuyển tới Salem.
Cho đến nay, đã có tới hơn 40.000 học viên đăng ký theo học tại ngôi trường đào tạo phù thủy có một không hai này.
3. Trường học "tự do như ruồi"

 

Tại đây, học sinh được tự do đến lớp và chọn lớp học yêu thích.
Đúng như tên gọi, trường Tự do Brooklyn ở thành phố New York, Mỹ là ngôi trường tự do theo đúng nghĩa đen của nó. Trường được chia thành 2 khối: từ 4 - 11 tuổi và từ 11 - 18 tuổi. Theo hiệu trưởng, mục đích của nhà trường là giúp học sinh tìm ra con đường tương lai mà không bị gò bó.
Ở đây, học sinh luôn được sinh hoạt, học tập trong trạng thái vô cùng tự do, như có thể chọn lớp học, giờ học không theo quy định nào. Hàng tuần, sẽ có những buổi họp để "trưng cầu dân ý" về phương thức hoạt động của trường cũng như biện pháp giúp cho học sinh cảm thấy thoải mái. Ngoài ra, tại ngôi trường tự do này, bài tập, bài kiểm tra hay điểm số sẽ không bao giờ có, chỉ có tiết giảng và các cuộc thảo luận.
 
Thậm chí, nếu muốn thì các bạn học sinh có thể gọi điện để yêu cầu nhà trường tổ chức một buổi thảo luận giữa cá nhân với toàn thể giáo viên, học sinh trong trường. Tất cả các lớp học đều do học sinh điều hành còn giáo viên chỉ đóng vai trò kiểm duyệt.

4. Trường học thời tương lai


Trường học của Tương lai ở thành phố Philadelphia.
Được thành lập vào năm 2006 tại phía Tây thành phố Philadelphia, Mỹ, ngôi trường cấp III này hiện đại và tân tiến đúng như tên gọi. 100% học sinh trong trường đều sử dụng máy tính thay cho sách vở, trong đó môn Toán  được giảng dạy với OneNote, một ứng dụng ghi chú rất hữu ích cho học sinh và sinh viên.
Tất cả học sinh trong trường đều có một thẻ ID điện tử cho phép quản lý dễ dàng từ tủ đựng đồ cá nhân cho đến thời gian biểu học tập. Mỗi khi giảng dạy, giáo viên sẽ sử dụng một loại bảng viết thông minh thay vì kiểu bảng cũ truyền thống với phấn trắng để truyền đạt kiến thức. Giáo viên cũng không sử dụng thang điểm truyền thống để chấm điểm cho học sinh.
5. Trường học ma thuật

Học viên ra trường cũng được cấp bằng công nhận.
Một người đàn ông có tên Oberon Zell Ravenheart đã dành cả đời mình để nghiên cứu bộ môn nghệ thuật bóng tối hay còn gọi là ma thuật. Thậm chí, ông còn tự sắm cho mình trang phục pháp thuật và cây đũa thần. Thật đặc biệt là ngôi trường do ông Oberon làm hiệu trưởng đã được chính thức công nhận là một cơ sở học tập.
Cũng giống như tình tiết trong truyện Harry Potter, trường có 16 khoa gồm như Giả kim, Điều khiển Quái vật, Phòng chống Nghệ thuật Hắc ám, Làm đũa phép hay Niệm thần chú... Học sinh được học trong những phòng học đặc biệt.
Trường Grey School hiện đã tuyển được 735 học sinh, trong đó có 100 người dưới 18 tuổi. Trường dạy theo hình thức online và thường xuyên tổ chức gặp mặt. Thời gian học tập có thể kéo dài trong vòng 7 năm. Khi tốt nghiệp học viên sẽ sở hữu một tấm bằng được công nhận ở... thế giới phép thuật.
6. Trường học đồng tính

Tại trường Trung học Harvey Milk, học sinh đồng tính sẽ không bao giờ bị kỳ thị.
Trường Trung học Harvey Milk được xem là một trong những ngôi trường không chỉ đặc biệt tại New York, Mỹ mà còn ở khắp thế giới. Trường được đặt tên theo chính trị gia Harvey Milk - nhà hoạt động vì nhân quyền và quyền lợi của người đồng tính. Ngôi trường được xây dựng nhằm mục đích dành quyền bình đẳng cho học sinh đồng tính.
Vào năm 2003, ngôi trường này đã bị những người phản đối những người đồng tính chỉ trích nặng nề đến mức phải đối mặt với nguy cơ Chính phủ chấm dứt tài trợ. Tuy nhiên, lượng người ủng hộ trường cũng rất đông đảo và họ đã tổ chức biểu tình đòi lại quyền lợi cho ngôi trường.
7. Trường học tự do chạy nhảy

Được xem là ngôi trường mơ ước của biết bao trẻ em, chuỗi các trường The Tempest Freerunning Academy (tạm dịch: Đào tạo Chạy tự do Năng động) ở Los Angeles là nơi giúp cho trẻ nhỏ có thể chạy nhảy, đạp xe, leo trèo... Đây là nơi giúp học viên tìm thấy niềm hứng khởi trong cuộc sống thay vì những cách thức nhàm chán.
 8. Trường học trên tàu

Bà Inderjit Khurana là người sáng lập ra trường Dịch vụ Xã hội Ruchika (RSSO). Đây là ngôi trường trên tàu đầu tiên tại Ấn Độ đồng thời là nền móng cho sự ra đời của trường học Toa tàu vào năm 1985. Dự án bắt đầu chỉ với một lớp học nhưng sau đó đã thu hút tới 4.000 học sinh trên khắp đất nước Ấn Độ.
Học sinh là những đứa trẻ đường phố, trẻ em lao động và con em các gia đình nghèo khó. Các em tụ tập tại ga tàu để học đọc, viết, âm nhạc, múa rối... Bên cạnh việc dạy học, trường còn cung cấp thực phẩm và thuốc men cho các em.
9. Trường học dưới lòng đất

Ngôi trường nằm sâu dưới lòng đất đã có nhiều năm tuổi.
Trường tiểu học Abo ở thị trấn Artesia, bang New Mexico là trường học ngầm dưới lòng đất đầu tiên và duy nhất ở Mỹ. Khi nguy cơ xung đột hạt nhân với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh dâng cao, tổng thống John F. Kennedy đã cho xây dựng hệ thống hạ tầng ngầm, trong đó có trường học dưới lòng đất để giúp người dân tránh bụi phóng xạ.
Ngôi trường nằm hoàn toàn trong lòng đất với 3 cánh cửa vào bằng thép có khối lượng 800kg. Tất cả các cửa đều được trang bị vòi khử phóng xạ. Theo thiết kế, ngôi trường này có khả năng chống phóng xạ và chịu sức nổ 20 megaton. Nó cũng bao gồm nhà xác, máy phát điện, giếng nước, hệ thống thông gió riêng, các kho dự trữ thực phẩm và thuốc men. Tuy nhiên, vào năm 1995, trường tiểu học Abo phải đóng cửa vì chí phí bảo trì quá cao.
10. Trường học trên thuyền

Lớp học trên thuyền của học sinh Bangladesh.
Tại nơi phải hứng chịu hai đợt bão lũ lớn trung bình mỗi năm như Bangladesh, người dân không chỉ phải sống trong cảnh thiếu thốn điện, nước và các nhu cầu thiết yếu khác mà hầu hết trẻ em còn không thể đến lớp vì trường học bị tàn phá nặng nề.
Để khắc phục tình trạng này, năm 2002, tổ chức phi lợi nhuận Shidhulai Swanirvar Sangstha đã đưa ra ý tưởng tổ chức các lớp học nổi trên thuyền trong mùa mưa bão. 100 chiếc thuyền đã được sử dụng làm nơi dạy học cũng như phương tiện đưa đón cho hơn 7.000 trẻ em Bangladesh.
 SÔNG THAO
Nguồn: Người đưa tin

 

 

 


TAG