Dòng sự kiện:

Những ứng phó của mẹ Việt khi con vòi vĩnh

21:56 03/07/2015
Vòi vĩnh là một trường hợp phổ biến trong quá trình nuôi dạy bé và cũng là tâm lý thường thấy của rất nhiều trẻ em. Trong trường hợp này, thái độ của bố mẹ thế nào là hợp lý?

Chị Nhàn (Xuân Đỉnh-Hà Nội) cho biết, chị đến khổ với tính vòi vĩnh của cậu con trai. Ở nhà không thiếu nhưng cứ thấy cửa hàng bán đồ chơi là cậu lại sà vào, đòi mua siêu nhân cho bằng được. Con lại không biết giữ đồ, siêu nhân nào mua cũng chỉ chơi được 1-2 ngày rồi lại gãy tay, chân..., vứt xó nên chị không muốn mua thêm. Mà không mua thì cháu giãy đành đạch, lăn ra đất ăn vạ. Dọa nạt, dỗ dành không được, cuối cùng chị Nhàn cũng mua.

Tôi không biết từ bao giờ mà con lại có tính vòi vĩnh như vậy. Nhiều lúc đi chơi tôi thấy xấu hổ vì con cứ lèo nhèo suốt dọc đường đòi mua cái này cái kia. Không mua cho miệng nó la hét, chân tay đạp mẹ, lôi quần, lôi áo mẹ vòi vĩnh bằng được. Chị Nga (Hoài Đức- Hà Nội) chia sẻ.

Vòi vĩnh là một trường hợp phổ biến trong quá trình nuôi dạy bé và cũng là tâm lý thường thấy của rất nhiều trẻ em chứ không riêng gì trường hợp như nhà chị Nhàn và chị Nga. Trong trường hợp này, thái độ của bố mẹ thế nào để ứng phó với tật xấu của con?

Nói “không” dứt khoát với sự vòi vĩnh

Trước tiên cần xác định không phải cứ thương con là bạn phải chiều theo sở thích của con, không có nghĩa là con đòi gì thì bố mẹ phải đáp ứng. Bạn nên biết một khi bạn thỏa mãn, đáp ứng tất cả các nhu cầu của bé thì lâu dần, điều này sẽ trở thành một thói quen xấu và hình thành tâm lý “đòi gì được đấy”, nuông chiều thái quá sẽ khiến bé ngày càng leo thang đòi hỏi nhiều hơn, trở nên tự mãn và khó dạy bảo. Nếu không muốn con mình trở nên như vậy, các bậc phụ huynh nên học cách nói “không” một cách dứt khoát với sự vòi vĩnh của trẻ. Bố mẹ nên cho trẻ biết đâu là giới hạn cho phép, và không nên thay đổi quyết định của mình. Điều này cần sự thống nhất của mọi thành viên trong gia đình để tránh trường hợp mẹ không đáp ứng, trẻ liền quay sang mè nheo với bố hoặc bà.

Vòi vĩnh là một trường hợp phổ biến ở những đứa trẻ dưới 6 tuổi.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng cho biết,khi trẻ đã đề nghị bạn một việc gì đó nghĩa là trẻ mong muốn và hy vọng được đáp ứng. Nếu không được đáp ứng, bé sẽ buồn và thất vọng. Vì vậy cha mẹ nên chọn cách nói như thế nào để không làm trẻ buồn, thất vọng.

Trước lời đề nghị của con, cha mẹ nên lắng nghe một cách cẩn thận, chăm chú và dành thời gian suy xét lời đề nghị của bé, kể cả khi biết chắc chắn phải từ chối cũng không nên trả lời "không" ngay lập tức. Tránh việc con vừa nói đã phủi tay một cái: "Thôi. Vớ vẩn, cái này có cần đâu", có thể người lớn không cần nhưng trẻ cần.

Một trong những nguyên tắc khi cha mẹ nói "không" với con là phải xuất phát từ sự chân thành, coi trẻ như bạn. Nhiều khi chính cách nói của cha mẹ khiến trẻ giận hơn. Chẳng hạn, bạn có thể nói: "Con đã có 3 đồ chơi dạng này rồi, mua thêm thành 4, như thế có cần thiết mua ngay bây giờ không".

Bạn hãy phân tích để trẻ hiểu tại sao bạn không muốn đáp ứng yêu cầu của con. Khi bé có thể dự đoán được quyết định của cha mẹ, bạn hãy khẳng định câu trả lời "không". Nếu không được, bạn có thể hướng trẻ vào cái khác, có thể đáp ứng được, lại phù hợp hơn. Hoặc bạn gắn nó với một thời điểm mua khác. Đó có thể là phần thưởng được mua sau khi hoàn thành bài tập, kỳ thi, là phần thưởng do sự nỗ lực của trẻ, chứ không phải cứ muốn là được.

Cha mẹ cần kiên nhẫn trước sự phản ứng của trẻ và không nên quá dễ dàng thay đổi câu trả lời "không" thành "có". Nếu sự không kiên quyết này được lặp đi lặp lại, trẻ sẽ có hiểu rằng bố mẹ có thể thay đổi câu trả lời, những phản ứng như khóc, mè nheo, hờn dỗi... có thể làm thay đổi quyết định của bố.

Không nên nói dối con

Nhiều bậc phụ huynh thường dùng chiêu “Bố/mẹ hết tiền rồi”. Nếu thấy bố mẹ hết tiền thật, bé sẽ thông cảm mà không đòi nữa nhưng nếu bạn chỉ nói cho xong chuyện mà bé lại biết trong ví của bố mẹ vẫn còn tiền và trẻ có nhận thức tốt thì chúng sẽ tiếp tục mè nheo đòi bạn cho bằng được. Trong trường hợp này thay vì nói dối trẻ bạn có thể tâm sự thẳng thắn rằng số tiền này bạn cần phải mua sữa, gạo, đồ ăn cho bé và gia đình. Số tiền dành mua đồ chơi, quà cho bé trong tháng đã hết. Dần dần bé càng lớn, nhận được đúng sai thì bé sẽ hiểu và không còn vòi vĩnh với bạn nữa.

Để trẻ một mình khi ăn vạ

Trong trường hợp bé ăn vạ đòi mua cho bằng được dù bạn đã dỗ dành bé đủ kiểu thì hãy thử cách sau. Bạn bỏ mặc trẻ một lát, có thể trẻ sẽ khóc to hơn để thu hút sự chú ý của bạn, làm bạn lúng túng nhất (là trong trường hợp có nhiều người ở đó) thì bạn phải kiên quyết không thể chiều hoặc xót con, nói cho bé biết nếu bé tiếp tục không vâng lời thì bạn vừa bỏ đi và vừa quan sát bé. Khi bé hiểu điều này không có tác dụng với bạn thì bé sẽ thôi khóc, và không làm bạn mệt mỏi vì sự đòi hỏi của bé

Trước thái độ đòi hỏi của bé, chúng ta cần xem xét đâu là việc có thể đáp ứng, đâu là việc không thể đáp ứng. Nếu không thể đáp ứng thì các bậc cha mẹ phải kiên quyết, nghiêm khắc, điều này sẽ làm trẻ sẽ ngoan và biết vâng lời cha mẹ.

Thiết lập giao kèo rõ ràng

Đối với trẻ ở lứa tuổi này, để đạt được mục đích nào đó, trẻ luôn phải làm nhiều lần, bằng nhiều cách khác nhau và dần rút ra được quy luật thành công. Lúc đầu, trẻ sẽ không biết ở nơi đông người, trẻ dễ dàng vòi vĩnh người lớn vì tâm lý của ba mẹ là sợ "mất mặt". Nhưng sau nhiều lần, trẻ sẽ hiểu được điều đó. Cho nên nếu những lần đầu trẻ đòi mà không được đáp ưng thì sự vòi vĩnh, ăn vạ của trẻ sẽ không xảy ra. Ngoài ra, cũng có một yếu tố nữa là khi đi ra ngoài, trẻ thấy được nhiều thứ mới lạ và yêu thích.


Cần phải có những giao kèo rõ ràng, dứt khoát

Để tránh tình trạng này, cha mẹ cần thiết lập với trẻ những giao kèo rõ ràng

Thứ nhất, khi đến nơi đông người, con không được như thế này, con không được như thế kia.
Thứ hai, cần hạn chế tối đa sự đáp ứng những nhu cầu không cần thiết của trẻ khi trẻ đòi hỏi. Cũng có thể nhờ bạn bè, người thân của mình có mặt trong buổi gặp gỡ cùng hưởng ứng sự "tẩy chay" ấy.

Thay đổi bé một cách từ từ

Nguyên nhân dẫn đến tính vòi vĩnh của con chính là do bố mẹ tạo nên thói quen đòi quà ở con.

Họ biểu lộ tình thương qua những chú gấu bông, đồ chơi điện tử hoặc quà vặt. Họ làm thế để "đền" cho con khi để bé ở nhà một mình hoặc bù đắp thiếu sót vì không có thời gian chăm sóc trẻ. Kết quả, bé quen được cưng chiều và nghĩ rằng càng được người lớn yêu thương thì càng được tặng nhiều quà.

Cũng có trường hợp người lớn có thói quen mua chuộc hoặc thỏa thuận với trẻ như: "Nếu con ngoan, mẹ sẽ mua quà cho". Trong hoàn cảnh này, bé cho rằng tất cả chỉ là vật trao đổi. Quà mà chúng được bố mẹ hứa cho đồng nghĩa với sự ngoan ngoãn và hành động tốt.

Chính vì vậy, trẻ cảm thấy mình xứng đáng được nhận quà và có quyền đòi hỏi. Bé hoàn toàn không nhận thức được hành vi của mình là vô lễ.

Thói quen vòi quà của trẻ rất khó thay đổi trong thời gian ngắn. Thế nhưng, bạn có thể giảm bớt sự vòi vĩnh của con. Thay vì hứa mua đồ chơi, bánh kẹo cho bé, bạn hãy hướng con đến những mục tiêu khác như: "Khi về, mẹ sẽ nấu món rau câu mà con thích" hay "Sau chuyến công tác, mẹ sẽ dẫn con đi xem múa rối nhé!"..

Điều đó không có nghĩa chúng ta loại bỏ hẳn những món quà. Quà sẽ được chuyển sang những dịp đặc biệt như sinh nhật, quốc tế thiếu nhi. Lúc ấy, trẻ sẽ đón nhận món quà với niềm hứng thú và cảm nhận đúng giá trị của nó.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL