Những 'vũ khí lợi hại' dành cho trẻ bị bắt nạt
Khi con trai lớn học lớp hai, vì không có điều kiện đưa đón, nên tôi quyết định chuyển con về trường học gần nhà. Ngày đầu tiên đến lớp, con rất tự tin, nhưng sau một tuần, con nói là không muốn đi học, muốn trở lại trường cũ. Khi tôi hỏi thì con nói con không thích bạn T., bạn ấy toàn trêu con, đánh con. Là một người mẹ, tôi vô cùng lo lắng nên đã tới gặp cô giáo, nhờ cô hỗ trợ và cũng có nói chuyện riêng với bạn T., nhờ bạn T. để ý tới bạn Huy, vì bạn Huy mới đến, chưa quen bạn bè. Nhưng xem ra mọi thứ vẫn không có nhiều tác dụng, vì về nhà con vẫn kể là hôm nay bạn T. trêu con. Cho đến một ngày, con về nhà và hớn hở khoe: Hôm nay bạn T. chơi thân với con rồi, vì con vật tay với bạn ấy, bạn ấy bị thua, con đá bóng cùng đội với bạn ấy, con sút vào hai quả.
Lại đến chuyện con trai bé vào lớp một. Cách đây một tuần mẹ của một bạn trong lớp gọi điện mách là con trai bé bắt nạt một bạn trong lớp bé và yếu hơn mình. Tôi cùng con tìm ra cách giải quyết vấn đề, và cuối cùng con tự nhận ra là mình phải xin lỗi bạn ấy và dũng cảm tới gặp hai mẹ con bạn ấy để xin lỗi. Từ hôm đó tôi có gọi điện hỏi mẹ bạn ấy thì thấy con không còn bắt nạt hay trêu chọc bạn nữa.
Trong hành trình trưởng thành, hầu như đứa trẻ nào cũng từng ít nhất một lần ở trong tình huống bị bắt nạt hoặc trở thành người bắt nạt, bởi vì việc bắt nạt dường như rất phổ biến ở bất cứ trường học nào. Sự nguy hiểm của bắt nạt là ở chỗ nó không chỉ để lại những thương tổn trên cơ thể (trường hợp này thường dễ phát hiện và ngăn chặn), mà còn có thể tạo nên những chấn thương tinh thần lâu dài, ngấm ngầm, ảnh hưởng sâu sắc đến cả sự phát triển thể chất lẫn tinh thần, làm lệch lạc nhân cách của trẻ. Kẻ bắt nạt không chỉ có mặt ở trường học, mà có thể ở chính trong gia đình bạn, thậm chí ở chính bên trong bản thân đứa trẻ.
Giống như trong một đàn gà, con gà bé nhất, yếu đuối nhất, có một khuyết tật trên cơ thể thường bị cả đàn xa lánh, lấn lướt, trong cộng đồng trẻ con, những đứa trẻ yếu đuối, khác biệt, không có khả năng tự vệ rất dễ trở thành nạn nhân, bởi cộng đồng trẻ con đôi khi được tổ chức giống như một cộng đồng bán khai, trong đó tâm lí bầy đàn và bản năng thống trị sẽ trở thành những nhân tố chi phối. Sự can thiệp của người lớn gần như vô tác dụng, bởi cộng đồng này hành xử theo một thứ “luật rừng” mà những quy tắc của thế giới văn minh chưa chắc đã có thể chạm tới.
Vậy chỉ có một con đường duy nhất để chống bắt nạt, đó là gia tăng khả năng chống đỡ và tự vệ của chính đứa trẻ. Vậy làm thế nào để có thể gia tăng nội lực của trẻ, có một vũ khí và chiến lược tự vệ nào đó khiến đứa trẻ của bạn trở nên cứng cỏi để có thể không những bảo vệ mình khỏi bị tổn thương, mà còn có thể tấn công trở lại đối thủ?
Trong cuốn sách Tớ không sợ bắt nạt của Emmanuelle Piquet do Nhã Nam phát hành, tôi đã tìm thấy thứ vũ khí lợi hại đó, hay nói đúng hơn là một nghệ thuật tấn công có thể đánh bại mọi kẻ bắt nạt hung hăng và xảo quyệt nhất, được gọi là “hiệu ứng boomerang” hay “mũi tên kháng cự”, một thứ chìa khóa để suy nghĩ, đối đáp và hành động giúp trẻ trở nên mạnh mẽ, kiên cường để đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân và xoay chuyển tình thế, dựa trên chính sức mạnh của kẻ yếu là lực tác động của kẻ mạnh. Nghệ thuật đó, có thể nói là tuyệt diệu. Tôi ước chi mình biết đến nó sớm hơn, trong khoảng vài chục năm trước, khi tôi còn là một đứa trẻ nhỏ thó, đầu trọc lóc, bị cả trường trêu chọc là Sư đi học. Nếu biết đến thứ vũ khí này, hẳn là tôi đã chẳng phải tốn biết bao nhiêu nước mắt, chẳng đến nỗi phải lao vào liều chết với bọn nó để chứng tỏ lòng can đảm của mình.
Bằng cách đưa ra những tình huống cụ thể của những đứa trẻ bị bắt nạt, những lời khuyên và quy trình phòng thủ và tấn công với những trường hợp thật cụ thể, cuốn sách thực sự đã trao cho trẻ một kỹ năng hữu ích để trưởng thành. Đó không chỉ là nghệ thuật chống bắt nạt, mà còn là nghệ thuật chiến thắng nỗi sợ hãi, chiến thắng bản thân để trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn trong cuộc sống.
Tớ không sợ bị bắt nạt là một cuốn sách chứa đựng thông tin mà bất cứ ai đã từng bị bắt nạt hoặc biết đến bắt nạt cần trang bị cho mình. Với những tình huống phổ biến nhất và những nghiên cứu dựa trên sự phát triển tâm lý của con người, tác giả cuốn sách - bác sĩ tâm lý Emmanuelle Picquet đã đưa ra 15 giải pháp cho những trò bắt nạt thường thấy nhất, giúp các em có thể tự bảo vệ mình đồng thời dễ dàng tìm đến sự trợ giúp từ phía gia đình và nhà trường. Bên cạnh đó, những hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh của họa sĩ Lisa Mandel chắc chắn sẽ giúp các em có cái nhìn đầy màu sắc để tự tin, dũng cảm chống lại nạn bắt nạt, bảo vệ quyền lợi của chính mình. |
Tiến sĩ Văn học Nguyễn Ngọc Minh
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Con đi học bị bắt nạt: Nên dạy trẻ đánh lại hay im lặng chịu thiệt?
- 5 lời khuyên tốt nhất dành cho các mẹ có con hay bị bạn bè bắt nạt
- Bé trai 3 tuổi hùng hổ cầm gậy sắt bảo vệ bà khi bị 'bắt nạt'
- Thái Lan: Người đàn ông đánh đập dã man cậu bé 7 tuổi vì tội bắt nạt con trai mình
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua