Dòng sự kiện:

Nỗi khổ của người đồng tính trong xã hội Hồi giáo

23:17 26/08/2015
Trên sân khấu, Asifa Lahore luôn vào vai nam giả nữ để được là chính mình, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi.

Asifa Lahore nhận ra mình là người đồng tính từ lúc còn nhỏ, nhưng vẫn chọn cách lớn lên như một thằng con trai. Hệ tư tưởng Hồi giáo đã thấm sâu vào anh, không dễ gì gạt bỏ để sống đúng với giới tính của mình. 

Asifa đã giữ im lặng cho đến năm 23 tuổi. Khi thú nhận giới tính thật với cha mẹ, lập tức anh được gia đình đưa đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, bác sỹ nói rằng không thể kê bất kỳ đơn thuốc nào với tình huống này, Asifa vội chạy đến nhà thờ Hồi giáo và nói chuyện với vị linh mục đáng kính mà anh yêu mến. Anh được khuyên bảo lựa chọn một trong hai điều, kết hôn với một cô gái hoặc sống độc thân đến hết đời.

"Đồng tính là điều không hề tồn tại trong văn hóa Hồi giáo. Mọi người cứ nghĩ rằng nếu tôi yêu một cô gái, mọi chuyện rồi sẽ ổn thỏa, nhưng đến một ngày nhỡ tôi thích một anh chàng nào đó thì sao?". Đã từng bị ép kết hôn, nhưng Asifa không đồng ý, chỉ đơn giản vì anh không muốn phá hoại cuộc đời cô gái đó. 

Từ khi còn niên thiếu, Asifa đã tỏ ra là một người mạnh mẽ, luôn chủ động trong những quyết định lớn liên quan đến cuộc sống của anh. Dù cha mẹ muốn anh trở thành một nhà khoa học hay bác sỹ nhưng Asifa lại đam mê nghệ thuật. Năm 16 tuổi, được trường Biểu diễn nghệ thuật BRIT nhận vào học, cậu thiếu niên nhỏ nhắn đã mất rất nhiều thời gian để năn nỉ bố mẹ.

Sau nhiều năm, mẹ anh cuối cùng cũng chấp nhận việc con trai mình là người đồng tính. Năm anh 26 tuổi, thậm chí bà đến tham dự buổi lễ kỷ niệm của anh cùng người yêu. Nhưng cha của Asifa vốn là một người bảo thủ. Hai cha con đã không nhìn mặt nhau từ nhiều năm nay.

Năm 27 tuổi, Asifa biết đến nghệ thuật cải trang giả gái khi một diễn viên bỏ vai vào phút cuối và anh tình nguyện thế chỗ. Ban đầu, vai diễn như một trò đùa, nhưng anh cảm thấy mình dần thấu hiểu nội tâm của cô gái trong màn kịch. Vai diễn đã đưa Asifa quay ngược thời gian về thời điểm anh còn là một đứa trẻ và say sưa ngắm nhìn mẹ vận sari (trang phục truyền thống của phụ nữ đạo Hồi). Lúc đó, cậu bé Asifa đã nghĩ, một ngày nào đó, mình sẽ công khai giới tính, sẽ vận một chiếc sari và sống thật hạnh phúc. 

Với anh, giả gái là một kỷ niệm đáng nhớ. Sau lần đó, Asifa quyết định tham gia cuộc thi Drag Idol (Cuộc thi dành cho những người đàn ông giả gái) và đã đạt giải đồng vào năm 2011. Trong các buổi giao lưu, anh bắt đầu chia sẻ về cuộc đời của mình, một người đồng tính Hồi giáo. Asifa liên tục nhận được nhiều lời đe dọa sẽ tước đoạt tính mạng hoặc đốt nhà nếu anh vẫn tiếp tục hóa thân thành những cô gái trên sân khấu.

Asifa cũng bị những người Hồi giáo lớn tuổi luôn lên án vì trở thành một "ngôi sao cải trang". Nhưng những người trẻ tuổi mà anh gọi là “Cộng đồng Zayn Malik” lại ủng hộ anh nhiệt tình. Trang cá nhân của anh thu hút số lượng lớn người theo dõi, đa phần là phụ nữ Hồi giáo, những người yêu thích sự quyến rũ và nghệ thuật trang điểm của bộ môn cải trang giới tính. 

Ngay cả những khán giả không theo đạo Hồi đôi lúc cũng thấy bối rối khi Asifa xuất hiện trên sân khấu trong bộ burga (trang phục truyền thống dành cho phụ nữ Hồi giáo, che kín từ đầu đến chân chỉ để lộ đôi mắt). Và, anh cởi phắt lớp áo ngoài, để lộ một chiếc sari, rồi lại lột bỏ sari phơi bày chiếc váy ngắn gợi cảm. Thông thường, trước màn biểu diễn này, một nửa khán giả tỏ vẻ khó chịu, nhưng nửa còn lại reo hò vô cùng thích thú. 

Trong thế giới Hồi giáo, những trường hợp như Asifa không phải là hiếm gặp. Những người lớn lên cùng hệ tư tưởng Hồi giáo luôn sợ hãi "căn bệnh" đồng tính. Chính vì vậy mà đa số người Hồi giáo đồng tính vẫn phải giữ bí mật để tránh sự lên án của cộng đồng. Họ chỉ âm thầm sinh hoạt trong một câu lạc bộ đồng tính mang tên gaysian. Asifa cũng chỉ tiết lộ giới tính của mình với bố mẹ và các thành viên trong câu lạc bộ: "Mỗi tháng, chúng tôi chỉ gặp nhau 5 tiếng trong câu lạc bộ, đó là thời gian duy nhất để những người bạn của tôi được là chính mình".

SÔNG THAO

Nguồn: Người đưa tin

 

 

 


TAG