Dòng sự kiện:

Nữ tiến sĩ cấm con sử dụng Facebook khi dưới 15 tuổi

17:02 06/11/2015
Luôn giữ tình trạng kết bạn với cha mẹ, khi bị phạt phải chấp nhận khóa Facebook theo thời gian thỏa thuận là những quy định của TS Vũ Thu Hương với con gái.

Tâm sự thấm thía của bà mẹ từ bỏ Facebook vì muốn làm mẹ tốt hơn Chia sẻ nuôi dạy con thấm thía của các mẹ trên Facebook tuần qua Bài học dạy con "đắt giá" được chia sẻ nhiều trên facebook tuần qua

Gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều vụ việc liên quan tác động qua lại giữa Facebook và cuộc sống thực. Dường như mạng xã hội đã không chỉ nằm trên máy tính, điện thoại nữa. Những tác động của nó ngày càng khôn lường.

Tháng 7 năm nay, một nữ sinh lớp 12 tại Thạch Thất (Hà Nội) tự tử chỉ vì bị ghép ảnh nóng và tung lên Facebook. Những hình ảnh ảo đó đã giết chết một con người có thật. Như vậy, những thứ chúng ta chia sẻ trên trang Facebook có lẽ là không thể được coi là hoàn toàn vô hại.


TS Vũ Thu Hương chia sẻ về cách sử dụng Facebook có văn hóa.

Ngày 3/9, học sinh lớp 3 trường Vstar ở TP HCM bị nhà trường buộc thôi học vì mẹ có những lời lẽ thiếu tôn trọng nhà trường trên Facebook. Người lớn ai cũng cho là mình đúng. Tuy nhiên, người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất chính là đứa trẻ, chứ không phải người lớn liên quan.

Mạng Facebook đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của rất nhiều người Việt. Những lợi ích do mạng xã hội mang lại không có gì phải bàn cãi. Đó là sự kết nối không giới hạn, sự gần gũi, sẻ chia và cũng là cầu nối thông tin giữa mọi người.

Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội cũng không nhỏ. Đám trẻ lớn dần lên với tác động cả ảo lẫn thật của Facebook. Chúng nhiễm thói quen chửi bậy của người lớn ở ngoài đời và mang lên Facebook sử dụng. Những bài chia sẻ tục tĩu, những lời nhận xét thiếu nghiêm túc, thậm chí vô văn hóa có sức lan tỏa lớn và là một trong những yếu tố gây suy giảm đạo đức xã hội.

Riêng với con gái, tôi không cho phép cháu được sử dụng Facebook trước khi tròn 15 tuổi. Khi bắt đầu được sử dụng, cháu phải ký vào bản cam kết với cha mẹ: Luôn giữ tình trạng kết bạn với cha mẹ. Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, lịch sự khi tham gia Facebook. Không sử dụng Facebook để công kích, chỉ trích bất kể ai hay chính sách gì của Nhà nước. Sử dụng Facebook trong thời gian giới hạn theo quy định rõ ràng. Khi bị phạt phải chấp nhận khóa Facebook theo thời gian thỏa thuận với cha mẹ.

Với những mặt trái của Facebook cũng như các mạng xã hội và trang web khác, chúng ta cần một số biện pháp nhằm giảm bớt những tác hại của chúng tới cuộc sống thật đằng sau những màn hình. Theo tôi, đó là những nguyên tắc mà chúng ta có thể quy định cho chính mình và con cái: Không đưa những thông tin cá nhân lên Facebook, đặc biệt thông tin về địa chỉ, thân thế, nơi làm việc thực tế ngoài đời. Không đưa các đánh giá, nhận xét về những vấn đề lên các trang mạng xã hội khi chưa có nghiên cứu nghiêm túc, xác thực.

Không sử dụng ngôn ngữ thiếu lành mạnh khi bình luận hay đăng các bài viết trên mạng xã hội. Không phê phán, chỉ trích, xúc phạm cá nhân và tập thể trên mạng xã hội.

Không chia sẻ ảnh của người thân, đặc biệt ảnh nhạy cảm của trẻ nhỏ. Điều này có thể sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho chính các em bé. Có những quy định rất cụ thể về việc trẻ nhỏ sử dụng mạng xã hội theo độ tuổi, trình độ học vấn và nhận thức của các cháu.

Ngoài ra, theo tôi, các cá nhân và tổ chức phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Có lẽ đã đến lúc cần có những điều luật rõ ràng để xử lý những hành vi cư xử và bình luận không đúng đắn trên mạng xã hội.

Nếu các cơ quan có thể sử dụng những bài viết, lời bình luận này như vật chứng để xử phạt trong các tình huống cụ thể thì chắc chắn những tác động xấu của mạng xã hội sẽ giảm đi đáng kể.

Theo Zing

[mecloud]QdQoltXFDk[/mecloud]