Nuôi dạy con theo mạng: Con hư cũng bởi... 'quân sư'
Ngược lại, với mớ kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, phụ huynh cũng có thể làm “chuyên gia” tư vấn cho nhau, nhất là trong nhóm được kết nối trên mạng xã hội. Thực tế, việc nuôi dạy con theo mạng mang lại lợi ích hai chiều như thế nhưng tác hại đa chiều, người lãnh đủ là đứa trẻ.
Bác sĩ chẳng hiếm, “lang băm” cũng nhiều
Những lời chúc lành đầu năm, xem ra không linh nghiệm với chị Kim Ánh (27 tuổi, nhân viên tư vấn bảo hiểm ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vì từ đầu tháng Giêng, con trai hai tuổi rưỡi của chị bị sốt, ói, tiêu chảy liên miên. Nghi ngờ chẩn đoán và không tin tưởng chuyên môn của bác sĩ tuyến quận, chị ôm con vào khám tại BV Nhi Đồng 1. Đường ruột của bé có vấn đề, nguyên nhân không phải vì ăn nhầm thực phẩm ôi thiu mà chính vì chị đã lạm dụng men tiêu hóa cho bữa ăn hằng ngày của con.
Bé nhà chị vốn biếng ăn, bữa ăn của bé thường là “sô diễn hát bội” của chị và mẹ chị, có khi thêm chồng chị phụ họa. Các giải pháp cũ như múa hát, vỗ tay, chọc cười, bật chương trình quảng cáo trên ti vi… mãi cũng bị lờn, chị Kim Ánh nảy ra sáng kiến đút bé ăn trên… xe buýt vì bé rất mê phương tiện này. Hình ảnh đút con ăn trên xe buýt cùng dòng tâm sự bức bối, khổ tâm vì con biếng ăn được chị Ánh chia sẻ trên một trang web nổi tiếng dành cho các mẹ.
Tức thì có nhiều chị em đồng cảnh cùng nhảy vào “bán than”. Một số chị đã vượt qua được ải này nhờ bí kíp riêng, trong đó, chị Ánh tâm đắc nhất với bí kíp cho con dùng men tiêu hóa để kích thích ăn uống, đồng thời khắc phục chứng tiêu phân sống. Thực đơn kết hợp cơm, sữa và men tiêu hóa phát huy hiệu quả với bé trong vài ngày đầu nên chị Ánh duy trì, khi chị trở lại công việc thì mẹ chị trực tiếp chăm sóc cháu, cũng áp dụng “y bài”.
Thành công, thế là mạnh mẹ, mẹ chia sẻ trên facebook, mạnh bà, bà mách các phụ huynh, vú em cùng chung cư. Khi được hỏi về tác hại nếu tự ý cho bé dùng men tiêu hóa thường xuyên, chị Kim Ánh khẳng định: “Men tiêu hóa không phải là thuốc nên đâu cần uống theo toa bác sĩ. Các bà mẹ khác cũng cho con uống suốt, chẳng hề gì, mà bé to béo thấy ham. Không tin, vào mạng mà coi!”.
Tuy nhiên, “thấy ham” thì chưa mà “thấy lo” đã rõ khi bé bị rối loạn tiêu hóa: sốt, ói, đi ngoài phân nước, lúc lại táo bón khiến bé càng xanh xao, èo uột. Lạm dụng men tiêu hóa khiến cơ chế sản sinh men tự nhiên của cơ thể bị đình trệ. Sự cân bằng vi khuẩn có ích trong cơ thể bị phá vỡ, vi khuẩn xấu gia tăng gây nguy hiểm về sức khỏe cho trẻ. Bác sĩ giải thích đến đâu, chị giận… “các mẹ ảo” đến đấy và nhất là giận mình.
Cũng vì góp nhặt “lời vàng ý ngọc” của các mẹ trên mạng, chị Đông Nguyên (35 tuổi, ở Q.4, TP.HCM) không những hại con mình mà còn gây sóng gió trong mối quan hệ vợ chồng. Trước đây, khi bó tỏi vào chân con gái để chống lại bệnh viêm phế quản, kết quả là bệnh diễn tiến nặng thành viêm phổi và chỗ đắp tỏi bị bỏng da, chị Đông Nguyên bị chồng la một trận, cấm nghe lời “lang băm” trên mạng.
Mới đây, để đối phó với bệnh viêm hô hấp của con, chị thường xuyên nhỏ nước muối vào mũi, vào họng con nhưng thay vì mua chai nước muối nhỏ dùng một vài lần, chị mua lọ nước muối to, rồi lại chiết ra chai nhỏ sử dụng cho… lợi. Đầu óc “kinh tế” này chị có được qua chia sẻ của một bà mẹ trên mạng. Tuy nhiên, chị Nguyên càng nhỏ nước muối, bé càng ho, sổ mũi xanh, vàng.
Áp lực công việc, tài chính xuống dốc cộng với chuyện con đau ốm liên miên, chồng chê trách chị dở tệ, so sánh với “vợ người ta”. Chị đùng đùng trút xả uất ức của người từng hy sinh sự nghiệp vì chồng con, nhưng không được chồng thấu hiểu, ghi nhận. Bức xúc, mẹ chị cũng “tham chiến”, chỉ trích chàng rể gia trưởng, vô tâm, khoán trắng việc nhà cho vợ, kể lể con gái mình đã chịu thương chịu khó, đã chi tiêu tiết kiệm đến nỗi mua chai nước muối nhỏ cho con cũng phải tính toán.
Nghe chuyện, biết chị Nguyên lại học sách mạng, chồng tức điên, mắng chị “ngu” và phân tích, san sớt chai nước muối như thế không tránh khỏi vi khuẩn, vi trùng bám vào, sử dụng cho bé càng nguy hại. Không dễ dàng để yên khi chồng đổ lỗi, xúc phạm, chị Nguyên chống chế rằng bé bị bệnh vào thời điểm này chỉ do trùng hợp ngẫu nhiên chứ không phải vì sử dụng nước muối. Không ai chịu ai, chiến tranh lạnh nổ ra, mẹ chị Nguyên tự ái, bắt xe về quê, giao cháu lại cho hai vợ chồng tự lo.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Con hư cũng bởi... “quân sư”
Trên mạng có tất cả “thượng vàng, hạ cám”. Bạn sẽ không biết đâu mà lần nếu thiếu kiến thức nền tảng và kỹ năng chọn lựa, sàng lọc thông tin. Niềm tin sai lầm đặt lên người lớn thì còn có cơ may phản hồi, xoay chuyển, còn đối với đứa trẻ thì hứng trọn. Có người ví von việc nuôi dạy con theo mạng lợi hại như việc “vào rừng hái thuốc”, một chút sai sót, nhầm lẫn của phụ huynh cũng có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng đối với con mình.
Trên mạng đâu chỉ có những dòng tâm sự, tư vấn vô hại hoặc ít hại dạng mẹo ăn cắp trái lựu để thai phụ sinh con ra có má lúm đồng tiền hay nhầm lẫn vỏ tôm chứa nhiều canxi hơn thân tôm… Có những quyết định quan trọng sinh tử nhưng phụ huynh lại dựa trên chỉ dẫn của một nickname ba không: không hề quen biết, không có chuyên môn, không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào về lời nói của mình. Hậu quả sẽ càng tăng cao khi “chuyên gia ảo” ấy có ác tâm, có động cơ lừa đảo. Ngay cả trường hợp phụ huynh tiếp cận được thông tin từ một trang mạng chính thống, uy tín với chuyên gia là nhà tâm lý, bác sĩ giỏi, nổi tiếng thì nội dung tham vấn chưa hẳn đã phù hợp với con bạn ở tình trạng đó, thời điểm đó.
Và chắc gì phụ huynh có thể hiểu đúng, hiểu đủ và áp dụng phù hợp với con mình. Nếu bạn lướt trên mạng thì khả năng quay lại để đọc thông tin tiếp nối là rất thấp, dễ bỏ lỡ những phản hồi, điều chỉnh trường hợp đã đưa thông tin phiến diện, thiếu chính xác. Những lời khuyên khiếm khuyết kia “định cư” trong đầu óc bạn, trở thành kiến thức, vốn sống, trở thành lời nói, hành động khi xử lý những vấn đề của mình, của con.
Hiệu ứng của lời khuyên thật khó đoán, phụ thuộc rất nhiều vào tính cách, trải nghiệm, cảm xúc của người nhận. Chị Huyền Vân (29 tuổi, kế toán một công ty xây dựng ở Q.Tân Bình, TP.HCM) thường tiếp cận vấn đề bằng tâm thế âu lo, sợ sệt, giai đoạn mang thai lại càng căng thẳng. Biết mình hay suy nghĩ tiêu cực, vào thời gian rảnh, chị thường lên các trang mạng cho khuây khỏa. Nhưng càng đọc, chị càng lo lắng.
Nghe cư dân mạng “bình loạn” về khả năng thai nhi có thể bị ngộp khi vợ chồng ân ái, chị Vân phát hoảng và “cấm cửa” chồng. Chồng chị trấn an không được, đưa đến bác sĩ tư vấn về tình dục lúc mang thai thì chị Vân cãi bác sĩ quyết liệt: “Vợ chồng quan hệ làm tổn hại đứa bé mà, trên mạng nói thế!”. Sinh bé, chị Vân truy cập mạng để xem từ cách mặc tã, thoa dầu, cho bú đến chích ngừa, chữa trị bệnh. Bé độ ba tháng, thường quơ quơ, chòi chòi tay chân, chị rất lo ngại và chia sẻ điều này trên facebook.
Có bà mẹ cho đó là hoạt động bình thường và đáng yêu của bé, có bà mẹ thản nhiên bình luận đầy quan ngại, nhắc đến những căn bệnh lạ của trẻ thời hiện đại, hội chứng tự kỷ và khuyên chị Vân nên đưa con đi kiểm tra để có thể can thiệp sớm. Sau mỗi lời khuyên như thế, đứa bé lại bị mẹ “hành”, bồng bế đi gặp khắp mặt chuyên gia (cũng do các mẹ ảo điểm chỉ).
Ân nhân của mẹ chính là “kẻ thù” của con không chỉ trong việc nuôi mà còn dạy con. Bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi lên ba, bé thường nằm vạ khi đòi hỏi hoặc cáu giận. Cũng từ “sách” của một người mẹ quen trên mạng, chị Vân xốc nách con giam vào phòng tối, mặc bé gào khóc. Khi chồng chị Vân phản đối thì chị tham khảo ý kiến của các mẹ ảo và đổi bài. Khi bé nằm vạ, chị chỉ vào mặt bé, nói: “Mày không ngoan, tao không thương mày nữa!” và phớt lờ, không nhìn con, ghẻ lạnh với con, gỡ tay, phủi bé ra khi bé nhào đến ôm. Nếu bé làm dữ thì hù ông kẹ, dọa ma bắt hoặc đánh để trấn áp. Kết quả, bé ngày càng cáu kỉnh, lì đòn, ít cười nói và không thích lại gần mẹ như trước kia.
Khi hai con được chín tuổi và năm tuổi, tình trạng ngủ chung trở nên vô cùng bất tiện, vợ chồng anh Minh Thành (41 tuổi, thầu xây dựng ở H.Nhà Bè, TP.HCM) quyết tâm dời hai con ra ngủ phòng riêng sau nhiều lần bất thành vì chúng quá đeo bám mẹ. Lần dò trên mạng, anh Thành thấy có ông chồng dùng chiêu độc là trang bị ti vi xịn, đồ chơi điện tử, máy tính bảng, điện thoại thông minh đặt trong phòng riêng để tăng sức hấp dẫn, chiêu dụ con “ra riêng”. Giải pháp nhà người cũng hiệu nghiệm đối với nhà anh Thành, các con vui vẻ, hào hứng ôm gối sang phòng. Nhưng chỉ một thời gian, vợ chồng anh Thành tá hỏa khi biết sự thật sau khi cánh cửa phòng riêng của hai con khép lại.
Con trai nhỏ chơi điện tử tới khuya đến ghiền, đầu óc đông đặc hình ảnh đánh đấm bạo lực, mắt thì bị cận thị. Con gái lớn ở tuổi tò mò truy cập mạng suốt đêm, vào cả trang web đen. Có lần không hiểu sao bé lại gửi đường dẫn web đen ấy vào facebook của một bạn nam chung lớp (bạn xài ké tài khoản của cha mẹ).
Phát hiện được, cha của bạn nam mắng chửi, dọa đánh bé. Trước sự việc con gái tí tuổi đầu đã “hư”, anh Thành không giữ được bình tĩnh, đã đánh mắng con thậm tệ. Bé học sa sút thấy rõ, tỏ thái độ bất mãn, chống đối ngầm và bất hợp tác khi bị bắt ép trở lại ngủ chung để cha mẹ dễ bề kiểm soát. Bé đùng đùng ôm gối xuống bếp ngủ với… mèo thì cũng là lúc vợ chồng anh Thành loay hoay trên mạng tìm phương cách đối phó với “ngựa chứng” nhà mình.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Những lỗi lầm cha mẹ thời hiện đại thường mắc khi nuôi dạy con
- Nuôi dạy con trong độ tuổi teen thế nào để trẻ ngoan ngoãn, khỏe mạnh
- 19 lời khuyên từ Maria Montessori giúp bố mẹ nuôi dạy con tốt hơn
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua