Dòng sự kiện:

Ồ ạt "xuất xưởng" lợn biến đổi gen, thiệt hại khôn lường!

18:43 03/10/2015
Các nhà khoa học cảnh báo, lợn hay động vật biến đổi gen có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người.

 

 

 

 


Sau Scotland đến lượt Trung Quốc lai tạo thành công lợn biến đổi gen có kích thước nhỏ nhắn phục vụ nhu cầu nuôi lợn cảnh.
Nguồn gốc của những con lợn biến đổi gen này là giống lợn ỉ hay còn gọi là lợn Bama, nặng từ 35-50kg, thường được sử dụng làm vật thí nghiệm trong nghiên cứu khoa học hoặc để lấy nội tạng. Qua bàn tay "phù phép" của các chuyên gia giải mã gen - viện Gen Bắc Kinh (BGI), lợn Bama được chuyển hóa thành một giống lợn mini chuyên dùng làm mô hình chữa bệnh cho con người. 
Tuy nhiên, nhằm gia tăng lợi nhuận, BGI đã "sản xuất" giống lợn cảnh, đáp ứng nhu cầu nuôi thú cưng "độc - lạ" của những người hiếu kỳ. Theo tính toán, một chú lợn cảnh trưởng thành nặng khoảng 15kg và có giá 1.600 USD (khoảng trên 33 triệu đồng). Tuy nhiên, nếu muốn, khách hàng hoàn toàn có thể sở hữu một "bản thể" lợn cảnh với bất kỳ kích thước, màu lông nào.

 
Thành quả của BGI vừa được công bố tại hội nghị thượng đỉnh Công nghệ sinh học quốc tế Thâm Quyến diễn ra ngày 23/9. Ngay tức khắc, giới khoa học dấy lên mối quan ngại về hậu quả của các sản phẩm biến đổi gen đối với môi trường và sức khỏe con người. 

Jens Boch, chuyên gia di truyền tại đại học Martin Luther Halle-Wittenberg, Đức nhấn mạnh: "Đây là vấn đề nghiêm trọng tác động đến đời sống, sức khỏe và hạnh phúc của các loài động vật khác trên hành tinh". Trước đây, chính Jens đã từng say mê phát triển các kỹ thuật chỉnh sửa gen để tạo ra các giống lợn mới, nhưng ông đã thay đổi quan niệm. 

Còn các chuyên gia trong lĩnh vực Đạo đức sinh học tất nhiên phản đối việc "sản xuất" lan tràn động vật biến đổi gen sau khi phát hiện các giống cừu hay lợn biến đổi gen đều gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, họ không có cách gì ngăn cản xu hướng biến đổi gen đang lan tràn trên thế giới, nhất là khi người ta nhận thấy khả năng "sinh lời" của nó. 

Không chỉ Trung Quốc, Scotland cũng đạt được nhiều bước tiến táo bạo về giải mã di truyền. Sau khi ra mắt chú cừu nhân bản vô tính Dolly vào ngày 5/7/1996, các nhà khoa học tại viện Roslin tiếp tục "trình làng" một thành quả khác cũng gây tranh cãi không kém: Những chú lợn biến đổi gen mang tên "Lợn 26". Nếu như cừu Dolly ra đời chỉ nhằm mục đích nghiên cứu thì lợn biến đổi gen được tạo ra với mục đích thương mại. Khi đàn lợn 26 đủ tuổi "xuất chuồng", những miếng thịt lợn biến đổi gen sẽ xuất hện trong khắp các siêu thị. 

Ngoài lợn biến đổi gen, cá hồi biến đổi gen cũng hứa hẹn mang đến nguồn thu lớn. Năm 2014, cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã cân nhắc độ an toàn của cá hồi biến đổi gen, một sản phẩm của AquaBounty Technologies Inc (trụ sở tại Boston). Công ty này đã đệ đơn xin cấp phép lên FDA từ giữa những năm chín mươi tuy nhiên vẫn chưa được thông qua. 

Ngược lại với sự nôn nóng của các chuyên gia giải mã di truyền học kiêm kinh doanh sản phẩm biến đổi gen, giới khoa học luôn cảnh báo, thế hệ tương lai có thể gặp "thảm họa" nếu chúng ta can thiệp "thô bạo" vào tự nhiên, trong đó có việc phổ biến thực phẩm biến đổi gen, bao gồm cả động vật và các loại rau củ quả. 

SÔNG THAO (tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Xem thêm:

[mecloud]DX7deHZbhD[/mecloud]