Dòng sự kiện:

PGS Văn Như Cương: Một người thày đặc biệt

12:13 10/10/2017
Đúng 10 năm trước, tôi có cuộc phỏng vấn đầu tiên với PGS Văn Như Cương. Giống như hình ảnh đáng mến trên giảng đường, PGS trò chuyện với tôi nhiệt tình, hồn hậu và đặc biệt hài hước.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi đầy ắp tiếng cười về chất "ông đồ xứ Nghệ" của thày, về những năm tháng khó khăn vất vả sống và dạy học trong thời bao cấp, cả những quan điểm giáo dục của ông.

Thày giáo toán giỏi văn

Sinh ra ở vùng đất hiếu học Quỳnh Lưu, Nghệ An, bố là một ông đồ nên từ nhỏ, cậu bé Văn Như Cương đã rất chăm học. Nhớ lại ký ức của những ngày bắt đầu rèn chữ gần bảy mươi năm trước, PGS chia sẻ với tôi, làng ông nghèo, chẳng đủ đất để làm nông, chỉ có một cách kiếm sống duy nhất là phải học chữ, chỉ có học thật giỏi mới mong đổi đời.

TS Lê Thống Nhất, người đồng hương, đồng thời cũng là học trò cưng của thày kể lại, thời đi học thầy học giỏi cả hai môn toán và văn nhưng thày đã coi toán là xương cốt còn văn là da thịt của cuộc sống. Cha của thầy gợi ý hai lựa chọn để thầy theo đuổi, hoặc sư phạm hoặc kỹ thuật, nhưng thầy quyết tâm chọn đi vào con đường dạy học.

PGS Văn Như Cương và tác giả bài viết

Năm 1954, học xong phổ thông, thày ra Hà Nội học khoa toán, Trường ĐH Sư phạm với ước mơ sẽ làm thầy giáo dạy toán. Tốt nghiệp ra trường, dạy toán ở Hà Nội một thời gian, theo tiếng gọi của GS Nguyễn Thúc Hào, người thày mà PGS Văn Như Cương yêu quý nhất, PGS đã cùng thầy của mình vào xây dựng Trường ĐH Sư phạm Vinh. Từ đây, thày được cử đi học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ) và bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ vào năm 1971.

Về nước, thày trở về giảng dạy ở tổ hình học, khoa toán, Trường ĐH Sư phạm Vinh. Các thầy cô và sinh viên Trường ĐH Sư phạm Vinh thủa ấy không chỉ nhớ tới thày Cương như một giảng viên giỏi, dạy rất dễ hiểu, thường ví von kiến thức toán với những điều trong cuộc sống mà còn mê giọng hát cũng như tinh thần thể thao của mình. 

PGS Cương có niềm đam mê đặc biệt với đọc sách và viết sách, suốt cuộc đời mình, ông đã xuất bản trên 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông, giáo trình đại học, và nghiên cứu về toán học với tư cách chủ biên hoặc đồng tác giả. Năm 1975, thầy đã dịch cuốn "Đối thoại về toán học", năm 1987 cùng với GS Hoàng Xuân Sính, Đoàn Quỳnh biên soạn cuốn "Đại số tuyến tính và hình học"….

Không chỉ giỏi toán, PGS Văn Như Cương còn được biết đến với tài văn chương. Ông viết nhiều câu đối, làm nhiều thơ, đặc biệt là thơ Đường luật. Nổi bật trong thơ ca của PGS Cương là sự hài hước, hóm hỉnh. Ngay cả khi làm thơ về toán ông cũng viết rất hóm. "Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn/ Mong rằng toán học bớt khô khan/ Em ơi! Trong toán nhiều công thức/ Cũng đẹp như hoa lại chẳng tàn".

Thầy Văn Như Cương là người đã mở đường cho việc hình thành các trường dân lập Ảnh: XUÂN TRUNG 

Mở đường cho các trường dân lập

PGS Văn Như Cương một sự nhạy bén đặc biệt với những đổi mới. Sau Đại hội Đảng VI, đổi mới đã len vào mọi ngành nghề, trừ giáo dục. PGS kể lại hồi đó ngành giáo dục bê bết, học sinh bỏ học ngày càng nhiều, giáo viên bị nợ lương nhiều tháng, không ít người không chịu nổi đã tính đến việc nghỉ dạy.

Nguyên nhân của sự xuống dốc không phanh ấy chính là khả năng điều hành quá kém của các nhà quản lý. Và chính thời điểm ấy, PGS Cương quyết định cùng một người bạn vong niên của mình là Nguyễn Xuân Khang, giảng viên của Trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội), đứng ra mở trường tư thục. Ý tưởng của hai người đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó, GS Phạm Minh Hạc, ủng hộ.

Nói về mình, GS Văn Như Cương ngắn gọn, nghề chính là gõ đầu trẻ và làm toán. Nghề chính? Thế còn nghề phụ? Ông cười, rất hài nước, cũng nhiều, ví như nuôi lợn chẳng hạn. Nhắc đến Văn Như Cương, người ta thường nhắc đến giai thoại tiến sĩ và... lợn. Năm 1971, sau khi học ở Liên Xô về, mang tiếng là phó tiến sĩ nhưng lương chẳng đủ ăn, ông liền cùng vợ quây mảnh sân nhà làm chuồng nuôi lợn. Mỗi tháng, trừ các loại chi phí rau cám, chú lợn của ông cũng đem lại cho chủ 70 đồng, bằng đúng lương giảng viên của chủ. Bạn bè đến chơi, có người cám cảnh, nhưng ông chỉ cười, nhà có hai phó tiến sĩ đấy, một tôi, một lợn. Nhưng rồi lợn cũng chỉ nuôi được 2 - 3 lứa là phó tiến sĩ hết tiền mua thức ăn, đành phải bán sớm. Lại có người đến chơi hỏi sao ông cho nó “bảo vệ” sớm thế, lần này ông cười, vẫn rất hài hước, hết đề tài (rau cám) nên tôi cho nó “bảo vệ” sớm chứ sao!

Có quyết định thành lập trường nhưng lại không có vốn, không có thày, không có cơ sở vật chất, tóm lại là không có đủ thứ. Nhưng sự quyết tâm của hai thầy giáo đã được đền đáp bằng sự tin cậy của các phụ huynh. GS Văn Như Cương từng chia sẻ, nếu năm đầu tiên có trên 100 học sinh là được, dưới 100 là đóng cửa trường.

Thế nhưng không ngờ có tới hơn 1.000 em đăng ký vào trường, đến nỗi các thày phải tổ chức một cuộc thi tuyển để nhận khoảng 800 em. Sự ra đời của trường THPT Lương Thế Vinh đã mở ra con đường cho sự có mặt của hàng loạt trường dân lập khác trên cả nước.

Cũng từ đó đến nay, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh luôn là một ngôi trường mơ ước của rất nhiều học sinh, dù có ý kiến cho rằng đó là ngôi trường khắt khe với kỷ luật sắt.Tháng 8-1988, Bộ Giáo dục tổ chức hẳn một cuộc hội thảo để hai ông lên thuyết trình về kế hoạch thành lập trường dân lập.

Và ngày 1-6-1989, sau nhiều khó khăn về quy chế, thuê mướn cơ sở vật chất, hợp đồng với các thầy cô giáo, về cả tư duy cũ của không ít lãnh đạo, bà Nguyễn Thị Tâm Đan, lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã ký quyết định đồng ý thành lập Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh. PGS từng kể, đêm 1-6-1989, ông Khang chạy sang ôm chầm lấy tôi, vừa khóc vừa nói: “Thầy ơi... ký rồi!”. Nước mắt ông trào ra vì sung sướng. Cuối cùng thì niềm mong ước bấy lâu đã thành hiện thực.

Thẳng thắn phản biện

Ba năm nay, PGS Văn Như Cương phải chống chọi với căn bệnh ung thư gan. Nhưng dù thần chết rình rập, bất cứ lúc nào, mệt hay khỏe, khi đối diện với người khác, thày vẫn luôn bình thản với lối nói chuyện thẳng thắn, dí dỏm. Bất cứ lúc nào, mọi suy nghĩ của thày đều hướng về đổi mới giáo dục, mong mỏi thay đổi được điều gì đó.

Là chủ tịch một trường dân lập, bình thường người ta sẽ phải cẩn thận khi phát ngôn về những bất cập trong quản lý, nhưng PGS Cương thì lại khác, ông thẳng thắn phản biện những quy định không khoan nhượng nếu thấy hành xử và quyết sách có vấn đề. Thày là người phản biện tích cực đối với đề án đổi Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa hồi năm 2014, thày cũng nêu rất nhiều về ý kiến đổi mới thi và tuyển sinh.

Mùa tuyển sinh 2017, trước điểm đầu vào thấp kỷ lục của ngành sư phạm, PGS Văn Như Cương nhận định đây là điều hết sức lo ngại và cần phải sớm thay đổi điều này. Với sự thẳng thắn và những đóng góp không biết mệt mỏi cho nền giáo dục Việt Nam, PGS Cương từng được chọn là thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam.

PGS Văn Như Cương luôn thẳng thắn phản biện những quy định không khoan nhượng nếu thấy hành xử và quyết sách có vấn đề.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, người đồng hương của PGS Văn Như Cương tâm sự với ông, PGS Văn Như Cương như một người cha, người anh cả và là người bạn vong niên vô cùng quý trọng. Thầy chân thực, tình cảm, thông minh và thẳng tính, thường đưa ra những phát biểu hay bất ngờ, làm cho nhiều người ngạc nhiên và khâm phục. Ông xúc động “ước gì nền giáo dục Việt Nam có được nhiều thầy như thày Văn Như Cương”.

PGS Văn Như Cương đã tạ thế lúc 0h27 phút ngày 9-10-2017 (20-8 âm lịch) tại nhà riêng.
Lễ viếng được cử hành từ 10 giờ 30 đến 12 giờ 30 ngày 12-10-2017 (tức ngày 23-8 âm lịch) tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, Số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội.
Lễ truy điệu vào hồi 12 giờ 30 cùng ngày.
An táng tại đài hoá thân hoàn vũ, nghĩa trang Văn Điển

 Bài Yến Anh, ảnh Xuân Trung

Theo Người lao động