Dòng sự kiện:

Phải làm gì với đứa con đang ở tuổi ‘nổi loạn” ?

15:13 26/10/2015
Tôi nên làm gì để chấn chỉnh đứa con đang ở tuổi ‘nổi loạn” cả mình. Nuôi con sao mà khó thế. Lắm lúc tôi chỉ muốn hét to, đánh con một trận cho chúng nhớ đời…

Có một nguyên tắc là cha mẹ phải luôn đồng hành với con trong mọi giai đoạn vì lúc nào con cũng cần được chia sẻ. Thậm chí khi sau này đứa trẻ lớn lên, trở thành người lớn, lập gia đình, làm bố làm mẹ rồi những cũng vẫn cần đến bố mẹ, nhiều khi chỉ như một điểm tựa tinh thần vững chắc để dựa vào.

Hãy làm cho cuộc sống của cả con và bạn vui vẻ. Coi quan hệ cha mẹ và con cái là cùng đồng hành và hỗ trợ cho nhau chứ không phải áp đặt và nghe lời bằng mọi giá. Các con của chúng ta không thích bị ai đó áp đặt, sai bảo. Nếu bị bố mẹ đối xử như vậy thì trẻ sẽ tìm cách phản kháng. Bạn không thể hình dung được các con của mình dám làm chuyện gì chỉ để thể hiện sự chống đối đâu.

Tôi từng biết một cháu bé mới học lớp 6 nhưng đã dám bỏ nhà đi đến một quán phở. Cháu bé nói với chủ cửa hàng là bố mẹ đã chết hết và xin ở lại đó phục vụ quán đổi lấy cơm ăn. Khi cha mẹ tìm ra, nói thế nào cháu cũng không chịu về, cuối cùng phải nhờ tới cô giáo chủ nhiệm tới khuyên nhủ dần dần mới được.

Không có trẻ nào là “lành tính’ và ngoan ngoãn ngay từ đầu. Có những trẻ, lúc đầu tưởng rất ngoan, bảo gì làm nấy. Nhưng khi bước vào tuổi yêu, cô bé đó còn nổi loạn hơn cả những trẻ bị cho là hư.

Vì thế không nên lấy hành vi bề ngoài để đánh giá trẻ. Cha mẹ không chủ quan nhưng cũng không nên áp sát trẻ quá. Quan trọng là hãy tạo niềm tin cho con để con dám bày tỏ suy nghĩ. Biết được con nghĩ gì, cần gì đã là một chiến thắng để giúp cha mẹ điều chỉnh con, giúp đỡ con.

Làm bố mẹ đã khó, làm bố mẹ tốt còn khó hơn nhiều lần.

Chuyên gia tư vấn

Nguồn: Gia đình Việt Nam