Dòng sự kiện:

Phẫn nộ clip bé 6 tháng tuổi bị người giữ trẻ rung lắc như... búp bê

23:37 06/10/2015
Clip ghi cảnh người giữ trẻ rung lắc mạnh một em bé 6 tháng tuổi như một con búp bê đang khiến dư luận phẫn nộ.

[mecloud]FMJdDuKB99[/mecloud]

Mới đây, đoạn clip quay cảnh một em bé 6 tháng tuổi bị người giữ trẻ ở Trung tâm phát triển trẻ em thuộc thành phố Albuquerque (bang New Mexico, Hoa Kỳ) ngược đãi gây xôn xao dư luận.

Trong clip là hình ảnh một người phụ nữ đang bế một em bé ngồi trên ghế, em bé khóc rất nhiều nên cô ta đắp chiếc khăn lên mặt bé rồi bất ngờ dùng hết sức rung lắc mạnh khiến người bé nảy tung lên.

Điều đặc biệt là người mẹ của em bé 6 tháng tuổi này cũng làm việc như một người giữ trẻ. Cô đã tỏ ra vô cùng tức giận trước hành động vô lối của đồng nghiệp. Cô cho biết: “Chân tay tôi run rẩy. Tôi thực sự rất tức giận và cảm thấy bị tổn thương. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ người chăm sóc con gái mình. Cô ấy luôn được coi là một người tốt, đáng tin cậy và được mọi người yêu quý”.

Người phụ nữ trong clip đã làm việc tại đây 5 năm, và đã bị buộc tội bạo hành trẻ em sau khi clip gây phẫn nộ này bị phát tán. Chính quyền cũng đã tạm thời đóng cửa cơ sở chăm sóc trẻ em nói trên để điều tra khiếu nại về nhiều trường hợp bị “ngược đãi” trong phòng trẻ sơ sinh của trung tâm.

Việc đóng cửa trung tâm nhận được nhiều sự phản đối từ các bậc phụ huynh yêu cầu muốn mở lại nó. Tuy nhiên, người phát ngôn của chính quyền, ông Henry Varela cho biết: “Sự an toàn của trẻ sơ sinh và trẻ em tại Trung tâm phát triển trẻ em phía Đông là sự ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Dựa trên clip bị ngược đãi, chúng tôi thấy rằng hiện cơ sở này không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu. Chúng tôi cần tiến hành điều tra sâu hơn các vấn đề mang tính hệ thống nhất có thể”.

Hình ảnh cắt ra từ clip cho thấy nhận viên chăm sóc lắc mạnh em bé sơ sinh lên xuống liên tục.

Nói về mối nguy hiểm khi trẻ bị rung lắc, trao đổi trên báo Thanh niên, bác sĩ Nguyễn Duy Long, khoa Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) từng cho biết, trẻ em, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, có đầu lớn và nặng (chiếm 25% cơ thể), cổ yếu khó chịu được sức nặng của đầu, trong khi xương sọ mềm, màng não mỏng, có khoảng trống giữa não và xương sọ nên rất dễ bị tổn thương. Vì thế, nếu bị rung lắc thì trẻ rất dễ gặp nguy hiểm.

Hội chứng này xảy ra khi trẻ bị rung lắc thì lực rung sẽ chuyển tới não và làm tổn thương não gây ra chấn thương trực tiếp làm rách mạch máu, gây xuất huyết dưới màng nhện, dưới màng cứng, trong nhu mô não. Lực tăng tốc làm cho não bị dội trở lại, đập vào xương sọ, gây dập não, xuất huyết, phù não.

Những tổn thương do rung lắc để lại di chứng nặng nề như làm trẻ bị chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, rối loạn kỹ năng định hướng, giảm khả năng nhận thức, ảnh hưởng tới mắt thì có thể làm trẻ giảm thị lực, gây mù.

“Bên cạnh đó còn gây tổn thương mắt trẻ như xuất huyết nhãn cầu, xuất huyết võng mạc, phù gai hoặc có thể gây chấn thương các bộ phận khác như cổ, cột sống, xương sườn”, bác sĩ Long cho biết. 

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Video đang được xem nhiều nhất:

[mecloud]wvfccMwoAh[/mecloud]