Dòng sự kiện:

Phẫu thuật thành công bướu máu 1,3kg trong gan bé 2 tuổi

15:00 04/10/2015
Cháu bé 2 tuổi và chỉ nặng 9,5kg nhưng phải mang trong mình khối u máu khổng lồ nặng hơn 1,3kg đã được cứu sống.

Theo báo Lao động,  B.S Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết ê kip bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống một cháu bé 2 tuổi  bị khối u máu khổng lồ.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu bên cạnh bé Ph sau ca mổ.

Sáng 1.10, tại Khoa Hồi sức Ngoại – Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, bé N.N.T.P đã có sức khỏe ổn. Cha cháu bé vô cùng vui mừng vì “tôi tưởng thời gian của con bé chỉ còn được tính bằng ngày bằng tháng. Giờ không gì vui hơn khi biết cháu được sống như những đứa trẻ bình thường khác”. 

BS Đào Trung Hiếu cho biết, cách đây 2 tháng, gia đình nhận ra sự khác thường: Bụng bé bỗng nhiên to ra, bé ăn uống rất kém. Bé 2 tuổi nhưng cân nặng chỉ được 9,5kg. So với lứa tuổi, bé chậm phát triển về trọng lượng. Gia đình đã đưa thẳng cháu đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM để điều trị.

BS Hiếu chia sẻ: “Khối u được lấy ra trong gan cháu bé nặng 1,350 kg. Trong khi đó, gan của người lớn với tạng người của châu Mỹ, châu Âu cũng chỉ nặng từ 1,3 – 1,5kg. Đây là khối bướu máu to nhất từ trước đến giờ mà tôi từng chứng kiến”.

Cận cảnh khối bướu máu khổng lồ được lấy ra khỏi gan bé Ph. 

Khối u máu nặng hơn 1.3kg.

Qua kết quả siêu âm, xét nghiệm máu, CT, các bác sĩ phát hiện cháu mang một khối u bướu rất to, chiếm trọn vùng gan phải. Sau khi xác định là khối u lành tính, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt khối u, vì nếu để lâu, khối u sẽ lớn dần, chiếm toàn bộ gan, bé sẽ tử vong. Bên cạnh đó, khối u máu chứa một lượng máu rất lớn. Nếu không được loại bỏ, tim sẽ phải làm việc quá mức để bơm máu vào khối u sẽ khiến bé bị suy tim.

Trước phẫu thuật, một câu hỏi lớn đặt ra cho các bác sĩ là làm thế nào để lấy khối u bướu ra khỏi cơ thể nhưng vẫn phải giữ an toàn tính mạng cho bé. Vì là khối bướu máu nên chỉ cần sơ xuất nhỏ trong phẫu thuật có thể gây mất máu cấp, cháu bé có thể tử vong. Giải thích những rủi ro có thể xảy ra cho người nhà, bà nội cháu đã có lúc bi quan: “Cháu quá nặng rồi. Hay là cho cháu về, nếu có chết thì được chết trọn vẹn”. Tuy nhiên, các bác sĩ đã cố gắng thuyết phục để cho bé được phẫu thuật.

Sau ca mổ kéo dài hơn 3 tiếng ngày 29/9, khối u bướu nặng 1,350kg đã được lấy ra thành công. Ba của bé đã mừng đến phát khóc vì không nghĩ rằng con mình sẽ có thể khỏe mạnh lại như những đứa trẻ khác.

Là bác sĩ trực tiếp gây mê cho em bé, BS Hà Văn Lượng, Phó khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức chia sẻ, các bác sĩ gây mê phải tính toán, lường trước các tình huống xảy ra trong cuộc mổ như bé có thể chảy máu dữ dội, để chuẩn bị các phương án dự phòng. Đồng thời, phải dựa vào chức năng gan đang suy tổn của cháu để lựa chọn một loại thuốc mê phù hợp, đặt các động mạch xâm lấn, hạ huyết áp chỉ huy để giảm lượng máu chảy, dự trù phương án bơm máu…

Hiện tại, sức khỏe bé Ph tiến triển tốt, các bác sĩ đã giữ lại được cho bé 25% gan phải và toàn bộ gan trái, đảm bảo được các chức năng lọc máu cho cơ thể. Phần gan đã bị cắt sẽ của bé sẽ phục hồi sau khi khối bướu được loại bỏ, bé sẽ phát triển bình thường như các em bé khác.

BS Đào Trung Hiếu nhận định, u bướu máu trong nội tạng là ca rất hiếm gặp, trong suốt 10 năm qua, đây là trường hợp thứ 3 được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng 1 liên quan đến u bướu máu tại gan.

TUỆ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: Gia đình Việt Nam