Dòng sự kiện:

Phía sau những đứa trẻ bị từ chối

16:16 17/06/2016
Sau phút giây hèn nhát vứt đi đứa con dứt ruột đẻ ra (để bảo vệ cuộc sống khốn quẫn của chính mình), những người mẹ tội nghiệp ấy hẳn mang nỗi đau đớn và thương nhớ cho đến tận ngày họ đi vào huyệt mộ.

Tôi muốn xem lại thông tin em bé 2 tuổi bị mẹ bỏ rơi ở quán ăn cùng 200 ngàn đồng, để yên tâm xác nhận cuộc sống bình thường đã trở lại với em ấy. Chỉ mới gõ “em bé bị bỏ rơi” thì ra cả một dãy: em bé bị bỏ rơi trong thùng rác, em bé bị bỏ rơi trong túi bóng, em bé bị bỏ rơi trên taxi, em bé bị bỏ rơi ở gốc tre, em bé bị bỏ rơi tại cổng chùa, em bé bị bỏ rơi xinh như thiên thần, em bé bị rỏ rơi bị kiến cắn chết…Tôi ngạt thở. Sao ông Trời ác nghiệt lại xếp đặt số phận côi cút, bị từ chối cho một sinh mệnh sớm như thế?

Rất nhiều lần tôi ngồi nghĩ ngợi khi ngắm nhìn một đám trẻ con chơi đùa cùng nhau. Những đứa trẻ đều hớn hở, thơ ngây và vô lo, chúng không biết sự khác biệt về thân phận: đứa nhà giàu, đứa nhà nghèo, đứa được ôm ấp cưng nựng, đứa bị quăng vương bỏ vãi. Không được lựa chọn về nơi chốn mình sẽ chào đời, cũng như không được quyền chọn bố mẹ - mỗi đứa trẻ là một vì sao rơi xuống trái đất nhiều buồn tủi này, có vì sao rơi vào nhung lụa, có vì sao rơi xuống gai khô đá cằn, thậm chí là hang hùm miệng rắn. Những đứa trẻ không tự “cài đặt” được chiếc nôi đón mình trên cõi đời là ấm êm hay lạnh giá, nhưng người lớn liệu có vô hạn về quyền lựa chọn cách đối xử với sinh mệnh đến với mình hay không – lại là một điều đau đớn khác.

Tôi nhớ trong một talk show mà mình là khách mời, người host hôm ấy là Thùy Minh, bọn tôi nói chuyện về bọn trẻ con bị buôn bán như món hàng, mà gần như tuyệt đối số trẻ bất hạnh ấy là các em bé bị chính mẹ ruột của mình từ bỏ. Tôi có kể lại cảm giác khi đọc các bài báo miêu tả những vụ vứt con, nhà báo – họ đã viết bằng tất cả sự lạnh lùng và khinh bỉ - về một CON MẸ chứ không phải NGUỜI MẸ, ác độc hơn cầm thú, có thể ném lại hài nhi vừa lọt lòng vào một đống rác. Có lẽ do lúc đó con tôi rất bé, và Thùy Minh cũng vừa sinh con – ký ức đi sinh nở gần như còn mới đối với chúng tôi, thế là cả khách mời và MC cùng khóc tu tu. Tôi không biết Minh khóc vì điều gì, còn tôi thì chảy nước mắt với những CON MẸ. Cùng là phận đàn bà khi vượt cạn, sao chúng tôi được nâng niu hết mức, chiều chuộng và thương yêu hết mức, kiêu hãnh hết mức – mà có những cô gái chịu tổn thương hết mức, bị làm nhục và xâm hại hết mức – trong cuộc sinh nở của mình? Có nhất thiết phải cần 1 cuộc hôn nhân mới được quyền làm mẹ?

Thứ đạo đức man rợ nào đó của xã hội đã khiến những cô gái trẻ chưa chồng lỡ có con phải mặc cảm mình là mối nhục nhã của gia đình. Đến mức họ phải bó bụng trong suốt 9 tháng hoài thai, họ phải tiếp tục làm lụng quần quật để chứng tỏ mình “hoàn toàn bình thường”, họ phải tự sinh nở trong một căn nhà trọ tồi tàn, một góc lán rừng, hoặc bi thảm hơn – trong một toilet công cộng bẩn thỉu. Tôi nghĩ, sau phút giây hèn nhát vứt đi đứa con dứt ruột đẻ ra (để bảo vệ cuộc sống khốn quẫn của chính mình), những người mẹ tội nghiệp ấy hẳn mang nỗi đau đớn và thương nhớ cho đến tận ngày họ đi vào huyệt mộ. Những người đàn bà ấy chẳng có quyền làm người, và chẳng được đối xử như một con người - thì họ tàn độc với núm ruột của mình như một vòng tròn nghiệt ngã.

Khi chị Mai Anh đón bé Thiện Nhân từ Quảng Nam về Hà Nội nuôi, thân thể thằng bé rách nát do mẹ nó vứt con cho thú rừng gặm. Mai Anh ôm lên máy bay đúng đứa trẻ sơ sinh chỉ còn một chân bé xíu như con mèo, cùng đám tã lót cuốn bọc nó. Tất cả tiền và quà các nơi gửi về, Mai Anh gom lại đưa cho bà ngoại thằng bé, với lời dặn: “hãy đưa cho mẹ nó, để cô ấy học nghề hoặc có công việc gì đó mà sống được tiếp”. 10 năm sau, nhắc lại chuyện cũ, tôi chỉ nghe thấy một nỗi xót xa từ Mai Anh, “chị thương con bé đó lắm, nó sống trong nỗi khổ và sự tăm tối tới mức nó phải lựa chọn sự tàn ác để thoát thân”.

Phía sau những đứa trẻ bị từ chối luôn là những người mẹ bị lăng mạ. Sự khốn quẫn cũng có thể mà một thứ “gia sản” truyền đời nếu người ta chót bị sinh ra ở giai tầng dưới đáy. Kết tội và ném đá đến chết một cuộc đời thường là rất dễ, sau đó ta vẫn có thể vô can sống như người tử tế cao thượng. Các nạn nhân tất nhiên sẽ im lặng, những người đàn bà dưới đáy kia, họ thậm chí chẳng thể biết họ đã bị xã hội băm nhỏ và nhổ nước bọt khinh bỉ. Họ chỉ cắm mặt lầm lụi đi nốt kiếp sống khốn quẫn của mình, và nhớ về đứa trẻ mình đã bỏ đi như nhớ về một vết thương vĩnh viễn toang hoác ròng ròng máu. Họ sẽ không thể cất lên câu hỏi câm lặng: bao giờ thì những thứ man rợ được mang danh là đạo đức – mới chấm dứt trên đời này?

Nhà báo Quỳnh Hương

Theo Phunuonline