Phụ huynh gửi Bộ trưởng tâm thư về việc đưa game online vào trường học
Đại diện ban tổ chức và các em học sinh cùng ấn nút phát động cuộc thi Chinh phục vũ môn toàn quốc lần thứ 3, ngày 26/9, tại Nghệ An. (Ảnh: Ban tổ chức)
Cho rằng việc khuyến khích học sinh tiểu học chơi game là không phù hợp với lứa tuổi của con, đồng thời băn khoăn về ý nghĩa trong giáo dục của các trò chơi này, qua facebook, anh An đã gửi tâm thư đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Chỉ trong thời gian ngắn, bức tâm thư của anh An đã nhận được sự quan tâm của hàng nghìn cư dân mạng.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, anh An cho biết, anh gửi tâm thư chỉ với mục đích mong Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời cho phụ huynh biết các trò chơi trong game Chinh phục vũ môn đã được Bộ thẩm định trước khi Bộ quyết định đưa vào trường học hay chưa? Bộ đã nghiên cứu kỹ về các tác động của chơi game online với học sinh tiểu học chưa và kết quả như thế nào? Liệu phụ huynh có thể yên tâm cho con tham gia hay không?
“Theo quan điểm cá nhân tôi thì điều này là không phù hợp với học sinh tiểu học và tôi cũng đã dừng cho con chơi,” anh An nói.
Chinh phục vũ môn được giới thiệu là trò chơi giáo dục online được phát triển bởi Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egame.
Trong ba năm trở lại đây, Công ty này đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng đội Trung ương (thuộc Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Việt Nam) phát động cuộc thi game Chinh phục vũ môn trong các nhà trường.
Hai năm đầu, cuộc thi được giới hạn cho học sinh từ bậc trung học cơ sở. Tuy nhiên, từ năm 2016, cuộc thi được mở rộng sang cả học sinh tiểu học, bắt đầu từ lớp 3.
Cuộc thi có quy mô toàn quốc và có ba vòng, cấp trường, cấp tỉnh, và cấp quốc gia.
Dưới đây là toàn văn bức tâm thư của anh Trần Trọng An:
"Tâm thư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ!
Kính gửi: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ!
Tôi là: Trần Trọng An, hiện đang sinh sống tại Hoàng Mai, Hà Nội. Tôi có con đang học tiểu học (lớp 5).
Tôi viết tâm thư này gửi tới Bộ trưởng vì rất lo lắng về việc các nhà trường hiện đang tổ chức cho học sinh chơi trò chơi trực tuyến (game online) có yêu cầu nạp tiền bằng thẻ cào.
Con tôi đang là học sinh lớp 5, do thường xuyên kiểm soát việc dùng máy tính của cháu nên tôi phát hiện cháu chơi game "Chinh phục Vũ Môn" trên máy tính với lịch sử khá dày trên trình duyệt web.
Qua tìm hiểu, tôi được biết tháng 10/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các địa phương đề nghị các trường phối hợp tổ chức chơi game online này cho học sinh cấp 2.
Tuy nhiên, hiện game lại đang len lỏi vào các trường tiểu học.
Từ đó đến nay, game Chinh Phục Vũ Môn của Egame tổ chức rầm rộ và theo công bố của họ thì hiện nay đã có 800 ngàn người chơi. Mỗi người chơi được yêu cầu nạp thẻ cào mệnh giá từ 10.000 đồng đến 300.000 đồng tương ứng với số lần chơi hoặc "mua đồ trong game" nhất định.
(...) Liệu ai có thể bảo đảm cho tôi và các phụ huynh khác là toàn bộ "trí tuệ" trong game này là sạch và an toàn cho trẻ em hay không?
Tôi nghĩ rằng, học sinh tiểu học, với thể chất và trí tuệ còn rất non nớt mà sớm bị "cài đặt" game online vào trí não (có chiến thuật, có tranh đua, có thu phí) thì sẽ có nhiều tác hại về lâu về dài.
Tôi cũng nghĩ rằng, là cơ quan quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên có văn bản khuyến khích trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 10 tuổi chơi game online.
Bằng thư này, tôi kính mong Bộ trưởng chỉ đạo, kiểm tra hoạt động tổ chức chơi game online của các Sở và các trường, kịp thời chấn chỉnh để tôi có thể yên tâm khi gửi con đến trường.
Nếu game online này thực sự an toàn cho thể lực và trí lực cho trẻ em, cũng mong Bộ trưởng chỉ đạo cho các cục chức năng làm rõ, công bố cho phụ huynh chúng tôi được biết.
Cuối thư, xin kính chúc Bộ trưởng sức khỏe.
Xin trân trọng cảm ơn!".
Vietnamplus
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua