Dòng sự kiện:

Phụ huynh phẫn nộ đề nghị cho ra khỏi ngành nữ giáo viên bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng

Theo PNVN
09:44 06/04/2018
Rùng mình và phẫn nộ - đó là cảm nhận chung của nhiều bậc cha mẹ trước sự việc học sinh lớp 3 ở Hải Phòng bị cô giáo trừng phạt uống nước giẻ lau bảng, chỉ vì nói chuyện riêng trong giờ học. cho thôi việc chưa đủ. Nhiều phụ huynh cho rằng, càng diện "con ông cháu cha" càng phải xử lý nghiêm và cần cho nữ giáo viên này ra khỏi ngành.

Rùng mình khiếp sợ

Vụ việc bé P.A bị cô giáo Minh Hương (trường tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng) phạt nói chuyện riêng bằng cách bắt uống nước giẻ lau bảng, đang được đông đảo phụ huynh quan tâm. Nhiều mẹ khi biết đến kiểu phạt quái đản này, đã phải rùng mình khiếp sợ.

Chị Đỗ Thu Phương (phường Thượng Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có con gái học lớp 2 chia sẻ, chị cảm thấy vô cùng phẫn nộ khi biết đến vụ việc đau lòng trên. “Chỉ nghĩ đến mùi vị và màu đục bẩn của cốc nước thải độc hại đấy thôi, tôi đã thấy tức giận! Không thể hiểu được một giáo viên lại nghĩ ra trò trừng phạt học sinh của mình quái dị và ghê tởm đến thế!” - nữ phụ huynh nói.

Bé P.A với hình phạt khiến không ít phụ huynh rùng mình, giận dữ. Ảnh: Nguồn VTC News

Theo chị, đứa bé trong câu chuyện trên chắc hẳn phải vô cùng sợ hãi trước hình phạt của cô giáo, mới không dám kể với ai. Chị tin là không chỉ phạt, nữ giáo viên này chắc chắn còn đưa ra lời đe dọa khiến những học sinh non nớt mới học lớp 3 phải phục tùng trong nỗi sợ ấy.

“Có con gái cũng đang trạc lứa tuổi của bé, tôi càng xót xa hơn. Chắc chắn cháu bé sẽ bị ám ảnh mãi về hình phạt vô đạo đức ấy. Nỗi ám ảnh ấy có thể sẽ như một vết thương trong lòng con trẻ, để cho đến khi lớn con sẽ không bao giờ có thể quên. Tôi nghĩ đau lòng hơn chính là suy nghĩ, niềm tin của con về trường, về lớp, sẽ ra sao khi con còn phải học tiếp cấp II, rồi cấp III? Càng nghĩ, càng giận vô cùng nữ giáo viên ấy!” - chị Phương chia sẻ.

Chị Phương cũng lo ngại rằng, từ sợ hãi, ám ảnh, cháu bé nếu không được giải tỏa, không được hỗ trợ kịp thời, sẽ dễ dàng bị sang chấn tinh thần. Thậm chí, sự thù hận sẽ dần hình thành trong tâm hồn non trẻ của cháu, nếu cháu không kịp thời được bù đắp và khỏa lấp bằng tình yêu thương của mọi người quanh mình.

“Nuôi con, lại là con gái, tôi nhận thấy sự nhạy cảm và tổn thương với các bé gái đang tuổi lớn, tuổi đang hình thành nhân cách (cấp tiểu học - PV) càng nhiều hơn nếu gặp phải những va chạm dù rất bình thường như việc bị bố mẹ mắng, bị bạn bè trêu. Đây lại là người dạy nhân cách cho con, mà vi phạm đạo đức nghiêm trọng, sự tổn thương ấy chắc chắn sẽ còn rất lâu nữa!” - chị Phương xót xa.

Cho thôi việc- chưa đủ!

Cùng suy nghĩ với chị Thu Phương, anh Nguyễn Mạnh Hưng (giáo viên tiếng Anh một trường THCS tại Q. Đống Đa, Hà Nội) nêu quan điểm, cần có hình phạt mang tính răn đe đối với hành vi bạo lực học đường nghiêm trọng này.

Theo anh Hưng, giáo viên bạo lực học sinh dưới mọi hình thức đều đáng bị xử lý nghiêm minh, không thể ngụy biện. Riêng trường hợp này, có vấn đề lớn về đạo đức trong nghề nên theo tôi cho thôi việc chưa đủ. Mất việc ở chỗ này, cô giáo đó vẫn có thể tìm công việc ở nơi khác, chưa kể lại thuộc diện “con ông cháu cha”.

“Tôi nói thật, càng diện “con cháu” càng phải xử lý nghiêm khắc, tốt nhất nên cho ra khỏi ngành, tìm việc khác để làm chứ đừng nên để con sâu làm rầu nồi canh, mang tiếng cho nghề của chúng tôi lắm, phụ huynh có quyền mất niềm tin chứ! Tôi cũng có con nên lại càng thấy khó lòng chấp nhận khi ở địa vị là phụ huynh nếu con mình bị phạt kiểu này!” - anh thẳng thắn.

Anh Hưng chia sẻ, không phủ nhận công việc của giáo viên ngày càng áp lực khi những đòi hỏi trong công việc ngày càng cao hơn, trong khi đồng lương thì thấp. Trong chính ngôi trường anh làm việc, thường xuyên xảy ra tình trạng nội bộ không đoàn kết, thậm chí nói xấu, kèn cựa nhau. Những áp lực này, anh phần nào hiểu được. Tuy vậy từ áp lực để dẫn đến cách “trút giận” lên học trò đến mức vô đạo đức là điều không thể nào chấp nhận dù với lý do nào.

“Mỗi giáo viên phải tìm cách cân bằng nó thay vì nghĩ cách trút giận lên đầu trẻ một cách vô lối. Bản thân tôi mỗi khi giận dữ vì học trò làm trái ý mình hay mắc lỗi, tôi chọn cách đi ra ngoài vài phút, lấy lại bình tĩnh rồi mới tìm cách tháo gỡ, cùng lắm là “cáu um” lên một lúc rồi thôi, nhưng phải rất hạn chế” - anh Hưng nói.

Anh chia sẻ, càng ít kinh nghiệm, giáo viên càng dễ nóng giận nên càng phải tự tìm cho mình những cách chủ động đối phó với tình huống căng thẳng. Đó cũng là giai đoạn thử thách chính bản lĩnh, tình yêu nghề nghiệp của giáo viên. Bên cạnh đó, thầy cô, đặc biệt là đội ngũ trẻ, cần tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng xử trí với học trò trên cơ sở tâm lý lứa tuổi, định hướng cách xử phạt trò và hướng dẫn trò sửa sai... bởi giỏi chuyên môn thôi là chưa bao giờ đủ.

* Chiều 5/4, Ban giám hiệu trường tiểu học An Đồng đã chấm dứt hợp đồng với cô Nguyễn Thị Minh Hương- giáo viên chủ nhiệm lớp 3A5- người ép học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng do nói chuyện riêng trong lớp.

Nguồn: Gia đình Việt Nam