Dòng sự kiện:

Phụ huynh "toát mồ hôi" vì lớp trưởng tiểu học là... chủ tịch hội đồng

14:26 18/07/2015
Một ông bố hài hước viết: "Con mình đi học mà được làm Chủ tịch hội đồng tự quản. Về nhà, mình muốn sai vặt nó thì mình có thể gọi, "Chủ tịch, ra đây bố bảo".

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới. Theo đó, điều 17 của dự thảo quy định lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản do tập thể học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên. 

Nhiều phụ huynh thấy việc quy định lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản là rất... hài hước.

Chi tiết mới này làm các phụ huynh từ Bắc tới Nam xôn xao mấy ngày nay trên các mạng xã hội. Mô hình này đưa vào thực tế sẽ vấp phải nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên trao “quyền hành” cho học sinh ở độ tuổi các em còn non nớt. Có không ít băn khoăn về điểm này của dự thảo. 

Trên một facebook, một ông bố hài hước viết: "Con mình đi học mà được làm Chủ tịch hội đồng tự quản. Về nhà, mình muốn sai vặt nó thì mình có thể gọi, "Chủ tịch, ra đây bố bảo". Sợ hàng xóm nghe lại tưởng mình quát ông Chủ tịch... phường".

Một phụ huynh khác viết: "Tôi không tưởng tượng được từ nay phải gọi con Tũn nhà tôi là Chủ tịch thì sẽ như thế nào. Ngày ngày nó vẫn quấy khóc mè nheo ở nhà, tị nạnh với em".

[mecloud]df4q3If4kc[/mecloud]

 Trong khi các bố tếu táo thì các mẹ lại nghiêm túc khi nói về việc này. Một mẹ cho biết, năm ngoái, trường Đoàn Thị Điểm đã áp dụng mô hình này. "Thực ra tôi thấy ko như mọi người nghĩ, các con tranh cử nhiệt tình, rất trong sáng và giúp các con thêm tự tin, có trách nhiệm với bản thân. Nếu bài phát biểu trong ngày tranh cử mà không thực hiện được sẽ có chủ tịch khác trong lớp thay thế ngay. Cũng là một cách giáo dục mới, không như mọi người nghĩ đâu. Công bằng và tự chủ".

Một chuyên gia giáo dục cho biết mô hình trường học mới trong dự thảo trên là học tập từ mô hình Escuela Nueva của Colombia, một trong những mô hình giáo dục tiểu học thành công nhất trên thế giới và từng được UNESCO khuyến khích là mô hình nên nhân rộng và áp dụng ở các nước khác.

Năm 2013, mô hình này đã được áp dụng ở Lào Cai cho báo cáo toàn cầu EFA của UNESCO. Các học sinh học theo chương trình này có khả năng ngôn ngữ và chủ động tốt hơn rất nhiều so với các bé cùng lứa tuổi ở thành phố. Cách học của các em chủ yếu là trao cho học sinh quyền chủ động tự nghiên cứu môn học, mỗi bạn sẽ luân phiên làm nhóm trưởng, lớp trưởng và tự nghiên cứu bài học còn giáo viên chỉ là người hỗ trợ. Lào Cai là địa phương đã triển khai chương trình này được vài năm và triển khai rộng khắp ở cả thành phố và các huyện của tỉnh và họ làm rất thành công, đặc biệt là ở thành phố.


 

Một số phụ huynh có con học chương trình rất ngạc nhiên khi vốn từ của con cái họ đã tăng rất nhiều sau khi học mô hình này một thời gian.

Tôi nghĩ câu chuyện "chủ tịch" chỉ là chuyện vô cùng phụ và có lẽ đơn thuần là vì cách dịch của người thực hiện chương trình chứ không phải là vấn đề chính trong câu chuyện này. 

Trên Tuổi trẻ, ông Phạm Ngọc Định (Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT) nói: "Mô hình trường học mới được Bộ GD-ĐT thực hiện thí điểm ba năm qua, từ chỗ triển khai tại 1.500 trường tiểu học ở nhiều vùng miền, hiện tại đã nhân rộng trên khắp cả nước. Ưu điểm lớn nhất của mô hình dạy học này là tập cho HS tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, vận dụng sức mạnh tập thể trong các hoạt động, học tập, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình...

Qua đó, hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cho HS. Phản hồi từ các trường thực hiện thí điểm, từ phụ huynh và học sinh cho thấy cách thức giáo dục này có nhiều ưu điểm, và không chỉ triển khai ở những nơi thuận lợi mà có thể thực hiện thành công ở các vùng khó khăn. Từ thực tiễn đó, Bộ GD-ĐT đã đưa vào điều lệ trường tiểu học sắp ban hành những điểm mới ưu việt của mô hình dạy học trên".

TRƯỜNG GIANG

Nguồn: Người đưa tin