Dòng sự kiện:

Quảng Ninh đã có 2 người tử vong vì bệnh dại

Ngày 29/6/2017, lại thêm 1 trường hợp nữa tại Quảng Ninh tử vong vì bệnh dại, nâng tổng số người tử vong vì mắc dại lên 2 người. Ca tử vong mới nhất là trường hợp thuộc địa bàn xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên.

Bệnh nhân qua đời sau khi bị chó cắn hơn 3 tháng trước và không được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại. Hiện nay, cả nước có 30 ca mắc dại, trong đó Quảng Ninh ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong.

Nhiều người còn chủ quan không tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn

Nạn nhân được xác định là anh Phạm Văn T. 35 tuổi. Ngày 18/6/2017, anh Trọng được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên rồi được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu với những dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi, tê mỏi chân tay, sau có nôn nhiều, sợ nước, sợ ánh sáng, co giật và tăng tiết nước bọt… Bệnh nhân được lấy bệnh phẩm gửi Viện vệ sinh dịch tễ trung ương làm xét nghiệm. Kết quả: Mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút dại. Dù được cấp cứu tích cực nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Theo người nhà nạn nhân, cách đây khoảng 3 tháng bệnh nhân bị chó nhà cắn vào tay. Nhưng bệnh nhân không đi tiêm phòng. Một tuần sau, con chó bị ốm, gia đình đã giết con chó đó ăn thịt.

Sau cái chết của anh Trọng, rất nhiều người dân trên địa bàn xã bị chó cắn rất lo lắng vì chưa đi tiêm phòng. Chị Vũ Thị Hiền trú tại xã Đông Ngũ sau khi nghe tin trên địa bàn xã có người tử vong do chó dại cắn mới cho con đi tiêm phòng dại vì trước đó 20 ngày con chị bị chó cắn.

Tương tự như chị Hiền, anh Tô Văn Đức có con gái bị chó cắn hơn 10 ngày nhưng không cho con di tiêm phòng, nay có người tử vong vì cho dại nên anh mới vội cho con đi tiêm, anh Đức tâm sự.

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch (Ảnh minh họa)

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch

Sau khi ghi nhận bệnh nhân có dương tính với vi rút dại, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ tỉnh thành lập đoàn công tác làm việc với Trung tâm Y tế huyện và xã Đông Ngũ, nơi có bệnh nhân tử vong do bệnh dại về công tác phòng, chống dịch dại trên địa bàn xã.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người của xã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Báo cáo kịp thời diễn biến ca bệnh lên Trung tâm Y tế huyện, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể phối hợp với cơ quan y tế địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không hoang mang, lo sợ; chỉ đạo cơ quan thú y tổ chức tiêm phòng cho 100% đàn chó trong xã; thành lập tổ công tác nhằm tuyên truyền, vận động người dân đưa chó đi tiêm phòng; vận động những người bị chó nghi dại cắn đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng bệnh dại; xử lý những gia đình cố tình che giấu, không hợp tác, khai báo với chính quyền về tình trạng nuôi, thả rông chó…

Người dân cần chủ động đi tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn.

Tại Quảng Ninh, tình hình bệnh dại đang có diễn biến phức tạp. Tính đến hết tháng 5 năm 2017, đã có 1.111 trường hợp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm tăng 61,2% so với cùng kì năm 2016 (689 trường hợp). Đã ghi nhận nhiều người nghi chó dại cắn, cụ thể tại các địa phương như: Hạ Long, Hoành Bồ, Tiên Yên, Móng Cái, Hải Hà, trong đó 2 ca đã tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Trưởng khoa truyền nhiễm và kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế Dự Phòng tỉnh khuyến cáo với người dân:

1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm, hoặc tiếp xúc với chất tiết của động vật ốm cần:

- Rửa ngay thật kỹ vết thương, vị trí tiếp xúc bằng xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để phòng bệnh dại.

- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng kịp thời và đầy đủ theo hướng dẫn.

- Nhốt và theo dõi sức khỏe con vật tối thiểu 10 ngày.

- Tuyệt đối không tự chữa, cúng bái hoặc dùng lá cây, thuốc nam, thuốc đông y.

5. Đối vơi địa phương đang có ổ dịch dại: Tuyệt đối không được vận chuyển chó, mèo ra khỏi vùng dịch

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong gần 100% khi đã lên cơn dại. Bệnh có thể phòng được bằng việc thực hiện các khuyến cáo của cơ quan y tế và cơ quan thú y. Vì thế, mỗi người dân khi bị chó, mèo cắn phải đến ngay trung tâm y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại; tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc vì chính sự chủ quan của bản thân mỗi người.

Minh Khương

(Trung tâm truyền thông GDSKQN)

Nguồn:Gia đình Việt Nam