Dòng sự kiện:

Rèn thói quen tự lập cho con sớm, có gì vui?

20:41 28/01/2016
Một mẹ Việt đã chia sẻ quan điểm về việc rèn luyện cho con tự lập sớm, bài viết nhận được sự quan tâm của nhiều người làm cha mẹ.

 

Tin liên quan

  • Cách dạy con đặc biệt của phụ huynh Đức
  • Phát hoảng cách dạy con làm lãnh đạo
  • 10 quan điểm nuôi dạy con ấn tượng của Angelina Jolie và Brad Pitt
  • Những người giàu nhất thế giới dạy con về tiền bạc như thế nào?
Chị Nguyễn Thị Thu viết về con mình:“Đây là điều hầu hết mọi bé ở Nhật tầm tuổi Bon đều làm được.

Từ khi Bon biết tự xúc ăn con không cho mẹ động tay vào giúp.

Từ khi Bon biết mặc quần con chủ động đòi mặc quần mình thích chứ không phải cái mẹ chọn.

Từ khi Bon biết đi tất, đi giày con đòi tự đi và không cho mẹ động tay vào giúp.

....

Vì thế mẹ sẽ quyết định không dạy chữ sớm cho Bon đâu, vì mẹ sợ khi con biết đọc rồi con sẽ không cho mẹ đọc sách cùng con nữa”.

Theo chị Thu, mỗi mẹ sẽ có một quan điểm nuôi dạy con cho riêng mình. Với chị, việc rèn cho con những thói quen tự lập liên quan đến cá nhân có 3 mục đích chính:

1. Nếu không dạy từ sớm, đợi đến 3-4 tuổi bắt con làm, con không có quá trình được làm quen trước đó con sẽ hỏi sao trước mẹ làm cho con mà giờ bắt con làm... con không thích, con không làm.

Thế đấy muốn rèn một cái gì cho trẻ cần phải có thời gian để trẻ làm quen với nó, để trẻ học cách làm nó thông qua quá trình lặp đi lặp lại. Và khi được làm quen càng sớm trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận việc đó như một điều hiển nhiên trong cuộc sống của mình như một nghĩa vụ phải làm.

Ảnh lúc Bon (con trai chị Thu - PV) 21 tháng. Chị Thu tâm sự: "Bon rất thích ăn uống. Vì ăn là một niềm vui. Đi nhà trẻ về đến nhà đói quá là sẽ tự tìm yếm ăn tự đeo (tay ngắn chưa làm được 1 mình), trèo vào ghế và ngồi chờ sẵn để mẹ nấu đưa ra. Đồ ăn nóng hổi là vừa thổi vừa ăn. Thi thoảng vẫn dùng tay hỗ trợ khi đồ ăn rơi và không cho mẹ hỗ trợ bất cứ công đoạn nào đến khi sạch đĩa. Mẹ mà đưa tay ra là cu cậu giơ tay cản lại kiểu "STOP, mama - đây là công việc của con". Thi thoảng vấy bẩn mẹ phải dọn cũng mệt lắm nhưng mà nhìn điệu bộ lạnh lùng dứt khoát của Bon lại buồn cười, chỉ dám ngồi nhìn và hỏi Bon có ngon không thôi".

2. Để cho con được trải nghiệm qua cảm giác đạt được “thành công nhỏ nhờ nỗ lực”, sẽ nuôi dưỡng cho con động lực cố gắng sau này. Làm sao bắt một đứa trẻ 1-2 tuổi phải giỏi ngay từ lần xúc ăn đầu tiên hay lần đi giày đầu tiên. Nhưng chính quá trình lặp đi lặp lại ấy rèn cho trẻ tính kiên trì, và mỗi lần chưa làm được ấy có thể trẻ sẽ cáu um lên, mẹ ở bên hỗ trợ một xíu để trẻ làm được,việc làm ấy sẽ cho trẻ cảm giác "con làm được". Đó là một cảm giác vô cùng quan trọng với trẻ mà cha mẹ rất cần tạo cho con trong suốt những năm tháng bên con.

Từ những lần thất bại, dần dần trẻ sẽ học được cách làm tốt hơn, tay khéo hơn, và cuối cùng là làm được.

Từ giai đoạn mẹ kéo hờ cho con tự tụt quần, rồi con lôi được quần ra khỏi ống chân. Hay từ lúc con tập nhét chân vào ống, rồi kéo cho bàn chân ra khỏi ống, rồi cho chân còn lại vào làm tiếp, rồi đứng lên kéo cạp lên. Mỗi bước là 1 thành công nhỏ để trở thành thành công lớn hơn là mặc được cái quần.

Khi ấy trẻ sẽ học được bài học "À, nhờ nỗ lực mình đã làm được rồi". Động lực để cố gắng của mỗi con người được xây nên từ chính những viên gạch "thành công nhỏ" này đấy. Chính vì thế trẻ càng được cho trải qua nhiều trải nghiệm thì việc nhận thức được bài học này càng sâu sắc.

Để giúp con làm được điều ấy mình luôn cổ vũ cố lên, cố lên với con, khi con không làm được mình sẽ nói vậy mình làm cùng nhau nhé. Rồi khi con làm được một chút xíu mình sẽ nói A con làm được rồi. Con mẹ rất cố gắng. Mẹ tin làm con được. Mình ôm con vào lòng và khích lệ. Chính điều ấy là một phần cho con động lực để cố gắng thì phải.

Mình nhớ khuôn mặt mím môi mím lợi cố nhét chiếc giày vào chân, rồi khuôn mặt cười rất tươi "dekita-làm được rồi" của con khi con tập đi giày. Khi con làm được 1 việc gì rồi con thích lắm và tự tin làm những việc tiếp theo rất nhanh.

3. Để bản thân mẹ cũng phải học tập theo. Việc dạy 1 đứa trẻ làm việc không khó nếu như mẹ kiên nhẫn và có phương pháp đúng. Đây là điều cô giáo ở mầm non đã nói với mình. Mẹ chính là người cần thay đổi đầu tiên và tạo ra môi trường tốt nhất giúp con cố gắng.

Thường thì cha mẹ bận rộn nên chúng ta ít khi kiên nhẫn để chờ cho bé làm xong. Nhưng trẻ con có lí sự của trẻ, có tốc độ rùa bò của trẻ nên việc trẻ cần là người lớn biết dung hòa cả 2 thế hệ.

Buổi sáng để Bon chịu tự mình đi giày và chịu cởi gày ra cất giày đi mình đã đặt đôi giày của Bon ngay ngắn cạnh chỗ của mẹ, 1 chỗ cố định ở hè nhà thay vì mẹ cất lên cao như trước kia (do hành lang khá chật).

Khi con có một vị trí của riêng mình, có quyền sở hữu riêng con sẽ ý thức về nó hơn, coi trọng nó hơn. Chính vì thế từ hôm có vị trí cho đôi giày của riêng mình ở cửa nhà chỗ con dễ lấy nhất, con tự giác đi giày và cất giày hơn hắn. Hỏi chỗ để giày của con ở đâu con sẽ chạy đến chỉ với khuôn mặt sung sướng.

Những điều Bon tự làm là những điều mà mọi trẻ ở mầm non Nhật đều được rèn luyện và làm được ở tầm tuổi Bon. Điều quan trọng không phải là con làm được nó sớm hay muộn, nhanh hay chậm mà là con học được bài học gì từ những điều ấy.

Bài viết của chị Thu về việc dạy con tự lập nhận được sự quan tâm của nhiều mẹ Việt. Bởi lẽ, nhiều mẹ Việt hiện nay vì thiếu kiên nhẫn, vì yêu thương không đúng cách đã bao bọc, làm hộ con quá nhiều khiến nhiều trẻ em sống ỉ lại, phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ.

Hy vọng, với việc áp dụng cách mà chị Thu chia sẻ, các mẹ sẽ đạt được thành công như mong đợi khi dạy con tự lập sớm.

Anh Tuấn

Nguồn: Gia đình Việt Nam

>> Xem thêm clip: [mecloud]DRRdi4NBW2[/mecloud]