Dòng sự kiện:

Sản xuất thành công vắc xin: Dấu ấn đáng ghi nhận

Theo GDTĐ
14:15 20/04/2018
Từ tháng 4/2018, vắc xin sởi – rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc. Đến nay, đã có 19 tỉnh, thành triển khai với trên 50.000 trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi được tiêm vắc xin MRVAC, không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng nào.

Nâng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng

Khảo sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại ở 2 - 9 tháng tuổi (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho thấy, tỷ lệ trẻ có kháng thể kháng sởi (kháng thể IgG) đủ bảo vệ chỉ đạt 13,1%. Tỷ lệ trẻ không được bảo vệ phòng bệnh sởi chiếm 86,9%. Tỷ lệ trẻ có kháng thể bảo vệ cao nhất ở nhóm trẻ 2 tháng tuổi (35,1%), tiếp theo là nhóm 3 - 5 tháng tuổi (21,3%), thấp nhất ở nhóm 6 - 9 tháng tuổi (0,5%). Trẻ lớn tuổi nhất còn kháng thể bảo vệ là 6, 7 tháng tuổi. Tất cả (100%) trẻ từ 7 - 9 tháng tuổi không còn kháng thể bảo vệ. Phần lớn trẻ không nhận được kháng thể mẹ truyền cho trong quá trình mang thai và cho con bú chứng tỏ người mẹ trước đó chưa từng bị sởi hoặc chưa tiêm vắc xin ngừa bệnh.

Tương tự, tại Đông Anh (Hà Nội), nghiên cứu đánh giá tình trạng kháng thể IgG kháng sởi ở các cặp mẹ con cho kết quả: 71,7% bà mẹ mang thai có kháng thể IgG kháng sởi dương tính; 28,3% âm tính với xét nghiệm IgG kháng sởi. Tỷ lệ dương tính với kháng thể kháng sởi cao nhất ở phụ nữ 30 tuổi (90,5%) và nhóm 25 - 29 tuổi (74,2%) gấp 9,5 lần và 2,9 lần so với nhóm 18 - 19 tuổi (50%).

Nhìn vào con số trên sẽ thấy bà mẹ lớn tuổi chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe cho mình và thai nhi thông qua tiêm ngừa vắc xin. Ở bà mẹ trẻ tuổi (18 - 19 tuổi) chưa quan tâm đến sự nguy hiểm của bệnh dịch nên thờ ơ với việc tiêm phòng hoặc đã được tiêm nhưng hiệu quả bảo vệ chưa cao. Trước thực trạng trên, đặc biệt là khuyến cáo của chuyên gia dịch tễ về tình hình dịch bệnh sởi có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đưa vắc xin MRVAC do Việt Nam sản xuất vào chương trình tiêm chủng mở rộng thay thế cho vắc xin sởi-rubella của Ấn Độ sản xuất được dùng trước đó.

Tính an toàn của vắc xin MRVAC tương tự như vắc xin sởi - rubella do Ấn Độ sản xuất đã sử dụng như giai đoạn 2014 – 2016 là động lực để ngành y tế triển khai tiêm MRVAC trên diện rộng cho trẻ trên phạm vi toàn quốc. Việc sử dụng vắc xin trong nước sẽ giúp ngành y chủ động nguồn vắc xin, đồng thời khẳng định sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vắc xin, hướng tới việc xuất khẩu ra thế giới.

Chuyển đổi vắc xin: Không lạ

Với vắc xin 5 trong 1, sau khi Hàn Quốc ngừng sản xuất Quinvaxem, Bộ Y tế đã lên phương án tìm vắc xin thay thế để đảm bảo trẻ trong độ tuổi tiêm chủng không bị gián đoạn lịch tiêm. GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Vắc xin được lựa chọn thay thế Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng được Bộ Y tế lựa chọn có tên thương mại là ComBe Filce do Ấn Độ sản xuất. Vắc xin này được cấp giấy phép lưu hành từ giữa năm 2017, có tác dụng bảo vệ các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi-viêm màng não mủ cho vi khuẩn Hib.

Cũng theo GS.TS Đặng Đức Anh, vắc xin ComBe Filce đạt tiêu chuẩn tiền thầm định của Tổ chức Y tế thế giới, hiện được sử dụng ở hơn 43 quốc gia với trên 400 triệu liều. Ở nước ta, trước khi quyết định chọn đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, ComBe Filce được thí điểm tại 4 huyện (Hà Nam), có ghi nhận một số phản ứng thường gặp như sưng tại chỗ tiêm, sốt ở ngày thứ nhất sau tiêm. Hiện vắc xin này tiếp tục triển khai thí điểm tại 4 tỉnh là Hà Nam, Bình Định, Kon Tum và Đồng Tháp. Việc chuyển đổi vắc xin từ

Quinvaxem sang ComBe Filce trên toàn quốc dự kiến bắt đầu tháng 6 - 7/2018. Những trẻ tiêm Quinvaxem trước đó đến lịch tiêm nhắc lại sẽ chuyển sang ComBe Filce.

GS.TS Đặng Đức Anh khuyến cáo, chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều lần chuyển đổi vắc xin, do vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng bởi bất kỳ vắc xin trước khi đưa vào sử dụng đều trải qua quá trình thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới về tính an toàn cũng như hiệu quả phòng bệnh. Trong nước, trước khi đưa vào sử dụng đại trà, ngành y tế cũng kiểm nghiệm, thí điểm ở nhiều địa phương để kiểm soát độ an toàn, phù hợp với trẻ.

Ngoài vắc xin ngừa sởi - rubella và 5 trong 1, năm 2018, Bộ Y tế tiếp tục đưa vắc xin bại liệt tiêm IPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc xin bại liệt tiêm là vắc xin bất hoạt, chứa các tuýp virus bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng vắc xin tiêm, do Pháp sản xuất. Vắc xin này đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam và được triển khai quy mô nhỏ tại bốn tỉnh: Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Gia Lai, Vĩnh Long từ tháng 6 năm nay.

Ngoài vắc xin ngừa sởi - rubella và 5 trong 1, năm 2018, Bộ Y tế tiếp tục đưa vắc xin bại liệt tiêm IPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc xin bại liệt tiêm là vắc xin bất hoạt, chứa các tuýp virus bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng vắc xin tiêm, do Pháp sản xuất. Vắc xin này đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam và được triển khai quy mô nhỏ tại bốn tỉnh: Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Gia Lai, Vĩnh Long từ tháng 6 năm nay.

Nguồn: Gia đình Việt Nam