Dòng sự kiện:

Sao Việt cho con dùng tiền lì xì và cách người Nhật dạy con

Theo ĐSPL
20:19 21/02/2018
Mỗi người dạy con cách dùng tiền lì xì khác nhau nhưng làm sao để dùng tiền có ý nghĩa và con ngoan luôn là mục tiêu các ngôi sao này hướng tới.

Các con MC Hồng Phúc được bố mẹ lập riêng cho mỗi bé một tài khoản ngân hàng. Anh đều đặn gửi tiền lì xì của con vào đó, đợi khi bé 18 tuổi sẽ giao lại. Ông bố nổi tiếng cùng các con có giao ước sẽ trích một phần nhỏ tiền lì xì mua món đồ chơi yêu thích. Chíp Sún chọn xe hơi, còn bé Ny muốn mua búp bê màu hồng.

Dịp Tết năm nay, bé Chíp Sún có thêm dự định mới dành toàn bộ số tiền lì xì tặng các bạn nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh. Trước đó, con trai MC Hồng Phúc đã thực hiện bộ lịch từ thiện quyên góp chi phí giúp các bệnh nhi phẫu thuật tim.

Hoa hậu toàn cầu 2015 Hồ Oanh Yến cho phép các con tự giữ tiền lì xì. Mỗi khi nhận phong bao, hai bé lớn nhanh nhẹn cất vào chiếc túi đeo bên người. Bao lì xì của bé út, một tuổi, được mẹ cầm giúp. Các con của Oanh Yến hay sử dụng tiền lì xì mua đồ chơi. Ba bé thường hỏi ý kiến cô về món đồ muốn mua rồi nhờ mẹ đưa tới siêu thị.

Con gái Lều Phương Anh mới hai tuổi nên mỗi khi được lì xì, bé đưa ngay cho mẹ. Nữ ca sĩ quy đổi số tiền này thành thực phẩm, quần áo và trả các chi phí khác cho con.

Diễm Hương và con 

Từ lúc con trai chào đời, Diễm Hương có sở thích nuôi heo đất mỗi dịp Tết. Toàn bộ số tiền lì xì của Noah, con trai cô, được bỏ vào heo đất. Ra giêng, cả gia đình Diễm Hương quây quần mổ heo. Diễm Hương dùng số tiền tiết kiệm được làm từ thiện, mua quà tặng người già và những người có hoàn cảnh khó khăn.Bà mẹ nổi tiếng hy vọng dạy con bài học về lòng nhân ái khi Noah chập chững vào đời.

Gia đình Dương Thùy Linh

Bé Tod, con trai hoa hậu Dương Thùy Linh, thường nhờ mẹ giữ giúp tiền lì xì. Khi Tod lớn hơn và bắt đầu có nhu cầu chi tiêu, bé sẽ được mẹ dạy cách quản lý tài chính, cách tiết kiệm tiền để có thể sở hữu những món đồ yêu thích. Dương Thùy Linh có quan niệm rõ ràng về việc giữ hộ tiền mừng tuổi của con. Người đẹp mong muốn tạo niềm tin cho Tod vào lời hứa của bố mẹ bằng cách trao lại số tiền con gửi khi bé cần. Bà mẹ một con không tự ý sử dụng tiền mừng tuổi của Tod hay đưa ra nhiều lý do như mua sách vở, mua quần áo... để từ chối đề nghị được xin lại tiền của bé.

Và người Nhật dạy con dùng tiền lì xì thế nào?

Ngày đầu năm mới theo lịch dương, các gia đình Nhật Bản có truyền thống ngồi cùng nhau để chuyện trò, ăn uống. Tiền mặt có thể bị coi là món quà không hợp lý ở một số quốc gia, nhưng không thể phủ nhận rằng đối với một đứa trẻ bình thường, việc được quyền sử dụng tiền theo nhu cầu sẽ ý nghĩa hơn món quà cụ thể từ một người họ hàng.

Khoản tiền lì xì được xem như lời chúc một năm nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Không chỉ thế, đây là cơ hội để dạy trẻ về tính lịch sự, cách ứng xử khi nhận tiền và suy nghĩ thấu đáo về cách chi tiêu.

Tiền dùng để lì xì thường mới tinh, khiến trẻ có cảm giác phải dùng thật cẩn thận, giữ phẳng, không làm nhăn nhúm. Chúng thường nhận nó và nói to “Cảm ơn nhiều ạ”.

Mở phong bao trước mặt người tặng được xem là hành vi bất lịch sự, do đó trẻ phải học cách chờ đợi đến lúc thích hợp. Thái độ khi nhận quà được đề cao trong văn hóa Nhật Bản.

Độ tuổi nhận lì xì là từ trẻ sơ sinh đến thanh niên 20 tuổi - tuổi trưởng thành hợp pháp ở Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn được người thân lì xì bởi chi phí học tập và thuê nhà rất đắt đỏ. Trong các gia đình đông thành viên, người lớn có thể tiêu tốnkhá nhiều khi Tết đến bởi họ không chỉ lì xì cho con mà còn cho những đứa trẻ trong họ hàng.

Viện nghiên cứu trẻ em Kumon ở Nhật Bản cho biết, trung bình học sinh tiểu học ở xứ sở hoa anh đào có thể nhận được đến 5.000 yên (45 USD), trong khi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông bỏ túi gấp đôi số đó. Do vậy, kết thúc mỗi mùa Tết, tổng số tiền mỗi trẻ nhận được thường không nhỏ. Đây là dịp đáng chờ đợi trong năm của trẻ con Nhật Bản, tương tự việc được ông già Noel tặng quà vào Giáng sinh. Khác biệt ở chỗ trẻ được trao quyền quản lý tài chính.

Nếu tổng số tiền khá lớn, nhiều phụ huynh sẽ lấy một nửa cho vào khoản tiết kiệm ngân hàng để trẻ sử dụng trong tương lai, khi lên đại học. Phần còn lại, trẻ dùng theo ý thích, thường là mua món đồ chơi mơ ước từ lâu.

Ý nghĩa của tiết kiệm được lồng ghép vào truyền thống otoshidama. Dù có tiền, trẻ nên giữ lại một ít, không dùng trong một lần. Nếu tiêu hết ngay lập tức, chúng sẽ không thể mua những thứ mình muốn trong năm. Tuy nhiên, bố mẹ thường chỉ đưa ra lời khuyên, cho trẻ lựa chọn cách chi tiêu và tự rút kinh nghiệm.

Nguồn: Gia đình Việt Nam