Sau hình ảnh trẻ bị bỏ đói, sống nhem nhuốc ở Tịnh xá: Sư cô nói gì?
Một bức ảnh, hai câu chuyện?
Theo như chia sẻ của một nhóm bạn đến thăm Tịnh xá vào ngày 24-9, nơi ở của những đứa trẻ tại đây rất ô nhiễm khi mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, nhiều đứa trẻ không được mặc quần áo, thiếu tã lót rất mất vệ sinh. "Đồ ăn, thức uống vung vãi lung tung, mấy đứa nhỏ nằm lăn ra sàn gạch, buổi trưa không có được ăn uống gì", bạn K.T chia sẻ lên mạng xã hội.
Bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội bởi cảnh nhếch nhác của những đứa trẻ sống tại Tịnh xá Ngọc Tuyền.
Cảnh sinh hoạt thiếu điều kiện vệ sinh, các bé ngủ ngay dưới sàn nhà.
Sau khi thông tin được đăng tải, rất nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc và mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc để làm rõ thực hư điều kiện chăm sóc trẻ mồ côi tại Tịnh xá này. Để thông tin được rõ ràng, sáng 11-10 (khoảng 1 tuần sau khi những thông tin kia xuất hiện), chúng tôi đã tìm đến Tịnh xá Ngọc Tuyền (ngụ tổ 17, thôn Tân Hạnh, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) để xác minh sự thật.
Ngồi một góc trong nhà, sư cô Thích Nữ Giác Liên (tên thật là Phạm Thị Nương, 72 tuổi, trụ trì Tịnh xá) cho biết mấy đứa trẻ đều đã đi học, đến chiều mới về nhà nên trong Tịnh xá chỉ còn mỗi sư cô cùng hai người phụ việc cơm nước, giặt giũ cho lũ trẻ.
Tịnh xá Ngọc Tuyền nằm sâu trong con đường khoảng 5km từ QL51 đi vào.
Sư cô Giác Duyên là trụ trì của Tịnh xá, hiện đang chăm sóc 22 đứa trẻ bị bỏ rơi.
"Có một khoảng thời gian ở đây nhận nuôi tận 80 đứa trẻ, sau tụi nó lớn dần nên ra ngoài lập nghiệp, hiện chỉ còn 22 đứa ở với cô. Tụi nhỏ tội lắm, đứa nào cũng đáng thương cả, cô xem chúng như khúc ruột của mình", sư cô Giác Liên nói.
Tình trạng của Tịnh xá lúc này khác với bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội. Nơi sinh hoạt, ăn ngủ của những đứa trẻ trông sạch sẽ, ngăn nắp. Khi được hỏi về những bức ảnh trên mạng, sư cô Giác Liên cho biết đúng là những tấm ảnh đó chụp tại Tịnh xá, nhưng không phải sư cô để cho tụi nhỏ thiếu thốn, dơ bẩn đến vậy. Sư cô giải thích: "Mấy đứa nhỏ khi ăn uống thì hay vung vãi, cũng không tự vệ sinh được nên cảnh bừa bộn là dễ hiểu. Sau khi chúng ăn xong, các cô phụ việc đều lau dọn sạch sẽ, đâu có để tình trạng nhếch nhác xảy ra".
Căn phòng khoảng 60m2 là nơi sinh hoạt của 22 đứa trẻ tại Tịnh xá.
Phòng ăn được dọn dẹp một cách sạch sẽ.
Theo sư cô, vì Tịnh xá nằm sâu trong chân núi nên việc thuê người phụ việc chăm sóc những đứa trẻ cũng rất khó khăn. "Lúc trước có đến 4 cô bảo mẫu chăm sóc cho tụi nhỏ, tuy nhiên do công việc vất vả quá nên giờ chỉ còn có 2 người nhận làm", sư cô nói.
Tiếp xúc với 2 bảo mẫu tại Tịnh xá, họ đều cho biết việc dọn dẹp vệ sinh nơi ăn uống, ngủ nghỉ diễn ra mỗi ngày. Tuy nhiên, sau khi tụi nhỏ ăn bánh kẹo, uống sữa… thì cứ vứt bữa bãi, tụi nhỏ lại hiếu động nên chăm sóc cũng khó khăn.
Nhà vệ sinh, chỗ phơi đồ
Tịnh xá mới tổ chức chương trình Trung thu cho các em tại đây.
"Lúc trước có nhiều người làm nữa, nhưng cực quá, lại không chịu nổi áp lực tới 22 trẻ nên giờ chỉ còn mỗi hai chúng tôi. Mỗi ngày chúng tôi được trả 100.000 đồng, sáng lo cho tụi nhỏ đi học, chiều đón về để cho ăn uống rồi về, chứ không ở lại đêm. Tôi cũng nghĩ về lâu về dài nên có một chỗ ổn định, chăm sóc tốt hơn cho tụi nhỏ chứ sư cô cũng già rồi, ở đây lại thiếu người làm nên chuyện sơ suất là điều dễ hiểu", một "bảo mẫu" cho biết.
Theo như chia sẻ của một số người dân sống xung quanh Tịnh xá, sư cô Giác Liên là người có tấm lòng từ bi, hay giúp đỡ, nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi, khó khăn, bị bố mẹ bỏ rơi. "Do mấy đứa nhỏ quá tinh nghịch nên chuyện lấm lem của con nít là bình thường, Tịnh xá cũng thiếu người, nhưng sư cô lo lắng cho tụi nhỏ rất tốt, không có bỏ đói gì đâu", một người hàng xóm chia sẻ.
Tương lai nào cho những đứa trẻ mồ côi
Trong lúc ngồi nói chuyện cùng sư cô Giác Liên, một cậu bé nhanh nhảu cúi chào "sư phụ" lẫn chúng tôi rồi dắt xe đạp vào trong. Em là Phạm Hải Hoàng (12 tuổi), bị bố mẹ bỏ rơi được sư cô nhặt về nuôi trước cổng Tịnh xá từ khi còn nhỏ.
Em Phạm Hải Hoàng là trẻ mồ côi, hiện em đang học lớp 6 tại địa phương.
Chiếc xe đưa rước các em nhỏ đi học mỗi ngày của Tịnh xá.
Trò chuyện với cậu bé, em cho biết em bị bệnh ở mắt, dù đã được sư cô đem đi chữa trị nhưng vẫn không khỏi hẳn, em rất thương sư cô vì đã cưu mang, nuôi dạy em đến giờ.
"Em học lớp 6, hôm nay thầy cho nghỉ học nên em mới được về sớm. Em sống ở đây rất tốt, sư phụ rất thương em và các em nhỏ. Ở đây em được ăn no, không có thiếu thốn điều gì", em Hoàng chia sẻ.
Sau khi đi học về, các bé ở đây đều được tắm rửa sạch sẽ.
Giờ sinh hoạt của các bé sau bữa ăn tối.
Nói về điều kiện sinh hoạt của các em nhỏ tại đây, sư cô Giác Liên cho biết nỗi lo lắng duy nhất của cô chính là thiếu người chăm sóc cho tụi nhỏ. "Sữa bánh, tã lót tụi nhỏ đều có đầy đủ, mọi người mang đến rất nhiều. Có điều bảo mẫu ở đây lại không có đủ, chỉ hai người làm nên không xuể dẫn đến các bé không được chăm sóc chu đáo. Ở đây không thiếu tình thương, chỉ thiếu người chăm sóc các em mà thôi…", sư cô Giác Liên nói.
Những chiếc giường nhỏ để cho các bé ngủ nghỉ tại đây.
Để các em có điều kiện được cắp sách đến trường, mỗi buổi sáng sư cô đều thuê người chở các em đi nhà trẻ, mẫu giáo, đứa lớn thì tự đạp xe đi học cấp 1, cấp 2. Hiện có tất cả 22 em ở Tịnh xá đều được đi học đầy đủ, các em cũng chỉ ăn uống ở nhà buổi sáng và tối, còn lại do trường học săn sóc.
"Cô thương tụi nhỏ lắm, tụi nó đã không có cha, có mẹ rồi, nó gọi cô bằng cụ, bằng bà… đi học về là quấn quýt lấy cô. Có đợt một mạnh thường quân đến Tịnh xá xin nhận 4 đứa trẻ làm con nuôi, rồi sau đó dẫn mấy cặp vợ chồng nước ngoài tới bắt con nhưng cô nhất quyết không chịu. Có sướng khổ nó cũng do một tay mình nuôi nấng từ lúc sơ sinh, biết theo người ta rồi có xảy ra chuyện gì hay không, ai biết được lai lịch của mấy cặp vợ chồng kia như thế nào", sư cô Giác Liên kể.
Cũng theo sư cô, sau khi việc xin nhận con không thành, một số người đã chụp ảnh, đăng tải thông tin sai sự thật nói sư cô lợi dụng nuôi mấy đứa nhỏ để kiếm tiền từ thiện, lại không chăm sóc tốt cho tụi nhỏ khiến sư cô rất buồn.
Các bé ở đây rất tinh nghịch nhưng vô cùng đáng yêu.
"Phước phận ở đời mỗi người đều có, mình không sân si hay oán trách ai. Nếu ai đến Tịnh xá sẽ hiểu tấm lòng của cô dành cho tụi nhỏ. Điều cô mong muốn nhất là có thêm người chăm sóc để các con sinh hoạt, vui chơi được tốt hơn là đủ rồi", sư cô tâm sự.
Chính quyền địa phương không cấp phép cho Tịnh xá, có dự định chuyển các em tới trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cường, cán bộ phụ trách công tác tôn giáo UBND T.T Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết Tịnh xá Ngọc Tuyền hiện đang nuôi 22 trẻ bị bỏ rơi, kinh phí nuôi dưỡng dựa vào lòng hảo tâm, quyên góp của mạnh thường quân.
"Sau vụ việc một cháu bé tại Tịnh xá bị tử vong (đầu năm 2015), các ngành chức năng đã kiểm tra và phát hiện nơi đây chưa được cấp phép nuôi dạy trẻ, điều kiện cơ sở vật chất cũng không đáp ứng yêu cầu. Từ đó đến nay, dù địa phương phối hợp với rất nhiều cơ quan ban ngành kiểm tra, vận động sư cô Giác Liên phối hợp cải thiện điều kiện chỗ ăn ở, sinh hoạt, người chăm sóc cho các bé nhưng sư cô vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, dù phía Tịnh xá đã nhiều lần xin cấp giấy phép nhưng Phòng LĐTBXH và các đơn vị khác kiểm tra không đủ điều kiện nên không cấp phép. Không chỉ có Tịnh xá Ngọc Tuyền, hiện trên địa bàn thị trấn còn có 6 cơ quan Phật giáo khác cũng nuôi dạy trẻ mà chưa có phép", ông Cường thông tin.
Việc thiếu người chăm sóc khiến các bé rất thèm được các anh chị, cô chú đến ẵm bồng.
Một bé thích thú khi được cõng trên vai.
Trước thực trạng điều kiện chăm sóc trẻ không được đảm bảo tại Tịnh xá Ngọc Tuyền, phía chính quyền địa phương đã kiến nghị hình thức xử lý lên UBND huyện Tân Thành và chờ sự chỉ đạo.
"Cách đây ít ngày, Đoàn công tác liên ngành của huyện Tân Thành đã thăm, khám sức khỏe cho 17 em nhỏ được nuôi tại Tịnh xá Ngọc Tuyền đang học tại Trường MN Phú Mỹ và Trường MN Ánh Dương đã phát hiện 6 trẻ chưa có giấy khai sinh, bị bệnh ngoài da và không được vệ sinh sạch sẽ.
Tôi nghĩ trong thời gian tới sẽ đưa các em đến trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn, nơi có đủ điều kiện để các em được chăm sóc tốt hơn. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để sư cô Giác Liên có thể đến thăm hoặc nhận lại các em nếu cơ sở vật chất, người nuôi dạy trẻ tại Tịnh xá được đảm bảo", ông Cường cho biết.
Nguồn: Gia đình Việt Nam
- Xót cảnh 3 đứa trẻ bị chảy máu miệng, vợ chồng nghèo ngược xuôi lo cho con bị nói là dựng chuyện lừa đảo
- Cách chăm sóc trẻ bị viêm mũi họng cấp tại nhà
- Trẻ bị kim tiêm vứt bên lề đường đâm vào chân, cha mẹ cần làm gì?
- Bật xi nhan nhưng không rẽ, xi nhan nhầm hướng có bị phạt không?
- 12 trường hợp dù đi đúng tuyến vẫn không được hưởng BHYT, 5 trường hợp trái tuyến lại được chi trả 100%
- Ngành học "khó nhằn" nhưng không sợ thất nghiệp: Lương có thể tới 40 triệu đồng/tháng
- Năm học 2022-2023: Học phí tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi
- Thực đơn cơm nhà 4 món chưa tới 100.000 đồng, rất thích hợp cho ngày mát trời
- 10 kiểu tóc uốn layer phù hợp với mọi gương mặt chẳng bao giờ lo lỗi mốt
- Bạn trai tung ảnh tình tứ bên H'Hen Niê, vẫn dùng cách quen thuộc để che mặt đối phương
- 4 loại vắc-xin dịch vụ rất cần cho trẻ nhỏ: Cha mẹ nhớ kỹ
- 1Dấu hiệu nhận biết "100%" mẹ bầu mang thai bé trai
- 2Hướng dẫn cách cho trẻ ăn hoa quả theo từng tháng tuổi
- 3Mang thai con đầu lòng thường bao nhiêu tuần thì sinh?
- 4"Chuẩn không cần chỉnh" cách tính sinh trai, gái của cổ học phương Đông
- 511 biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục bé trai mẹ không được bỏ qua