Dòng sự kiện:

Sinh viên mới ra trường muốn lương 2.000 USD không phải điều viển vông

Theo Zing.vn
07:56 11/05/2017
Tìm thấy đam mê, không ngừng nỗ lực, giỏi ngoại ngữ, kỹ năng mềm... là những điều kiện cần thiết để sinh viên có mức lương cao sau khi ra trường.

Tại các trường đại học, nhiều sinh viên năm cuối nhận được mức lương khởi điểm 2.000 USD khi được tuyển dụng vào các công ty nước ngoài.

Trong đó, Nguyễn Xuân Bách - sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội - ứng tuyển và được nhận trong đợt tuyển dụng của Công ty Rakuten (Nhật Bản) với mức lương lên tới 3.000 USD/tháng.

Cần có hành trang tốt

Bách cho rằng để có cơ hội tìm được việc làm tốt, sinh viên cần học giỏi chuyên ngành, học thêm ngoại ngữ và tham gia hoạt động xã hội. Thời gian rảnh, các bạn có thể đọc thêm sách, nên thử áp dụng vào cuộc sống.

Chia sẻ với báo chí, Đỗ Thị Phương, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học (khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết cô vừa nhận được mức lương 2.000 USD tại một công ty Nhật. Phương nêu quan điểm, mỗi người chỉ có thể phát huy khả năng và không ngừng học hỏi khi được làm công việc yêu thích.

Theo nữ sinh, để có ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, bên cạnh trình độ chuyên môn, sinh viên cần tỏ ra hiểu biết về công ty, chứng minh được mình là người có năng lực, luôn sẵn sàng học hỏi để nâng cao kỹ năng cần thiết.

Cùng trường với Phương, Nguyễn Thị Quý (ngành Tiên tiến Hóa học) cũng vinh dự nhận được mức lương này khi làm việc tại Nhật Bản.

Đỗ Thị Phương - sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên. Ảnh: ĐHKHTN.

Phạm Văn Khánh (25 tuổi) là người Việt Nam đầu tiên tìm ra lỗ hổng bảo mật của Facebook, được công ty của Mỹ thưởng 6.000 USD. Trước đó, Khánh trở thành thủ khoa đầu vào Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 29,5.

Theo Khánh, ít nhà tuyển dụng Việt Nam nào trả mức lương 2.000 USD cho sinh viên mới ra trường. Một số công ty có trả mức đó cho người có kinh nghiệm hoặc tuyển vào vị trí quản lý.

Tuy nhiên, Văn Khánh cho rằng sinh viên mới ra trường mong muốn lương 2.000 USD không phải điều viển vông. Việc đặt mục tiêu cao sẽ tạo động lực lớn để bản thân không ngừng cố gắng, liên tục học hỏi, tích lũy kiến thức. Một sinh viên xuất sắc nếu chuẩn bị hành trang tốt, hoàn toàn có cơ hội đạt được mức lương đó.

Cụ thể, theo chàng trai tìm ra lỗ hổng Facebook, trước tiên, sinh viên cần tìm hiểu mình sẽ làm việc gì trong tương lai, chủ động tra cứu, tìm hiểu thông tin trên mạng, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước. Bạn trẻ nên trải nghiệm bằng việc làm thêm, thực tập hoặc tham gia các khóa học khác nhau.

9X nhìn nhận sinh viên hiện tại cần đáp ứng được các yêu cầu chung như ngoại ngữ, kỹ năng mềm. Riêng với lĩnh vực an toàn thông tin Khánh theo đuổi, sinh viên cần học tốt các môn căn bản ở năm thứ hai và ba, tham gia thường xuyên các cuộc thi CTF (Capture the flag) để nâng cao kiến thức và kỹ năng, theo dõi các chuyên gia giỏi trong ngành (twitter, blog..) xem họ làm gì để học theo. Đồng thời, các bạn nên thực tập ở đơn vị về an toàn thông tin phù hợp để có định hướng rõ ràng.

Cần có những ước mơ

Quan điểm của Phạm Văn Khánh về ước mơ khá đơn giản, chỉ cần làm được công việc mình yêu thích,có mức thu nhập cao và nhiều thử thách để luôn cố gắng không ngừng. Để đạt được ước mơ, các bạn trẻ nên nghĩ đến những mục tiêu dài hạn, bởi cuộc sống trôi qua rất nhanh.

Phạm Văn Khánh - chàng trai đầu tiên tìm ra lỗ hổng Facebook. Ảnh: NVCC.

“Trong khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn vài ngày, vài tuần hay vài tháng, mình phải tự ngồi lại xem bản thân làm được gì, không làm được gì và cần làm gì trong thời gian tới.

Dài hơn, trong một năm, hai năm, mình phải so sánh với những người khác giỏi hơn để xem đã bằng họ chưa, phải làm gì tiếp để vượt lên được như họ”, Khánh bày tỏ.

9X cho rằng ước mơ đôi khi là xa vời nhưng cần thiết để con người phấn đấu và trưởng thành hơn mỗi ngày. Vì vậy, dù khó thực hiện, ước mơ luôn là điều tuyệt vời.

Nguồn: Gia đình Việt Nam