Dòng sự kiện:

Sử dụng Facebook cứu kịp thời bệnh nhân hôn mê sâu

04:50 14/09/2015
Sự việc gây sốt trong dư luận về câu chuyện của bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn gọi điện từ TP HCM ra Thanh Hóa để hướng dẫn phác đồ điều trị cho đồng nghiệp, khi người bạn này gửi tin nhắn “cầu cứu” qua facebook. Bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch và hiện có chuyển biến tốt.



 

 

Cứu người từ tin nhắn Facebook
Ngày 10/9, khi đang theo dõi bệnh nhân trong phòng mổ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM (Q.5, TP. HCM), bác sĩ (BS) Nguyễn Anh Tuấn nhận được tin nhắn facebook của một đồng nghiệp.

Đoạn tin nhắn trao đổi nghiệp vụ từ 2 bác sĩ đã giúp cứu sống một mạng người.

Đang làm việc, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn là bác sĩ chuyên về gây mê của Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM nhận được tin nhắn từ Facebook của đồng nghiệp tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung Ương Hà Nội là bác sĩ gây mê hồi sức Nguyễn Thị Mão đề nghị hỗ trợ xử lý trường hợp một bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viên tư nhân của tỉnh Thanh Hoá bị hôn mê sau khi gây tê.

Nam bệnh nhân 26 tuổi này bị gãy xương đòn. Các bác sĩ bệnh viện tư nhân ở Thanh Hóa đã hết sức bối rối không biết chuyện gì xảy ra bởi sau khi gây tê, bệnh nhân hôn mê và đồng tử giãn.

Các thông số về dấu hiệu sinh tồn như huyết áp, nhịp tim của bệnh nhân vẫn bình thường, không hề có dấu hiệu của ngộ độc thuốc tê điển hình như co giật, rối loạn tuần hoàn, ngưng thở... Dấu hiệu nổi trội của bệnh nhân là hôn mê ngay sau khi gây tê.

Bản thân BS Mão cũng không biết nguyên nhân của hiện tượng hôn mê này là gì, nên điện thoại cho bác sĩ Tuấn nhờ tư vấn, thế nhưng do điện thoại bác sĩ Tuấn không liên lạc được nên BS Mão nghĩ ngay đến việc phải gửi tin nhắn qua facebook nhờ giúp đỡ.

Bác sĩ Tuấn vẫn thường xuyên lên mạng để chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn.

Ngay sau khi nhận được tin nhắn facebook, bác sĩ Tuấn đã gọi điện thoại lại cho bác sĩ Mão, vừa được bác sĩ Mão cung cấp thông tin bệnh nhân. Là một bác sĩ chuyên làm về gây  tê vùng và giảm đau, đã có kinh nghiệm trong các trường hợp ngộ độc thuốc tê toàn thân, bác sĩ Tuấn cho biết, ngay lúc đó ông đã nghĩ ngay đến việc đây là ca ngộ độc thuốc gây tê toàn thân (NĐTTTT) (tên tiếng Anh là LAST -  Local Anesthetics Systemic Toxicity), nhưng ở thể không điển hình. Ngay lập tức BS Tuấn gửi cho BS Mão một phác đồ cấp cứu bằng phương pháp lipid 20% qua facebook.

Vẫn không yên tâm, BS Tuấn nhờ BS Mão cung cấp số điện thoại của ông cho bác sĩ tại bệnh viện T. tỉnh Thanh Hóa, để bác sĩ này gọi ngay đến cho ông trực tiếp nắm bắt tình hình và hướng dẫn phương pháp sử dụng lipid 20% truyền tĩnh mạch nhanh để cấp cứu. 15 phút sau cuộc điện khẩn cấp đó, từ ngoài Bắc gọi vào cho biết, bệnh nhân đã tỉnh.

Nên sử dụng Facebook trong công việc chuyên môn?

Bác sĩ Anh Tuấn - Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM.

"Niềm vui đến như chính tôi cấp cứu thành công ca này", bác sĩ Tuấn chia sẻ trên trang cá nhân.Cảm xúc như vỡ òa, nhẹ nhõm trong lòng một bác sĩ giàu lòng nhân ái.

Nickname Nghĩa Mai bình luận: "Thời đại công nghệ thật tuyệt, các bác sĩ từ xa đã có thể hỗ trợ được cho nhau trực tiếp. Chúc mừng bệnh nhân, chúc mừng bác sĩ".

Còn trên trang cá nhân, facebooker Nguyễn Mao, đồng thời là bác sĩ kết nối để có cuộc tư vấn cho bệnh nhân tại Thanh Hoá chia sẻ: "Mình đã vận dụng hết kiến thức đã học và đã đọc để chuẩn đoán nhưng không nghĩ ra được vì mình chưa gặp bao giờ. Ngay lúc đó mình nghĩ đến 'sư phụ' Nguyễn Anh Tuấn. Điện thoại mấy lần đều không liên lạc được, thế là mình nghĩ ngay đến nhắn tin qua Facebook... Trời đã không phụ lòng mình, và cuối cùng bệnh nhân đã được cứu sống. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn Dr. Nguyễn Anh Tuấn".


Nhiều bác sĩ khác cũng như bạn bè trên Facebook của bác sĩ Tuấn nhân dịp này đã đề nghị lập trang Facebook chuyên ngành để chia sẻ thông tin, kiến thức...

Chia sẻ về việc sử dụng facebook trong công việc chuyên môn, bác sĩ Tuấn cho biết: "Tôi sử dụng facebook được hơn 1 năm. Nhờ có facebook tôi đã kết nối với nhiều bác sĩ trong và ngoài nước, để trao đổi thông tin khoa học và kinh nghiệm, bổ sung nhiều kiến thức về y học, đặc biệt là gây mê hồi sức và giảm đau. Sau khi đăng một chia sẻ trên facebook nhằm phổ biến đến mọi người sự quan trọng của phương pháp cấp cứu bằng lipit 20%, tôi không ngờ nó tạo được tiếng vang lớn như thế. Tôi mừng vì nhiều người, hầu hết là các bác sĩ đã hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của biến chứng NĐTTTT  và biết vai trò của lipid 20% trong điều trị.

Mạng xã hội đã mang đến cho ông nhiều mối quan hệ đồng nghiệp, nhiều thông tin bổ ích. Ông cho biết, ông cũng sẵn sàng online chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình với những ai quan tâm và cần ông tư vấn, hỗ trợ: “Tôi cũng nhận được nhiều lượng like, hàng trăm yêu cầu kết bạn, mà chủ yếu là các đồng nghiệp làm công việc có liên quan đến gây tê như gây mê hồi sức, ngoại khoa, sản khoa, răng hàm mặt, tai mũi họng, thẩm mỹ…Nhiều người là đồng nghiệp gửi yêu cầu kết bạn cũng như trao đổi kiến thức, nhờ tư vấn tin nhắn facebook. Sau khi tôi đăng thông tin về ca điều trị này lên trang cá nhân, tôi phải... online liên tục để trả lời các câu hỏi liên quan, cũng như liên tục đăng tải các kiến thức cập nhật về điều trị NĐTTTT cả bằng tiếng Anh và Tiếng Việt để chia sẻ thông tin với các bạn. Việc này làm tôi cũng tốn nhiều thời gian nhưng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã được chia sẻ những kiến thức bổ ích với mọi người qua facebook".


Ông Tuấn cho biết, ông sẵn sàng trao đổi với bất kỳ người nào khi cần ông tư vấn, hỗ trợ, bổ sung kiến thức về y học, đặc biệt là gây mê hồi sức và giảm đau. Vì theo ông chỉ có kiến thức y khoa cũng như các ngành khoa học khác đều thay đổi một cách nhanh chóng và faceboook là một phương tiên tuyệt vời để cập nhật kiến thức về chuyên ngành.

 

 

NHƯ Ý (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin