Dòng sự kiện:

Sự thật ghê rợn tại các “công xưởng” sô cô la nổi tiếng nhất thế giới

17:36 26/10/2015
Rất ít người biết, để có những thanh sô cô la ngọt ngào cho chúng ta thưởng thức, 300000 trẻ em đang phải vắt kiệt sức mỗi ngày tại các nông trại ca cao ở Tây Phi.

 

 

 


Chúng không được trả lương, bị đánh đập tàn nhẫn, bị bỏ đói và phải làm việc không ngơi nghỉ. Nếu tìm cách bỏ trốn, chúng sẽ bị trừng phạt dã man. Có gần 300 000 đứa trẻ như vậy đang bị đày ải tại các nông trại ca cao ở Tây Phi và hầu hết dưới 14 tuổi.

Riêng ở Bờ Biển Ngà, “nông trường ca cao” khổng lồ cung cấp khoảng 50% nhu cầu sô cô la của thế giới, có ít nhất 6000 nô lệ trẻ em được mua về với giá rẻ mạt chừng 28 USD/trẻ. Chúng là nạn nhân của tình trạng buôn người, bị bóc lột sức lao động và chịu ngược đãi thường xuyên.

Điều đáng sợ là lao động  cưỡng bức và sử dụng trẻ em đã trở thành đặc trưng của ngành công nghiệp sản xuất ca cao ở Tây Phi, và các hãng sô cô la đình đám đều làm ngơ trước thực trạng này.

Để bóc trần sự thật đau lòng tại các “địa ngục trần gian”, nhiều nhà làm phim đã cố gắng len lỏi vào các công trường ca cao. Trong bộ phim tài liệu Slavery: A Global Investigation, ê-kíp  sản xuất đã tiếp xúc với 19 thanh thiếu niên được cứu thoát khỏi thảm cảnh tại Bờ Biển Ngà. Các em nhỏ cho biết, trong suốt 6 tháng trời, chúng bị ép lao động quần quật từ sáng sớm, đến tối muộn thì bị nhốt trong một chiếc lồng. Mỗi người được phát một chiếc cốc bằng thiếc để đi tiểu. Ngoài ra, chúng thường xuyên bị lột trần và chịu những trận đòn man rợ.

Khi bộ phim ra mắt năm 2000, một làn sóng căm phẫn đã dấy lên trên toàn thế giới. Các tập đoàn nổi tiếng trong ngành sản xuất sô cô la bị chỉ trích nặng nề, đặc biệt là Hershey. Tập đoàn này bị cáo buộc làm ngơ trước cảnh bóc lột sức lao động trẻ nhỏ trong khi “ngụy trang” bằng cách ủng hộ các quỹ từ thiện dành cho trẻ em ở Mỹ.

Tất nhiên, Mars, Hershey, Nestle và nhiều hãng sản xuất sô cô la nổi tiếng khác đều  phủ nhận trách nhiệm đối với tình trạng nô lệ trẻ em ở Tây Phi. Thực ra, ở vị trí các “ông lớn”,   họ hoàn toàn có thể gây áp lực với các nông trại vi phạm luật lao động. Thế nhưng, vì muốn mua nguyên liệu giá rẻ, họ sẵn sàng “nhắm mắt làm ngơ” trước tội ác.

Thực ra, từ năm 2005, dưới áp lực từ dư luận và Chính phủ Mỹ, 8 công ty sản xuất chocolate lớn nhất thế giới, trong đó có Nestle, Mars và Hershey đã ký kết hiệp định không sử dụng lao động trẻ em. Nhưng 15 năm trôi qua kể từ ngày những thước phim của sự thật ra mắt, số lượng lao động trẻ em bị sử dụng trong ngành công nghiệp này đã tăng lên đến 51%.

SÔNG THAO (tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Xem thêm:

[mecloud]j5KsZs3KsA[/mecloud]