Dòng sự kiện:

Sự thật tháng cô hồn phải cho sờ ngực, kiêng nhặt tiền rơi

19:17 17/08/2015
Trong tháng cô hồn phải cho bạn trai sờ ngực hay kiêng không nhặt tiền có đúng không?
Trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, tháng 7 được gọi là “tháng cô hồn” (tháng của những “vong hồn cô đơn”). Người xưa tin ngày 15/7 âm lịch là ngày "mở cửa địa ngục", các cô hồn được xá tội, thoát về dương thế, vảng vất khắp nhân gian. Vì vậy, mọi người đều cúng chúng sinh bằng cháo loãng, gạo, bỏng, muối… để siêu sinh cho những linh hồn không nơi nương tựa ấy. 

Điều này thể hiện triết lý nhân văn cao đẹp của tổ tiên, với mong muốn mọi linh hồn đều được cơ hội siêu thoát và mong muốn những ai từng lầm lỡ đều phục thiện.

Trong văn hóa Phật giáo, ngày rằm tháng 7 là ngày lễ Vu lan, dịp để con cháu báo hiếu cha mẹ, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Như vậy, rằm tháng 7 là dịp để người còn sống cúng tế, hướng về người đã khuất, với quan niệm mọi vong linh đều được cầu siêu thoát, đều được cúng tế, quan tâm.

Gần đây dân mạng truyền tay nhau danh sách những điều kiêng kị trong tháng cô hồn để tránh xui xẻo trong cả tháng. Với quan niệm " có thờ có thiêng, có kiêng có lành" nhiều người vẫn tin và chú trọng làm theo. Ngoài ra tục lệ lạ thiếu nữ phải cho các chàng trai sờ ngực trong tháng cô hồn cũng gây xôn xao trong cộng đồng mạng.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng Phòng Quản lý khoa học-Dự án Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM: "Đây là một quan niệm cực đoan, lợi dụng, được một số kẻ xấu (thường là nam giới) đồn thổi với mục đích sàm sỡ, vụ lợi. Hãy nhớ rằng, ngày xưa với quan niệm Nho giáo khá nghiêm ngặt, nam nữ thụ thụ bất tương thân, các cô gái hết sức coi trọng công dung ngôn hạnh, giữ gia giáo, vậy liệu có hay chăng chuyện “để nam giới sờ ngực mới không bị cô hồn bắt cóc”?

Trên tờ Trí thức trẻ, ông Thơ cho rằng quan niệm xấu này cần chóng được loại bỏ, bởi nếu không nó sẽ lây lan do tác động của mạng xã hội và đến một lúc nào đó sẽ phải đối mặt với quan niệm giật gân hơn thế.

Về tục kiêng nhặt tiền rơi trong tháng cô hồn, ông Thơ cho biết đây là quan niệm xuất phát từ dân gian cho rằng những thứ đã cúng (tiền âm phủ, tiền thật, bánh trái...) đều thuộc về thế giới bên kia, người ta sợ khi nhặt những thứ ấy sẽ biến mình thành “đối thủ” của họ.

"Theo tôi, chúng ta nên giáo dục công dân không được nhặt tiền rơi dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là ngày tháng nào trong năm, bởi việc nhặt tiền rơi có thể là nguồn cội của lòng tham", ông Thơ nói trong bài phỏng vấn với tờ Trí thức trẻ.

"Suy cho cùng, việc giữ một số kiêng kỵ nhằm hướng cuộc sống con người đến sự an lành, sức khỏe và hạnh phúc, dù cho người ta có thần bí hóa hay tâm linh hóa các tập tục kiêng kỵ ấy đến mức nào. Mỗi người Việt Nam tiến bộ đã đủ tự tin để làm chủ vận mệnh của mình, của gia đình mà không cần phải lo sợ về những điều mơ hồ, thiếu cơ sở khoa học như quan niệm sợ cô hồn quấy phá hay làm tổn hại đến mình", ông Thơ nói.

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin