Dòng sự kiện:

Sức hấp dẫn của tranh biếm họa trong SGK Lịch sử

23:00 11/01/2016
Trong SGK Lịch sử của Đức, dễ dàng bắt gặp những hình ảnh biếm họa các nhân vật, sự kiện lịch sử. Chính điều này đã đưa đến một kết quả khả quan mà chính các giáo viên cũng không thể ngờ tới.

 

 

 

[mecloud]DRRdi4NBW2[/mecloud]

Đó là nhận định của hai giảng viên của Trường ĐH sư phạm Hà Nội 2 - cô Hoàng Thị Nga và Ninh Thị Hạnh - khi nghiên cứu về SGK Lịch sử của nước Đức.

Tranh biếm họa - phần không thể thiếu của dạy học Lịch sử ở Đức

Giảng viên Hoàng Thị Nga và Ninh Thị Hạnh cho biết: Tranh biếm họa được sử dụng trong SGK Lịch sử của Đức từ những năm 50 của thế kỷ XX, nhưng giai đoạn đầu còn khá dè dặt.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm, khi các nhà giáo dục học thử nghiệm sử dụng tranh biếm họa trong dạy học Lịch sử, thực tế đã có kết quả rất khả quan.

Cuối thập niên 70, các nhà nghiên cứu giáo dục học nói chung và giáo dục Lịch sử nói riêng của nước này đã hoàn thiện các nghiên cứu về việc sử dụng tranh biếm họa như một loại tài liệu trong dạy học Lịch sử

Do đó, đến thập niên 80, hầu hết SGK Lịch sử ở Tây Đức đều sử dụng tranh biếm họa như một loại kênh hình phổ biến, bên cạnh các tài liệu khác như tranh ảnh, bản đồ, lược đồ, sơ đồ, tài liệu chữ viết... Thông thường, mỗi cuốn SGK Lịch sử ở CHLB Đức dày từ 180 đến 350 trang với khoảng 300 hình thì có khoảng 30 - 45 tranh biếm họa.


Một hình ảnh tranh biếm họa trong SGK Lịch sử của ĐứcMột hình ảnh tranh biếm họa trong SGK Lịch sử của Đức.

Theo hai giảng viên, tranh biếm họa Lịch sử sử dụng trong SGK được phân loại khá phức tạp. Bên cạnh biếm họa nhân vật, xét theo nội dung thì tranh biếm họa sự kiện chiếm tỉ lệ nhiều nhất.

Đó có thể là tranh biếm họa về cuộc chiến tranh, về kết quả của cuộc bầu cử, một sự kiện chính trị, hoặc đơn giản là một bài phát biểu chính trị hay một chính sách mới ban hành...

Tranh biếm họa về quá trình thường phức tạp hơn. Đó phải là một chuỗi quá trình từ khởi đầu, phát triển đến khi kết thúc và trong đó hình ảnh ban đầu - cuối cùng phải có sự đối lập, sự khác biệt để người học có thể đánh giá được quá trình đó.

Phân tích về sức hấp dẫn của tranh biếm họa, giảng viên Hoàng Thị Nga và Ninh Thị Hạnh cho rằng: Tranh biếm họa có yếu tố cường điệu, hài hước, lạ lẫm, không nặng nề, khô khan như bản đồ, lược đồ... nên thu hút học sinh.

Mặc dù loại tranh này ít nhiều mang tính chủ quan của tác giả, nhưng nó cũng có ý nghĩa sư phạm to lớn, đặc biệt trong dạy học Lịch sử trên cả 3 mặt: Kiến thức, thái độ và kĩ năng.

Về kiến thức, khi xem xét một tranh biếm họa, muốn hiểu được những biểu hiện trong đó nói lên điều gì, học sinh phải đặt nó trong tổng thể kiến thức. Bên canh phân tích, học sinh phải thiết lập các mối liên hệ, giả thuyết giữa hình ảnh và nội dung bài học để phán đoán và kết luận...

Về thái độ, tranh biếm họa mang đến sự hấp dẫn và cuốn hút bởi chính đặc thù của tranh. Học sinh, nhất là học sinh THCS bị lôi cuốn vào yếu tố hài hước, trào phúng hay sự thể hiện biếm họa độc đáo trong bức tranh. Học sinh từ chỗ tò mò, hiếu kì về những yếu tố đặc biệt trong tranh, đi đến muốn tìm hiểu nội dung ẩn giấu trong đó...

Về kĩ năng, việc sử dụng thích hợp tranh biếm họa đã thúc đẩy học sinh không thể làm việc đơn giản thông qua phân tích văn bản hay nghe giảng đơn thuần mà đòi hỏi thổng hợp các kĩ năng: Phân tích hình ảnh, đọc văn bản, liên hệ kênh chữ và kênh hình, phán đoán, liên hệ, suy xét và kết luận. Các hình ảnh mang yếu tố trực quan đánh thức tư duy, đưa học sinh đi từ biết đến hiểu sâu sắc kiến thức.

Lựa chọn tranh biếm họa trong SGK Lịch sử của Việt Nam

Từ những phân tích trên, giảng viên Hoàng Thị Nga và Ninh Thị Hạnh đề xuất khả năng vận dụng tranh biếm họa trong SGK Lịch sử mới của Việt Nam.

Trong đó, nhấn mạnh những nội dung kiến thức có thể sử dụng bộ tranh biếm họa trong SGK Lịch sử như: Nội dung kiến thức có khái niệm lịch sử mà học sinh cần hiểu rõ bản chất (như khái niệm chủ nghĩa đế quốc, công ty độc quyền...);

Nội dung kiến thức đòi hỏi học sinh phân tích, đánh giá, nhận xét hoặc đưa ý kiến cá nhân (như tính chất một cuộc chiến tranh, vai trò lịch sử của một nhân vật nhất định, ý nghĩa của một cuộc cách mạng...);

Nội dung kiến thức có tính chất khái quát hóa hoặc nội dung ôn tập cuối bài học, tổng kết chương, phần. Ví dụ: Đặc điểm của nhân vật lịch sử, đặc điểm của một giai cấp trong xã hội; đặc điểm, tác động của một chính sách...

Lưu ý, không nên sử dụng quá 3 tranh biếm họa cho một nội dung kiến thức hoặc quá 5 tranh trong một tiết học.

Cũng theo hai giảng viên, cần đa dạng cách thức sử dụng tranh biếm họa trong dạy học lịch sử. Tranh biếm họa mang nhiều yếu tố châm biếm, hài hước, thu hút học sinh, nhưng không nên chỉ sử dụng tranh biếm họa vào mục đích minh họa nội dung kiến thức, hoặc "mua vui" cho học sinh.

Giáo viên có thể sử dụng tranh biếm họa hướng dẫn học sinh nghiên cứu kiến thức bài mới hay hướng dẫn học sinh tự học. Tính sinh động và hấp dẫn kích thích học sinh tìm hiểu trước nội dung kiến thức bài mới để "giải mã" tranh.

Giáo viên cũng có thể thiết kế hệ thống câu hỏi, bài tập, phiếu học tập kết hợp với việc sử dụng tranh biếm họa giúp học sinh tự ôn tập và chuẩn bị bài mới ở nhà một cách hiệu quả.

Ngoài ra, tranh biếm họa cũng có thể được dùng trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đây là biện pháp làm giảm sự căng thẳng, nặng nề của học sinh khi đối diện với việc kiểm tra.

Bên cạnh đó, sử dụng tranh biếm họa để rèn kĩ năng thực hành, giáo viên yêu cầu học sinh sưu tầm tranh biếm họa trên sách báo, tạp chí, internet... phục vụ nội dung bài học; thiết kế sản phẩm học tập (ấn phẩm, bản tin, làm phim, dựng trang web...) về nhân vật, sự kiện lịch sử, hiện tượng lịch sử có sử dụng tranh biếm họa nói riêng và các kênh hình khác nói chung...

Tuy nhiên, hai giảng viên cũng lưu ý, không phải tranh biếm họa nào cũng phù hợp cho việc dạy và học, vì vậy học sinh cần được cung cấp các địa chỉ tin cậy, các tiêu chí rõ ràng để sưu tầm, lựa chọn và sử dụng tranh biếm họa.

Theo Giáo dục và thời đại

>> Xem thêm video: [mecloud]n1SDj3T5se[/mecloud]