Dòng sự kiện:

Sững sờ khi nghe con nói: "Mong mẹ đừng về nhà nữa"

22:27 25/09/2015
Chị Vân có cậu con trai bốn tuổi tên là Bin. Từ ngày chị chuyển sang làm việc cho công ty mới, dù lương cao hơn nhưng công việc lại rất bận rộn.

Chị Vân lúc nào cũng trong tình trạng "quá tải" và trút hết những stress ấy lên đầu chồng và con. Cứ mỗi khi chị Vân ở nhà thì ai cũng biết bởi chỉ cần nghe tiếng chị cằn nhằn chồng và quát mắng con là biết. Có lúc chị về nhà thấy con trai nghịch ngợm liên cầm ngay chối vụt con lia lịa, khiến thằng bé khóc toáng lên. Thế nhưng nó vẫn ấm ức: "Mẹ có bao giờ chơi với con đâu".

Một lần chị Vân đến trường đón con thì nghe cu Bin nói chuyện với bạn: "Tớ ghét mẹ lắm, mẹ tớ về nhà chỉ để mắng tớ thôi. Tớ chỉ ước mẹ đừng về nữa". Chị Vân nghe mà lặng cả người và thấy đau nhói tận tâm can.

Trong cuộc sống, những tình huống như chị Vân không phải là hiếm. Những bà mẹ bị stress vì áp lực công việc bao giờ cũng kém kiềm chế, dễ nổi cáu. Con chỉ gây một lỗi rất nhỏ mà vẫn bị quát mắng hoặc trừng phạt nặng nề.


Bị mắng mỏ liên tục, trẻ sẽ trở nên trơ lỳ, không sợ, bất cần. Dần dần, trẻ sẽ cảm thấy không còn tôn trọng, yêu quý mẹ. Trẻ phản ứng bằng cách cãi lại, lúc này mẹ lại cho rằng con hỗn láo và tình trạng trở nên tệ hơn.

Ở tình huống trên, chắc chắn chị Vân sẽ rất khổ tâm, hoảng sợ và lúng túng không biết phải làm sao. 

Lời khuyên của chuyên gia là: Không phải cứ mắng mỏ, quát nạt thật nhiều thì trẻ sẽ nghe lời. ngay cả khi nóng giận, cha mẹ cũng nên cố giữ tỉnh táo để không dùng những từ ngữ nhục mạ con. Không có cách nào khác là bạn phải cố không trút stress do công việc lên đầu con cái. 

Nếu bạn nhận ra rằng đó là lỗi của mình, hãy thay đổi chính bản thân mình trước, cứu vãn tình hình trước khi quá muộn. Hãy sắp xếp lại công việc của mình hoặc chuyển sang một công việc mới mà bạn có thời gian gần gũi, học và chơi cùng con.

Nếu có thể, hãy ôm con ngay khi bạn trở về nhà. Bạn sẽ nhận ra, cái ôm đó có ý nghĩa lớn lao thế nào. Cảm giác được xoa dịu, được sưởi ấm, được an ổn sẽ lấn lướt những căng thẳng, bực bội, mệt mỏi, chán chường kia.


Nếu trạng thái căng thẳng trong đầu bạn lên mức cực điểm, hãy dành ra 5 phút để ngồi xuống, dang tay ra và ôm con vào lòng.

Khi bạn dang tay và mở lòng, bạn sẽ thấy mình được tiếp thêm sức mạnh, để tiếp tục đối diện với cuộc sống khó khăn, một cách đầy bản lĩnh.

Những đứa trẻ khi ấy sẽ giúp bạn nhận ra con cái là nguồn sức mạnh chứ không phải là nơi để mình trút giận.

[mecloud]pjX5aWUqML[/mecloud]

Đinh Hương

Nguồn: Gia đình Việt Nam