Dòng sự kiện:

Tai nạn ở trẻ em: Lỗi đầu tiên là ở phụ huynh

14:16 01/09/2015
Tai nạn giao thông là một trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho tất cả trẻ em từ 5 tuổi trở lên, trong đó, có nhiều vụ tai nạn xảy ra do phụ huynh bất cẩn.
Một số phụ huynh phản ánh, hàng ngày đi trên đường thấy các bà mẹ, ông bố chở con vô tư chạy, phóng nhanh, vượt ẩu, cúp đầu xe tải, thậm chí vượt cả đèn đỏ khiến nhiều người lo lắng.

"Tôi từng chứng kiến một sự việc: Người cha đưa con đi học, khi ngừng lại cổng trường đông đúc, xe cứ để ga và số, thằng nhỏ thả xuống vô tình nắm vào tay ga, gồ ga xe bay, hai cha con nằm một đống, may mà chiếc xe đè lên thằng nhỏ chỉ bị xây xát nhẹ, không là tiêu đời", độc giả Lê Văn Nghĩa chia sẻ.

Nhiều bậc cha mẹ chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm cho con. (Ảnh: Báo Vietnamnet).

Bạn Phạm Thủy lo lắng: "Nhiều lần đi trên đường tôi cũng phải giật mình hoảng hồn khi nhìn thấy những ông bố, bà mẹ chở con nhỏ trước xe. Một tay chạy xe, một tay ẵm con nhỏ ngủ say đến nỗi không biết gì. Vậy mà người lớn cứ lao vun vút không một chút lo lắng hay suy nghĩ gì cả. Mình thì cứ sợ một khi có vật gì cản trước thì làm sao đứa bé có thể an toàn?".

[mecloud]yPJe0hczIA[/mecloud]

Theo một Báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 2.000 trẻ em tử vong mỗi ngày do thương tích không chủ ý và mỗi năm có thêm hàng chục triệu trẻ em trên toàn cầu phải tới bệnh viện do thương tích và hậu quả gây ra cho các em thường là các thương tật lâu dài.

Báo cáo Toàn cầu về Phòng chống Thương tích Trẻ em là một đánh giá tổng thể đầu tiên trên toàn thế giới về thương tích không chủ ý ở trẻ em và đưa ra các biện pháp phòng chống. Báo cáo kết luận rằng nếu các biện pháp phòng chống đã qua kiểm chứng được thực hiện ở mọi nơi thì sẽ có ít nhất 1.000 trẻ được cứu sống mỗi ngày.

"Thương tích trẻ em là một vấn đề quan trọng trong lĩnh vực y tế công cộng và phát triển. Bên cạnh 830.000 ca tử vong mỗi năm, hàng triệu trẻ em phải gánh chịu các thương tích không gây chết người nhưng lại thường phải nằm viện và phục hồi chấn thương trong thời gian dài," Tổng Giám đốc WHO, Tiến sỹ Margaret Chan cho biết. 

Riêng tại Việt Nam, tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2014 cả nước có khoảng 9.000 người chết do tai nạn giao thông, trong đó 1/3 là trẻ em.

Trung bình mỗi năm có 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm tỉ lệ khoảng 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích và phần lớn các em này đều không được đội mũ bảo hiểm khi xảy ra tai nạn.

Khi chạy xe, dù con đã lớn nhưng cha mẹ vẫn cố dồn ép để chở ba, chở bốn gây quá tải, điều khiển khó khăn. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ).

Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật thực nghiệm (ĐH Y Dược TP.HCM), trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết, có 2 nguyên nhân gây thương tích ở trẻ em là tai nạn trong sinh hoạt và tai nạn giao thông.

Dù chưa có một số liệu thống kê chính xác các nguyên nhân gây tai nạn thương tích ở trẻ em nhưng bác sĩ Nam Anh cho rằng: “Người lớn cứ hay đổ lỗi do trẻ nghịch phá, nhưng thực chất lỗi của người lớn là nhiều nhất”.

Bác sĩ Nam Anh dẫn chứng khi chạy xe, dù con đã lớn nhưng cha mẹ vẫn cố dồn ép để chở ba, chở bốn gây quá tải, điều khiển khó khăn; không đội mũ bảo hiểm cho trẻ; vượt đèn đỏ, lạng lách.

Bố mẹ làm gì thì trẻ sẽ làm theo như vậy nên khi trẻ gặp tai nạn, lỗi đầu tiên là ở người lớn mà cụ thể là chính phụ huynh.

Thạc sĩ, bác sĩ Cao Xuân Minh - Giám đốc phòng khám đa khoa Ngọc Minh (quận 11, TP.HCM) cũng cho rằng: “Nhiều người cho con đứng trên yên xe khi xe đang chạy rồi phóng nhanh, vượt ẩu trong khi con nhỏ chưa ý thức được những nguy cơ có thể có từ thế giới xung quanh nên rất cần sự chăm sóc của cha mẹ. Trẻ gặp tai nạn phần nhiều do người lớn bất cẩn trong chăm sóc, nuôi dạy và sinh hoạt hằng ngày”.

“Tuổi nhỏ là tuổi nhận thức phát triển rất nhanh, vì vậy các em luôn tò mò với sự vật xung quanh. Nếu đứng trước môi trường lạ và có cơ hội, trẻ sẽ tham gia môi trường đó để khám phá thế giới mà bản thân trẻ không ý thức được sự nguy hiểm", Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM) nói.

Phân tích về những tai nạn xảy ra với trẻ em do phụ huynh bất cẩn, Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A (giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM) cho rằng, phụ huynh đã chủ quan, không đặt mình vào vị trí của trẻ. Phụ huynh có năng lực xử lý tình huống nhưng trẻ thì không. Trẻ sao chép hành vi của người lớn nhưng không biết rằng muốn làm được điều đó thì phải có năng lực đi kèm.

"Phải luôn cẩn thận trong bất kỳ hoàn cảnh, trường hợp nào. Những điều tưởng chừng an toàn nhất đều có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Phụ huynh bằng tình yêu, trách nhiệm với con cái hãy đặt an toàn của trẻ lên cao nhất trong mọi trường hợp, kể cả khi trẻ ở trong nhà, luôn luôn để trẻ trong tầm quan sát", thạc sĩ Nhi A nói.

 5 nguyên nhân thương tích hàng đầu gây tử vong ở trẻ em là:

1. Tai nạn giao thông đường bộ: giết chết 260.000 trẻ em mỗi năm và làm bị thương 10 triệu em khác. Đây là nguyên nhân dẫn đầu gây tử vong cho các em trong độ tuổi từ 10 đến 19 và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây thương tật cho trẻ em.

2. Đuối nước: giết chết hơn 175.000 trẻ em mỗi năm. Hàng năm, khoảng 3 triệu trẻ em khác sống sót được sau khi bị đuối nước. Do tổn thương não ở một số trường hợp sống sót, đuối nước không tử vong (non-fatal drowning) gây tác động về kinh tế và sức khỏe cao nhất so với bất kỳ loại thương tích nào.

3. Bỏng: bỏng do lửa giết chết gần 96.000 trẻ em mỗi năm và tỷ lệ tử vong tại các nước có thu nhập thấp và trung bình cao gấp 11 lần tại các nước có thu nhập cao.

4. Ngã: gần 47.000 trẻ em tử vong do ngã mỗi năm, tuy nhiên còn có hàng trăm nghìn trẻ em khác phải chịu thương tích với các mức độ khác nhau sau khi bị ngã.

5. Ngộ độc: hơn 45.000 trẻ em tử vong mỗi năm do ngộ độc không chủ ý.

Khánh Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Video đang được quan tâm:

[mecloud]di6nAuvc3G[/mecloud]