Dòng sự kiện:

Tận dụng sức mạnh lời nói để con nghe lời mẹ răm rắp

23:26 14/10/2015
Trẻ con không cứng đầu hay bướng bỉnh như bố mẹ vẫn nghĩ, chỉ là các bậc phụ huynh chưa biết cách sử dụng ngôn ngữ để thuyết phục con đấy thôi!

Lập trình ngôn ngữ tư duy (tên tiếng Anh đầy đủ là Neuro-Linguistic Programming, viết tắt là NLP) chứa đựng ba thành tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành những kinh nghiệm cá nhân của mỗi chúng ta bao gồm: Thần kinh học, ngôn ngữ học và các mô thức được lập trình sẵn. NLP nghiên cứu tỉ mỉ về cách mỗi cá nhân hành xử theo thói quen. Mục đích của các nghiên cứu này nhằm vào việc thay đổi tận gốc hành vi, tức thay đổi lối tư duy dẫn đến hành vi.

Bà Alicia Eaton là một chuyên gia nghiên cứu về NLP. Dựa vào những nghiên cứu đã tiến hành, Alica cho ra đời cuốn sách có tựa đề “How to get kids to do almost anything” (tạm dịch “Làm thế nào để trẻ luôn nghe và làm theo”). Nội dung cuốn sách này hướng dẫn các bậc làm cha mẹ cách khai thác sức mạnh ngôn ngữ để khiến trẻ ngoan ngoãn nghe lời.

Xin giới thiệu với các mẹ 10 cách thức để con nghe lời được tác giả Alicia Eaton viết trong cuốn “How to get kids to do almost anything”.

1. Luôn nói những gì bạn muốn con làm, đừng nói điều bạn không muốn con thực hiện

Nghe qua thì có vẻ phức tạp, nhưng lời khuyên này thực ra rất đơn giản. Rất nhiều ông bố bà mẹ hay nói với con “đừng rời phòng khi chưa dọn dẹp gọn gàng đồ chơi” hoặc “mẹ nói với con bao nhiều lần rồi, đừng trêu em”. Cách sử dụng ngôn ngữ thế này theo Alicia hoàn toàn phản tác dụng. Thay vào đó, bố mẹ nên nói trực tiếp với con: “con nhớ dọn dẹp đồ chơi trước khi ra khỏi phòng nhé!” và “con chơi với em thì phải hòa thuận với em!” sẽ có hiệu quả hơn nhiều.

2. Đưa cho con nhiều lựa chọn

Chẳng hạn như, nếu bé con cứ dùng dằng mãi không chịu thay đồ đi học vào buổi sáng, mẹ nên hỏi con thích mặc bộ quần áo nào hay thích mặc áo trước hay mặc quần trước thay vì la hét con “nhanh lên, mặc quần áo vào không thì muộn học bây giờ”.

Tương tự như thế, nếu muốn con làm bài tập về nhà, bố mẹ không nên ép con “ngồi vào bàn học, nhanh lên!” mà cho con lựa chọn “con muốn làm bài trước hay sau bữa ăn?” sẽ là cách xử lý tình huống sáng suốt hơn nhiều.

3. Nói với con như thể con đã đồng ý với yêu cầu của bạn

Chiêu thức ngôn ngữ này được sử dụng khá nhiều trong lĩnh vực bán hàng. Chẳng hạn, một nhân viên làm việc ở showroom ô tô có thể nói với bạn “anh cứ lái thử chiếc xe này đi, sau đó chúng tôi sẽ cho anh xem cataloge để chọn màu”; họ giả định như thể bạn đã ưng chiếc xe đó trong khi thực tế bạn chưa hề đề nghị muốn đi thử xe; cách sử dụng ngôn ngữ này trong bán hàng được sử dụng khá phổ biến và mang lại hiệu quả tương đối cao.

Còn trong việc dạy con thì sao? Bố mẹ có thể bỏ qua giai đoạn giục con ngồi vào bàn học, giả định rằng con đã đồng ý việc đó và nói “sau khi con học xong cả nhà mình cùng xem phim nhé!”. Đề nghị được xem TV quả thực rất hấp dẫn với bé, thế là con ngồi vào bàn học luôn mà chẳng cần giục giã gì.

4. Nói lời “cảm ơn”

Bản năng tự nhiên của trẻ em là thích được làm vui lòng người lớn. Một lời nói “cảm ơn” sẽ khiến trẻ cảm thấy bản thân được đánh giá cao. Tuy nhiên, bố mẹ cần nhớ, thời điểm thích hợp để nói lời “cảm ơn” là ngay sau khi câu mệnh lệnh được đưa ra chứ không cần chờ đến sau khi bé hoàn thành nhiệm vụ mới nói cảm ơn.

Ví dụ như, nếu muốn con tắt TV, mẹ nên nói “con tắt TV đi để hai mẹ con cùng đi ngủ nào. Mẹ cảm ơn con!” chứ không cần chờ đến lúc con tắt TV rồi mới nói lời “cảm ơn”. Bằng cách này, mệnh lệnh đưa ra sẽ có tính thuyết phục cao hơn.

5. Đừng quên đưa ra lời giải thích

Thường thì, các ông bố bà mẹ hay đưa ra mệnh lệnh mà chẳng cần giải thích. Họ mặc định con đã hiểu hoặc không cần hiểu lý do đằng sau mệnh lệnh mà chỉ cần bố mẹ nói gì, con phải nghe. Tuy nhiên, vì không hiểu, nhiều khi các bé chẳng nghe lời. Do đó, nếu muốn con vặn nhỏ tiếng TV chẳng hạn bố mẹ hãy giải thích cho con tiếng TV to ảnh hưởng không tốt đến tai, làm phiền hàng xóm, khiến bố mẹ đau đầu hoặc làm bố mẹ mất tập trung khi đang suy nghĩ công việc…

6. Sử dụng câu hỏi dẫn dắt

Dùng câu hỏi dẫn dắt là cách Alicia gợi ý cho các mẹ để dắt con đi từ rắc rối đến khao khát giải quyết rắc rối. Ví dụ, nếu con lo lắng về kỳ thi, mẹ hãy động viên con “nếu con lo lắng về kỳ thi, con cần làm gì đó để chắc chắn đạt kết quả cao chứ không nên chỉ ngồi và than lo lắng. Con biết mình cần làm gì không?”

7. Giúp con thôi sử dụng từ “không thể”

Từ “không thể” xuất hiện tương đối nhiều trong các đối thoại hằng ngày của bé “bài tập này khó quá, con chẳng làm được”, “con chẳng biết quét nhà như thế nào cả”, “mẹ trông em đi, nó cứ khóc suốt con không biết dỗ”. Để giúp con thay đổi tư tưởng và nhìn vấn đề theo cách cởi mở hơn, rơi vào trường hợp này bố mẹ không nên hằn gắt hay chê bai con mà nên động viên và gợi ý cho con một vài cách hiệu quả để xử lý tình huống.

Bố mẹ thấy không, nhiều lúc các bậc phụ huynh hay than phiền vì con lỳ, con bướng, con chẳng chịu nghe lời. Thực ra, dạy con không khó như các đấng sinh thành vẫn nghĩ. Chỉ cần thay đổi một chút về tự duy và tận dụng hiệu quả hơn sức mạnh của ngôn ngữ bố mẹ sẽ thấy con nghe lời răm rắp ngay thôi!

Theo Blog Phụ nữ