Dòng sự kiện:

Tặng con những kĩ năng cảnh giác trước người lạ

17:52 10/07/2015
Kĩ năng cảnh giác trước người lạ là một trong những kĩ năng cơ bản nằm trong nhóm kĩ năng tự vệ cần được trang bị cho trẻ ngay từ độ tuổi mầm non để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

 

 

 

Gần đây có rất nhiều vụ trẻ em mất tích hoặc bị bắt cóc đã khiến không ít cha mẹ lo lắng đứng ngồi không yên. Tuy nhiên theo chuyên gia tâm lý cho rằng "nếu bé được cha mẹ giáo dục tốt thì trong một số trường hợp trẻ vẫn có thể tự bảo vệ bản thân trước khi xảy ra những chuyện quá muộn màng".

Ngày, nay, nhất là ở các thành phố lớn, kỹ năng tự bảo vệ của trẻ rất kém mà lỗi chính là ở người lớn. Xã hội càng hiện đại càng tiềm ẩn nhiều mối nguy. Cha mẹ thường sợ hãi tìm cách ngăn cấm con trước các rủi ro nhưng lại quên giải thích cho trẻ vì sao và hậu quả xảy ra. Điều này khiến trẻ do tâm lý lứa tuổi vốn ham khám phá lại càng tò mò. Trẻ không thể hiểu những từ chung chung khi bị người lớn mắng như "nghịch dại", "nguy hiểm".


Dạy con kỹ năng cảnh giác người lạ chính là giúp con thoát khỏi những tên bắt cóc máu lạnh.

Rất nhiều bậc cha mẹ đã dặn dò con rằng không nên nói chuyện với người lạ. Nhưng ở độ tuổi mà bé đang thích giao tiếp, hướng ngoại như vậy thì một vài người lại cho rằng, nói chuyện, làm quen với người khác chính là cách để bé học hỏi. Ai sẽ là người giúp bé khi bé bị lạc đường và cần sự giúp đỡ? Thay vì cấm tiệt việc bé nói chuyện với người lạ, bạn hãy dạy bé khi nào thì nên nói và khi nào thì không.

Hãy dạy trẻ ngay từ khi học mẫu giáo

Bé 2-3 tuổi không thể phân biệt người lạ nào là vô hại và người lạ nào cần phải cảnh giác. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu dạy bé cần giữ khoảng cách an toàn với người lạ bằng cách đưa cho bé những gợi ý phù hợp khi đối phó với người mình không quen biết.

Đến 4 tuổi, bé đã hiểu sâu sắc hơn về người lạ và bạn có thể tiếp tục dạy bé làm thế nào để giữ an toàn cho bản thân. Tất nhiên, bé vẫn còn quá non nớt nếu bạn để lại bé một mình giữa đám đông bởi bé chưa đủ khả năng nhận thức và phán đoán tốt.

Khi bạn bắt đầu nói về người lạ với con, đừng hù dọa bé bằng những vụ giật gân như bắt cóc, giết người mà bạn biết trên các phương tiện truyền thông. Có thể mối bận tâm của bạn là có cơ sở nhưng đừng làm cho bé hoảng hốt.

Dạy trẻ tuyệt đối không đi theo người lạ, ngay cả khi họ nói sẽ giúp bé tìm đường về nhà. Nếu bé lạc ở trung tâm mua sắm hay khu vui chơi đông người, sau khi đứng lại một chỗ chờ một lúc không thấy cha mẹ đến, bé hãy đến nói với các chú bảo vệ hoặc cô bán hàng nhờ họ thông báo lên loa, sau đó ngoan ngoãn đứng ở đó chờ bố mẹ đến.

Hãy đưa ra tình huống nếu con bị lạc cha mẹ,  nguyên tắc đầu tiên bé cần nhớ là bình tĩnh, không khóc lóc hay chạy lung tung mà đứng yên tại chỗ để chờ, vì bố mẹ sẽ quay lại đây tìm bé. Trường hợp bị lạc ở ngoài đường, bé có thể mượn điện thoại của người đi đường hoặc chú công an để gọi bố mẹ đến đón.

Không nhận quà bánh của người lạ để đề phòng những món quà bánh kẹo đó có tẩm thuốc mê, bé ngửi hoặc ăn sẽ bị trúng mưu kẻ xấu. Cha mẹ nên dạy bé không nhận bất cứ món quà nào người lạ cho mà phải từ chối khéo léo rằng: "Bố mẹ cháu không cho phép nhận". Sau đó, bé hãy tìm đến chỗ có người lớn hoặc chú bảo vệ đứng để tránh bị người lạ kia tiếp tục dụ dỗ. Trường hợp người đó cứ bám theo ép bé ăn thì phải quẫy đạp và hét thật to để mọi người đến cứu.

Dạy trẻ không được tin lời người lạ, kể cả người nhận là bạn của ba mẹ, thậm chí biết cả tên ba mẹ và tên của bé. Trường hợp nhận ra họ là hàng xóm hay người quen thì bé hãy vào trường báo cho cô giáo biết rồi nhờ cô gọi cho bố mẹ để xác minh xem có đúng là họ được nhờ đến đón không.

Để rèn luyện kỹ năng cho trẻ, hàng ngày, bố mẹ nên cùng con chơi những trò tình huống, sắm vai, bố mẹ hãy đố con nói gì, làm gì khi ở trong các hoàn cảnh khó khăn (lúc lạc đường, khi bị người lạ rủ đi chơi, khi ở nhà một mình và có sự cố xảy ra…).

Cha mẹ đều có thể biến những câu chuyện, những tai nạn nhìn thấy, nghe thấy trên các phương tiện truyền thông thành bài học chia sẻ với trẻ, giúp con hiểu trong tình huống đó nên làm gì, vì sao bạn đó bị như thế.

Dù bận rộn thế nào, hàng ngày cha mẹ cũng phải dành thời gian để trao đổi, lắng nghe trẻ nói, trao đổi với trẻ những điều đang xảy ra trong cuộc sống, chia sẻ cảm xúc và cảm nhận cùng trẻ.

Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình cực kỳ quan trọng nên bố mẹ phải bắt tay ngay, thực hiện luôn từ khi trẻ con nhỏ, chứ không phải thụ động đến khi mọi sự xảy ra rồi mới lo lắng cuống cuồng. Để dạy được con, cha mẹ cần kiên nhẫn từng ngày, rất kỳ công chứ không chỉ là dặn dò suông.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL