Dòng sự kiện:

Tháng cô hồn, nên cầu siêu thai nhi tại nhà hay chùa?

13:57 10/08/2016
Nhiều gia đình vì lí do này hay lí do khác mà đành phải bỏ thai nhi khi bé còn trong bụng mẹ. Và tháng 7 âm lịch hàng năm là thời điểm nhiều gia đình, nhà chùa chọn để làm lễ cầu siêu cho các thai nhi (hay còn gọi là bé đỏ) được siêu thoát. Vậy nên cầu siêu cho bé đỏ tại nhà hay tại chùa?

Nước mắt của những góc khuất

Chị Thu Quỳnh (ở Doãn Kế Thiện, Hà Nội) kể lại lần đầu tiên tham dự lễ cầu siêu bé đỏ, nghe sư thầy tụng kinh mà nước mắt cứ trào ra. Chị không biết thai nhi của mình là trai hay gái, nhưng ngày ấy chị đã có một con gái mới gần 2 tuổi thì dính bầu con thứ hai, trong khi hai vợ chồng công việc bấp bênh, kinh tế eo hẹp nên không dám sinh thêm con. Và quyết định bỏ thai làm vợ chồng chị hối hận cả đời. Cũng từ đó, chị năng đi lễ chùa, cầu kinh niệm Phật mong bé đỏ tha thứ cho cha mẹ và sớm siêu thoát.

Anh Văn Ngọc (ở Từ Sơn, Bắc Ninh) đi một mình dự lễ cầu siêu mà mắt cũng đỏ hoe. Anh chia sẻ là đi cầu siêu cho thai nhi 2 tháng tuổi mà anh và bạn gái lỡ có cách đây 10 năm. Giờ bạn gái cũ đã lấy chồng tỉnh xa, anh may mắn ở Hà Nội nên biết và đi cầu siêu cho con, kẻo bạn gái không biết lễ này thì tủi cho bé đỏ.

Theo Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Sủi (Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội), những năm gần đây, chùa Sủi cũng lập đại lễ cầu siêu cho các vong hồn thai nhi và ngày càng nhiều người tới đăng ký cầu siêu. Có những lý do tế nhị nên nhiều cha mẹ không thể để thai nhi ra đời và họ đã bị tổn thương và day dứt nên muốn cầu siêu cho thai nhi để xóa bớt ám ảnh.

Đại Đức Thích Thanh Tuấn (Ủy viên Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho hay, lễ cầu siêu thai nhi là cơ hội cho những người bị mất, hoặc chối bỏ mầm sống của mình ăn năn, sám hối. Các chư tăng sẽ tụng kinh cầu nguyện để các hài nhi không đủ duyên lành được siêu thoát… Các bậc cha mẹ cầu mong sự tha thứ vì trót làm những điều có lỗi với thai nhi, để lòng thanh thản và thai nhi được đi đầu thai nơi khác.

Cha mẹ làm gì trong lễ cầu siêu?

Thời điểm này ở Hà Nội các chùa Quán Sứ, Phúc Khánh, Khai Nguyên, Phúc Nghiêm, chùa Miễu… đều tổ chức đăng ký cầu siêu cho thai nhi, có nơi làm chung với lễ cầu siêu cho người đã khuất.

Theo đạo Phật, dù vô tình hay cố ý bỏ thai nhi thì các bố mẹ đã tạo nên nghiệp quả nghiêm trọng. Vì vậy cần làm lễ cầu siêu cho thai nhi ở các chùa chiền, nhằm giúp các thai nhi siêu thoát và giúp chính mình thanh thản hơn.

Chùa nào cũng làm lễ cầu siêu được, nhưng vì một khóa lễ cầu siêu thai nhi khá dài, thủ tục lễ lạt tốn nhiều công sức… nên hầu hết các chùa làm lễ này vào đầu tháng 7 âm lịch, cũng là mùa Vu Lan báo hiếu cha mẹ, mùa xá tội vong nhân.

Lễ cầu siêu thai nhi ở nhà chùa thường không phải đóng tiền, mà do nhà chùa sắm lễ. Người dân nếu muốn đưa thông tin cá nhân thì sắm thêm, hoặc cúng dường tùy tâm. Một số chùa yêu cầu cha mẹ biểu hiện tấm lòng quan tâm tới các bé đỏ, bằng cách sắm lễ đơn giản, gồm:

- Sữa, bánh kẹo.

- 1 thai nhi là 2 bộ quần áo mã (vì không biết giới tính nên 1 thai 2 bộ mã cả trai và gái), kèm vàng mã - bỏ bao nhiêu thai là bấy nhiêu suất; Đồ chơi cho con trai, con gái.

Khi cầu siêu, nên có mặt đủ bố và mẹ sẽ tốt hơn là chỉ có một người. Một số nơi còn yêu cầu các bậc cha mẹ tự cắt quần áo giấy cho thai nhi. Và các bậc cha mẹ đừng quên phóng sinh.

Một số bậc cha mẹ lại sợ ở chùa rất đông, có thể bị sót, hoặc nhầm tên, khiến bé đỏ vẫn là vong lang thang nên muốn cầu siêu tại nhà, với tâm ý tự cầu siêu tại nhà mới đúng phép sám hối, nhờ vậy các bé đỏ có thể độ cho gia đình, tới khi đầu thai chuyển kiếp và chỉ cần mời thầy cúng về nhà làm lễ bài bản, thành tâm là được. Tuy nhiên, các sư thầy đều khuyên, các gia đình nên làm việc này tại chùa. “Cầu siêu thai nhi tại gia, hay làm lễ ở chùa tùy gia chủ lựa chọn. Nhưng các nhà sư chân chính đều được học hành tu tập bài bản, hàng năm còn tập trung học 3 tháng kiết hạ, nên họ có năng lượng để làm lễ cầu siêu”, Nhà khoa học tâm linh Doãn Phú (Viện Nghiên cứu Tiềm năng con người) cho biết.

Theo Gia đình xã hội

Nguồn: Gia đình Việt Nam