Dòng sự kiện:

Thanh nhẹ món chè hoa cau

14:59 23/06/2020
Hà Nội có nhiều món chè khác nhau. Trong muôn vàn các món chè tinh tế, cầu kỳ của mảnh đất Hà thành, chè hoa cau tuy bình dị nhưng mang tới cho ta hương vị thanh tao mà cuốn hút.

Cái tên chè hoa cau có lẽ bắt nguồn từ màu the vàng của hạt đậu xanh gần giống với những bông hoa cau mọng sữa được tách ra khỏi chẽ. Ngày bé, mỗi khi đến dịp lễ Tết, giỗ chạp, mẹ tôi thường nấu chè hoa cau để dâng cúng gia tiên. Trong làn hương trầm ngát thơm, những bát chè sóng sánh được mẹ tôi bày nghiêm ngắn trước ban thờ. Anh em chúng tôi thường ngóng chờ hết hương để được mẹ cho “thụ lộc” bát chè thanh mát.

Chè hoa cau dường như ăn mùa nào cũng hợp. Ngày thường, đi trên phố Hà thành, ta có thể dễ dàng bắt gặp những quán có bán món chè này. Mỗi quán đều mang phong vị riêng của người nấu ở độ “đậm, nhạt”, hương thơm, màu sắc món chè. Có người bạn sau bao năm vẫn nhớ về hương vị món chè hoa cau của bà cụ bán hàng ở góc phố ngày còn thơ ấu.

thanh nhe mon che hoa cau
Ảnh tư liệu

Cách chế biến chè hoa cau không quá cầu kỳ. Theo kinh nghiệm, ta nên chọn những hạt đậu xanh to, mẩy và đã được tách vỏ. Để đậu xanh được nhanh chín mềm, các bà các mẹ thường vo sạch và ngâm khoảng 6 tiếng hoặc qua đêm. Sau đó, ta vớt đậu ra, xóc chút muối và cho vào chõ đồ chín.

Có một bí quyết khiến chè hoa cau được sánh mịn đó là các bà các mẹ cho bột sắn dây hoặc bột năng vào nước nấu chè. Tuy nhiên, đừng cho trực tiếp bột vào nồi chè nhé. Ta hãy cho bột vào một chiếc tô sạch, từ từ rót nước lạnh và khuấy thật đều tay để đảm bảo bột tan hết.

Lá dứa rửa sạch rồi cho vào nồi với khoảng 1 lít nước và đường rồi đun trên lửa lớn. Chờ cho nồi nước sôi và lá dứa dậy mùi thì ta vớt bỏ lá và từ từ trút phần bột năng vào nồi nước. Lúc này, khuấy đều tay cho đến khi nồi nước trong, sánh là được. Giữ lửa ở mức liu riu rồi cho đậu xanh đã hấp chín vào khuấy thật nhẹ tay. Khi nồi chè sôi quãng 2 phút thì tắt bếp, bắc xuống để nguội.

Bát chè nấu xong thật bắt mắt những hạt đậu hanh vàng ẩn hiện trong lớp bột mờ ảo. Nếu thích, bạn có thể rưới chút nước cốt dừa, rắc thêm dừa tươi nạo sợi lên trên bát chè, rồi từ từ thưởng thức. Mùa hè, một số người thường cho đá bào vào đáy bát trước khi múc chè. Tuy nhiên, nếu cho đá vào bát chè sẽ làm nhạt bớt độ ngọt. Vậy nên tôi thường cho bát chè vào ngăn mát tủ lạnh trước khi ăn.

Múc một thìa chè nếm thử, ta cảm nhận độ sánh mượt của bột sắn quyện cùng đậu xanh chín mềm. Những người nội trợ khéo thường ướp hoa bưởi vào bột sắn dây từ độ mùa xuân. Khi hạ tới, các bà các mẹ lấy bột sắn dây ra nấu chè hoa cau. Bát chè hoa cau thanh mát, thoang thoảng hương bưởi khiến những ngày oi nóng của mùa hạ dường như dịu lại.

Một số người thường ăn kèm chè hoa cau với xôi vò tạo thành món xôi chè. Rắc chút xôi vò lên trên bát chè hoa cau, những hạt nếp căng mọng được phủ bên ngoài bằng lớp đậu xanh giã nhuyễn nằm trên bát chè sóng sánh. Dường như, sự dẻo thơm của xôi vò sinh ra để kết hợp với vị ngọt thanh của chè hoa cau.   

Món chè hoa cau tuy bình dị vậy thôi, nhưng in sâu trong ký ức của những ai đã từng được thưởng thức bởi hương vị tinh tế, thanh tao.

 Vy Anh

Link nguồn:

https://phapluatxahoi.vn/thanh-nhe-mon-che-hoa-cau-198470.html

Theo phapluatxahoi.vn