Dòng sự kiện:

"Thất vọng" khi nhìn thấy con trai 14 tuổi hôn bạn cùng giới

17:13 13/07/2015
“Tôi rất sốc, không biết nên làm thế nào vì cháu mới 14 tuổi, là con trai duy nhất của gia đình lại đang có tình cảm với một bạn trai cùng lớp”.

“Thôi, em cứ coi như con mình bị ung thư, hay bệnh nan y nào đó, đừng khổ sở quá thế”- chồng tôi an ủi khi thấy tôi khóc ròng mấy ngày và đòi chết khi con gái 17 tuổi của mình thừa nhận là “gay”. Chị Hường đau đớn chia sẻ.

Chị Phương( Hà Nội) tâm sự:  Một hôm con đi học về, tôi thấy cháu có vẻ buồn rầu, gặng hỏi thì cháu không nói. Nghi ngờ nên tôi theo dõi, bất kể cháu đi đâu, làm gì. Một hôm, tôi nghe cháu hẹn một cậu bạn ra bờ biển rồi đi ngay, thế là tôi liền đi theo. Đến nơi, tôi không thể tin vào mắt mình: Hai cháu nắm tay nhau, sau đó hôn nhau. 

Trong tình huống này, bố mẹ sẽ có hai lựa chọn: một là hiểu ra rằng đồng tính không phải là bệnh, đó chỉ là một xu hướng tự nhiên và những người là gay, lesbian, hay lưỡng tính, chuyển giới vẫn có thể thành công trong cuộc sống, từ đó thông cảm, chia sẻ, hỗ trợ con. Hai là, cho đồng tính là giả, có thể thay đổi, tiếp tục cấm đoán, tìm cách thay đổi con.

Năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới - cơ quan của Liên Hợp Quốc cố vấn chuyên môn cho các quốc gia về y tế - đã loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh tâm thần. Đồng tính/song tính/chuyển giới không  bị “lây lan” và không ai có thể “khuyên nhủ” hay ép buộc để con cái chúng ta thay đổi bởi đó là những điều xảy ra hết sức tự nhiên giống như việc trước đây khi lớn lên chị thấy mình có tình cảm với người khác giới vậy.

Bất cứ cha mẹ nào khi phát hiện con đồng tính, lưỡng tính hay chuyển giới đều có cảm xúc mạnh: thất vọng, lo sợ, mất mát... Đó là tâm lý thông thường và dễ thông cảm bởi cha mẹ nào cũng nghĩ con là dị tính, lớn lên, lập gia đình, có tương lai thành đạt. Trong khi định kiến xã hội vẫn gắn đồng tính với những điều xấu như HIV, mất hết tương lai... thì các phụ huynh của người đồng tính càng muốn níu kéo, lôi con lại...

Rõ ràng, không bố mẹ nào muốn mất con hay đẩy con vào ngõ cụt, bị tẩy chay, kỳ thị. Vậy thì, hãy chia sẻ, thông cảm, chấp nhận con, giúp con sống tốt, thành công và có ích. Đồng thời, phải trang bị kiến thức để hướng cho con có đời sống tình dục an toàn, sống hạnh phúc, lạc quan trong tình yêu thương của mọi người”.

Hãy hiểu con bố mẹ ơi!

Con 14-17 tuổi, đã bắt đầu có sự rung động về mặt giới tính, tình cảm. Làm cha mẹ, ai cũng muốn hiểu được con mình đang nghĩ gì, yêu ai, học hành như thế nào để có những cách can thiệp tác động cho phù hợp. Chúng ta cũng cần phải thật khéo léo để tìm hiểu sự thay đổi của con, việc theo dõi không cẩn thận sẽ khiến con có cảm giác bị kiểm soát, bị mất tự do và không tin tưởng bố mẹ nữa. Khi con thu mình lại, sẽ khó gần con và việc không nói chuyện được với con sẽ khiến bố mẹ xa nhau hơn và đó hẳn là điều không ai muốn.

Khi con đang ở độ tuổi còn non trẻ và cần nhận được sự thấu hiểu yêu thương từ cha mẹ mình. Vì vậy, nếu muốn nói chuyện với con nên tìm hiểu thật kỹ qua sách báo, tài liệu từ các tổ chức làm về quyền của cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới).

Muốn nói chuyện với con thì trước hết phải hiểu con. Hiểu về con là một hành trình dài và bố mẹ cũng cần phải bắt đầu với niềm tin vào con mình. Khi thực sự hiểu con  sẽ thấy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên thân thiết hơn. Nếu con vẫn là một trẻ ngoan ngoãn và hiếu thảo thì cho dù con yêu ai, con vẫn không hề thay đổi, chỉ có giấc mơ và mong chờ của mẹ về con là có sự thay đổi mà thôi. Con trẻ sẽ thật hạnh phúc khi nhận được sự tôn trọng và thấu hiểu từ cha mẹ mình.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL