Dòng sự kiện:

Thi THPT Quốc gia 2016: Chiến thuật làm bài thi Vật lý tránh sai lầm 'chết người'

20:08 20/06/2016
Kỳ thi THPT Quốc gia đang đến rất gần. Để làm tốt bài thi trắc nghiệm môn Vật Lý, thí sinh cần nắm rõ các kỹ năng và lưu ý để có thể tránh mất điểm ở những lỗi cơ bản.
Để làm tốt bài thi môn Vật lý - Kỳ thi THPT Quốc gia 2016, thí cần cần lưu ý:

- Đọc trước toàn bộ đề: Đọc thật nhanh qua toàn bộ và làm những câu dễ trước; đánh dấu những câu chưa làm được. Các em không nên dừng lại quá lâu ở một câu trắc nghiệm, sẽ mất cơ hội ở những câu dễ hơn, mà điểm số thì được chia đều.

- Chia đề làm 3 nhóm, làm bài thành 3 vòng. Khi nhận đề, phải đọc lướt qua toàn bộ câu hỏi, để nhận biết câu khó và câu dễ. Nhóm 1 là những câu cảm thấy dễ và chắc chắn thì làm ngay, để đỡ mất thời giờ vòng lại. Nhóm 2 là những câu hỏi cần phải tính toán và suy luận. Nhóm 3 là những câu hỏi còn phân vân hoặc vượt quá khả năng của mình thì làm sau cùng.


Chiến thuật làm bài thi Vật lý tránh sai lầm 'chết người' trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016

- Nên để phiếu trả lời phía tay cầm bút (thường là bên phải), đề thi trắc nghiệm phía kia đối diện (bên trái). Tay trái giữ ở vị trí câu trắc nghiệm đang làm, tay phải dò tìm số câu trả lời tương ứng trên phiếu và tô vào ô trả lời được lựa chọn (tránh tô nhầm sang dòng của câu khác).

Số câu lý thuyết khoảng trên dưới 30% nên không được xem nhẹ phần lý thuyết.

- Phải cân nhắc các con số thu được từ bài toán có phù hợp với những kiến thức đã biết không. Chẳng hạn tìm bước sóng của ánh sáng khả kiến thì giá trị phải trong khoảng 0,38 (μm) đến 0,76 (μm).

- Mỗi đại lượng vật lí còn cần có đơn vị đo phù hợp nữa: Đừng vội vàng khi con số tính được trùng khớp với con số của một phương án trả lời nào đấy, phải xem kĩ đơn vị có trùng khớp không.

- Những phương án ngược nhau: Khi trong 4 phương án trả lời, nếu hai phương án mà hoàn toàn trái ngược nhau, có lẽ một trong hai phương án đó là đáp án chính xác.

- Em phải cảnh giác với những câu hỏi yêu cầu nhận định phát biểu là đúng hay sai. Nên đọc cho hết câu hỏi. Vì thực tế có em chẳng đọc hết câu đã vội trả lời rồi.

Luôn luôn cẩn thận với những từ phủ định trong câu hỏi, cả trong phần đề dẫn lẫn trong các phương án trả lời. Không phải người ra đề thi nào cũng “nhân từ” mà in đậm, in nghiêng, viết hoa các từ phủ định cho bạn đâu. Hãy đánh dấu các từ phủ định để nhắc nhở bản thân không phạm sai lầm. 

Ví dụ: Tìm phương án không chính xác. Nhiều khi thí sinh chỉ chăm chăm vào tìm cái chính xác, do không đọc kỹ lời dẫn.

- Các em có 2 cách để tìm đáp án đúng:

* Cách thứ nhất: Giải bài toán đầu bài đưa ra tìm đáp số xem có trùng với đáp án thì chọn.

* Cách thứ hai: Ta dùng đáp án đó đưa vào công thức mà các em biết thì đáp án nào đưa vào công thức có kết quả hợp lý là đáp án đúng.

- Trước khi hết giờ 15 phút cần tô tất cả câu chưa làm được (vì 4 đáp án sẽ có 1 đáp án đúng), tô bằng chì nên có thể sửa lại nếu khi tô xong còn thời gian kiểm tra lại.

Mã đề được trộn bằng phần mềm nên số đáp án A, B, C, D thường ngang nhau. Đây cũng là cơ sở để các em phán đoán trong việc tô đáp án các câu chưa kịp làm, để tăng xác suất đúng. Ví dụ trong các đáp án mình đã tô, nếu đáp án B là ít nhất thì các câu chưa làm nên tô B.

Những sai lầm 'chết người' khi làm bài thi Vật lý - kỳ thi THPT Quốc gia

1. Quên ghi và tô số báo danh, mã đề. Nên ghi và tô vào phiếu ngay khi nhận đề (Để đến cuối buổi thi rất dễ quên).

2. Nhược điểm lớn nhất là các em thường hiểu sai hiện tượng vật lý, nên kết quả phán đoán sai. Cần xác định rõ hiện tượng xảy ra và kết quả max, min trong đề nói đến là do yếu tố nào quyết định. Ví dụ: Công suất max là do cộng hưởng (thường là L, C hay f biến đổi) hay do R biến đổi...

3. Xác định sai đối tượng để áp dụng công thức.

4. Quên đổi đơn vị.

5. Tự ý lấy các hằng số trong máy mà không quan tâm đến các hằng số trong đề đã cho.

6. Bấm nhầm máy tính do thiếu đóng ngoặc dưới mẫu số hoặc do để sai chế độ đo góc (độ (D) hay rađian (R)).

7. Sa đà vào các câu khó làm mất nhiều thời gian, trong khi câu dễ hay khó đều là 0,2 điểm như nhau.

8. Không chú ý đến thời gian nên phân bố thời gian cho các câu không hợp lý.

9. Tránh chủ quan là câu dễ thì làm nhầm, câu khó thì không làm được.

Linh An (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam