Dòng sự kiện:

Thi THPT quốc gia 2017: Trừ Văn tự luận, còn lại trắc nghiệm

00:14 29/09/2016
Chiều 28/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi THPT quốc gia 2017, so với dự thảo trước đó không có sự thay đổi nhiều.

Mỗi tỉnh một cụm thi

Kỳ thi năm 2017 được giao về cho các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì và mỗi tỉnh thành sẽ có một cụm thi, thay vì 2 cụm như năm 2016. Thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp.

Sở Giáo dục các tỉnh bố trí cán bộ thực hiện các khâu trong thi cử. Bộ Giáo dục sẽ cử cán bộ, giảng viên trường đại học, cao đẳng về tỉnh hỗ trợ tổ chức thi.

3 bài thi độc lập, 2 bài tổ hợp

Thay vì thi 8 môn như năm 2016, thí sinh năm nay sẽ thi 5 bài, gồm 3 bài độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp gồm Khoa học tự nhiên (tổ hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh hệ giáo dục THPT; tổ hợp Lịch sử, Địa lý với thí sinh hệ Giáo dục thường xuyên).

Các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần để phục vụ xét tuyển đại học theo khối thi truyền thống; điểm toàn bài thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học theo tổ hợp môn thi, bài thi mới.

Trừ Ngữ văn thi tự luận, 4 bài còn lại sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh cùng phòng có mã đề thi riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu này được chấm bằng phần mềm máy tính.

Với những thay đổi của kỳ thi, học sinh, giáo viên sẽ phải thay đổi cách học và ôn tập cho hiệu quả. 

Đề và thời gian thi 

Năm 2017, nội dung đề thi sẽ chủ yếu trong chương trình lớp 12. Năm 2018, nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12; từ năm 2019 trở đi nằm trong chương trình 3 năm THPT.

Đề sẽ gồm các câu hỏi ở cấp độ cơ bản nhằm xét tốt nghiệp và câu hỏi phân hóa để xét tuyển đại học, cao đẳng. Đề thi cho mỗi môn thành phần của các bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 40 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 50 phút/môn. Bài thi Toán có 50 câu trắc nghiệm, làm trong 90 phút; Ngoại ngữ 50 câu thi trong 60 phút. Mỗi câu trắc nghiệm có 4 phương án trả lời, thí sinh chọn một đáp án đúng.

Đề thi Ngữ văn sẽ có phần Đọc hiểu và Làm văn, thi trong 120 phút. Kỳ thi sẽ được tổ chức trong tháng 6 và diễn ra trong 2 ngày. Ngày thứ nhất thi hai môn Ngữ văn, Ngoại ngữ trong buổi sáng; thi Toán buổi chiều. Ngày thứ hai thi bài Khoa học tự nhiên buổi sáng, bài Khoa học xã hội buổi chiều.

So với dự thảo, số câu hỏi của mỗi môn thành phần trong bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội đã tăng từ 20 lên 40 câu. Đề thi Ngoại ngữ cũng tăng từ 40 trong dự thảo lên 50 câu trong phương án chính thức.

Đầu tháng 10, Bộ Giáo dục sẽ công bố đề thi minh họa để học sinh và giáo viên tham khảo, ôn luyện.

Sử dụng kết quả thi thế nào?

Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh hệ THPT sẽ phải thi 4 bài gồm 3 bài bắt buộc các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn, hoặc Khoa học tự nhiên, hoặc Khoa học xã hội. Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Các em có thể dự thi cả 5 bài để sử dụng kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Điểm bài nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp.

Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi 3 bài gồm 2 bài bắt buộc Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn: Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài, điểm bài thi tự chọn nào cao hơn thì sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp.

Nếu có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng, học sinh có thể chọn thi thêm bài Ngoại ngữ. Thí sinh tự do thi để xét tuyển đại học chọn các bài thi hoặc môn thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường.

Xét công nhận tốt nghiệp THPT

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017 sẽ kết hợp sử dụng kết quả 4 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh giáo dục THPT), hoặc 3 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Cách tính điểm xét tốt nghiệp: điểm các bài thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 có tỷ lệ tương ứng 50:50. 

Điểm liệt của mỗi bài thi độc lập (theo thang 10) là 1. Điểm liệt của mỗi môn thành phần (theo thang 10 điểm) của các bài thi tổ hợp là 1.

Quản lý cơ sở dữ liệu thi THPT quốc gia

Giống như 2016, năm tới thông tin đăng ký dự thi THPT quốc gia của thí sinh được cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu chung của Bộ Giáo dục. Mỗi thí sinh được cung cấp một mã số và tài khoản để kiểm tra thông tin cá nhân, kết quả thi THPT quốc gia, kết quả tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng cơ sở dữ liệu chung để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh; cập nhật lên hệ thống kết quả học tập THPT, kết quả thi THPT quốc gia và kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các trường đại học, cao đẳng truy cập, khai thác dữ liệu từ hệ thống này để phục vụ công tác tuyển sinh.

Phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng

Năm 2017 sẽ có 4 phương thức xét tuyển, thứ nhất dựa vào kết quả bài thi THPT quốc gia; thứ hai là sơ tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với kết quả bài thi năng khiếu hay bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh; thứ ba xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT và cuối cùng là phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh.

Trao đổi tại họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, khi công bố dự thảo, Bộ nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, thầy cô giáo. Đa số tán thành cho rằng phương án thi năm nay gọn nhẹ, giảm thời gian thi từ 4 xuống còn 2 ngày, nhẹ nhàng cho cả thí sinh và bộ máy tổ chức, tăng tính nghiêm túc, công bằng bởi tổ chức 4 bài thi trắc nghiệm và chấm bằng máy. Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển vào đại học, cao đẳng hơn.

Trước băn khoăn về thi trắc nghiệm Toán, ông Ga giải thích mục đích kỳ thi là xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng, không phải là tuyển chọn nhân tài nên thi theo hình thức nào cũng được. Nhưng kỳ thi có số thí sinh lớn, phạm vi rộng nên tổ chức thi trắc nghiệm để đảm bảo khách quan, hạn chế tiêu cực.

Trước năm 2014, Việt Nam có 13 năm liên tục thi đại học theo hình thức 3 chung (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả thi). Sau khi thi tốt nghiệp THPT tại địa phương vào cuối tháng 6, sang tháng 7 thí sinh sẽ thi đại học, cao đẳng ở một số cụm thi nhất định, thời gian thi một ngày rưỡi.

Từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học, cao đẳng vào làm một, gọi là kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh thi vào đầu tháng 7 tại các cụm địa phương (cho người chỉ xét tốt nghiệp) và cụm do đại học chủ trì (cho người vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học). Ngoài 3 môn bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và một một tự chọn để xét tốt nghiệp, thí sinh có thể chọn thêm những môn sau Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh để xét tuyển đại học. Tổng thời gian thi 4 ngày.

 

Theo VNE

Nguồn: Gia đình Việt Nam